Chúng ta

Phía sau thành công của dự án Chuyển mạng giữ số

Thứ tư, 1/8/2018 | 10:00 GMT+7

Đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng mỗi thành viên trong đội dự án đều không rời bỏ cuộc chiến ngay từ khi bắt đầu cho đến ngày kết thúc.

Gần cuối năm 2017, Khối ngành giao thông, điện nước, ga (FTU) được lãnh đạo FPT IS tin tưởng và giao việc thực hiện dự án Chuyển mạng giữ số VNTA - MNP với Cục Viễn thông, Bộ Thông tin Truyền thông.

Khi được nhận nhiệm vụ này, FTU đã thành lập đội dự án gồm 12 thành viên, nữ tướng Đặng Thị Ái Vân trong vai trò Giám đốc dự án. FTU lên kế hoạch triển khai dự án thành 2 giai đoạn chính: Xây dựng Quy trình chuyển mạng giữ số với các nhà mạng; Tích hợp và thử nghiệm quy trình chuyển mạng IOTP (Kiểm thử khả năng tương tác) với hệ thống của nhà mạng.

Ngay từ đầu, FTU đánh giá đây là một dự án đầy thách thức khi Chuyển mạng giữ số lần đầu được triển khai tại Việt Nam. Kinh nghiệm trong lĩnh vực này là con số 0 trong khi thời gian tiếp cận rất ngắn. Ngoài ra, một dự án mang tầm cỡ quốc gia, làm thay đổi cả nền viễn thông Việt Nam cũng khiến đội dự án phải rất thận trọng.

DSC-8738-4710-1533033999.png

Bắt tay vào dự án Chuyển mạng giữ số khi có rất ít kiến thức và thông tin về lĩnh vực này, đội dự án FTU phải lần mò từng bước một như đi trong bóng tối. Ảnh: Nguyễn Thắng

Chị Phạm Thị Phương Anh, Trưởng nhóm Phân tích nghiệp vụ, chia sẻ, hai tháng đầu thực hiện dự án phải tự trau dồi, tham khảo rất nhiều tài liệu nghiệp vụ chuyển mạng của nước ngoài, tìm hiểu và nghiên cứu từ thực tế triển khai dịch vụ này ở nhiều quốc gia trên thế giới, các buổi giới thiệu tài liệu của chuyên gia liên tục được tổ chức sau giờ làm việc, hội thảo quy trình nghiệp vụ hàng tuần.

Những nỗ lực trong hai tháng đó đã được đền đáp. Nhóm Phân tích nghiệp vụ xây dựng được tài liệu Quy trình nghiệp vụ chuẩn. Từ đó, đội dự án đã nắm bắt toàn bộ hệ thống lõi nên quá trình trao đổi với khách hàng vô cùng suôn sẻ và thuận lợi. Hai bên thống nhất hệ thống sẽ vận hành với 4 bước theo một quy trình khắt khe.

Sang giai đoạn 2 là chặng đường căng thẳng hơn rất nhiều. Dù có chuẩn bị kỹ nhưng không tránh khỏi những trở ngại về kỹ thuật khi thử nghiệm hệ thống. Từ triển khai thử nghiệm cho tới lúc chuyển đổi thật sự, liệu mọi việc có diễn ra suôn sẻ? Các thủ tục có nhanh chóng, các số chuyển đổi mạng có hoạt động trơn tru, các nhà mạng có đủ cơ sở hạ tầng?... Nhiều câu hỏi cần đội dự án phải tìm ra lời giải.

DSC-8687-7004-1533033999.png

Bánh quy, xúc xích, hoa quả là những đồ ăn quen thuộc của anh em dự án Chuyển mạng giữ số khi tăng ca. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Liên tục những tháng ngày làm thêm giờ để nghiên cứu, chạy thử, chỉnh sửa lỗi, hướng dẫn khi phát sinh lỗi trong quá trình chuyển mạng. Khó khăn là thế nhưng tinh thần làm việc của mỗi cán bộ trong đội dự án luôn rất quyết tâm, không rời bỏ cuộc chiến ngay từ đầu cho đến khi kết thúc.

Suốt trong thời gian cao điểm của từng giai đoạn, để kịp tiến độ, các thành viên dự án mỗi ngày đều làm việc trên 11 tiếng. Khi vấp khó khăn, cả đội đều cùng sát cánh hỗ trợ và động viên nhau vượt qua. Khối lượng công việc nhiều, áp lực trong khoảng thời gian dài nhưng toàn đội vẫn luôn đề cao sự chuyên nghiệp, thể hiện được sự hăng hái khi gặp mặt khách hàng.

Anh Trần Mạnh Tiến thường xuyên cùng anh em trong đội làm tăng ca. Là Quản trị dự án, anh Tiến phải luôn ở bên cạnh hỗ trợ cho cấp dưới của mình. Không chỉ là thủ lĩnh trong công việc, anh còn là thủ lĩnh về tinh thần cho anh em. Những người trẻ trong lúc khó khăn thường hay nản chí, những lúc đó, anh Tiến như người anh cả, động viên tiếp lửa cho đàn em.

DSC-8757-2100-1533033999.png

Những lúc công việc căng thẳng, anh Tiến lại là người pha trò cười giúp anh em xua đi mệt mỏi. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Chị Lê Thị Nguyệt là nhân viên kiểm thử của dự án. Không như các đồng nghiệp nam ở lại văn phòng tiếp tục làm việc ngoài giờ, chị tranh thủ giữa "hai ca" về lo việc nhà. Chị có hơn một tiếng để vừa nấu cơm, thu dọn nhà cửa, cho con ăn để sau đó tiếp tục đi làm. Có hôm vội quá, chị cũng đành cho con ăn nhanh để quay trở lại với công việc. Hôm nào đến ca trực muộn, chị cũng nhờ người đón con luôn. Những hôm không kịp về "giữa ca", tối về muộn, cả ngày chị không được chơi với con. Mọi việc đành phải nhờ cả vào chồng.

Cuối cùng, những giọt mồ hôi nước mắt cũng cho ra trái ngọt. Hiện tại, dự án đã thành công, các nhà mạng MobiFone, Viettel, VinaPhone đều đã sẵn sàng kết nối hệ thống Chuyển mạng giữ số của Cục Viễn thông.

Chuyển mạng giữ số (MNP: Mobile Number Portability) là dịch vụ cho phép các thuê bao di động chuyển đổi mạng cung cấp dịch vụ mà vẫn giữ được số thuê bao của mình. Người sử dụng vẫn thực hiện quay số bình thường không cần có bất kỳ sự thay đổi nào trong việc quay số đến thuê bao đã chuyển mạng.

DSC-8729-4546-1533033999.png

Dù chăm con nhỏ nhưng chị Nguyệt vẫn nhiệt tình tăng ca làm việc cùng đồng nghiệp. "Khâm phục" là từ mà tất cả thành viên trong đội dự án nói về chị. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Cục Viễn thông cho biết, dịch vụ này triển khai đem lại nhiều lợi ích cho thị trường. Thứ nhất, chuyển mạng giữ nguyên số đem lại quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ có chất lượng dịch vụ và lợi ích phù hợp hơn cho khách hàng. Thứ hai, chuyển mạng giữ nguyên số sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường viễn thông, bảo vệ người dùng. Thứ ba, đối với xã hội và sự phát triển của lĩnh vực viễn thông, chuyển mạng giữ nguyên số tạo ra xu hướng cá nhân hóa số điện thoại, gắn kết với một số điện thoại đang sử dụng.

Thành công này, tập thể toàn đội dự án đã nhận được rất nhiều lời khen từ khách hàng, về tinh thần làm việc nhiệt tình, chịu khó tìm hiểu, cũng như trách nhiệm và hơn cả là sự chuyên nghiệp trong công việc. Đó là nguồn động lực mới để mỗi nhân viên FTU quyết tâm hơn trong những dự án tiếp theo.

FPT IS khi triển khai dự án này thành công không chỉ mang lại doanh số, lợi nhuận cho công ty mà còn nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh. Đây còn là nền tảng cho việc phát triển các dịch vụ mới như thương mại điện tử, ví điện tử - bước tiến trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hồng Liên - Nguyễn Thắng

Ý kiến

()