Chúng ta

Những chứng nhân của lịch sử

Thứ năm, 28/4/2011 | 06:24 GMT+7

Những thanh niên FPT háo hức nuốt trọn từng lời của các khách mời Đại úy Vũ Đăng Toàn và KTS Nguyễn Hữu Thái, những người tham gia và chứng kiến thời khắc cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong buổi giao lưu Nhân chứng lịch sử tối 27/04.

Buổi giao lưu do FLI Club tổ chức nhân kỷ niệm 36 năm giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn đất nước. Đã có gần 40 cán bộ FPT đến dự, nhiều người rủ thêm cả bố, mẹ hay con nhỏ đi cùng.

fptgiaoluuvudangtoan-538035-1412961996.j

Dẫn chương trình lần này là một MC đặc biệt, Phó Chủ tịch HĐQT FPT Bùi Quang Ngọc. Vốn là thầy giáo, lại am hiểu lịch sử, anh Ngọc đã dẫn chương trình đầy lôi cuốn, hấp dẫn.

"Đến tận những ngày cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cuộc chiến đấu vẫn diễn ra rất căng thẳng", chú Vũ Đăng Toàn - nguyên Chính trị viên Đại đội xe tăng 4, tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203 - chỉ huy xe tăng 390 - kể. "Từ 26-28/04, tiểu đoàn xe tăng của chú chiến đấu với quân địch là học viên trường sỹ quan xe tăng cạnh căn cứ Nước Trong, Đồng Nai mà chưa dứt điểm được. Đại đội bạn bị thiệt hại gần hết xe, đại đội chú được đưa lên thay thế".

Lúc này, quân địch đóng ở trong rừng cao su kín đáo nên xe tăng của ta không phát hiện được mục tiêu. "Bọn chú thay đổi chiến thuật, không đi theo hàng dọc mà 7 chiếc tăng dàn hàng ngang ra. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận ra lệnh mỗi xe bắn liền 4 quả đạn nổ vào rừng để phát quang. Khói tan, xe tăng địch lộ hết mục tiêu, cả đại đội chuyển sang dùng đạn xuyên ào lên đồng loạt tấn công".

Xe tăng địch chiếc cháy, chiếc bỏ chạy. Đến 12h trưa, trận chiến mới kết thúc. Đại đội chú cùng toàn lữ đoàn tăng 203 và quân đoàn 2 dừng lại để củng cố phương tiện, bổ sung đạn dược trước khi bước vào trận đánh cuối cùng trong nội thành Sài Gòn.

fptchungnhanlichsu-665923-1412961996.jpg

Xe tăng 390 (trái) và xe tăng 843 tiến vào Dinh Độc lập. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận (vị trí mũi tên chỉ vào) cầm cờ chạy vào dinh. Ảnh của nhà báo Pháp Francoise Demulder.

"Sáng 30/04, trên đường tiến vào Sài Gòn, đại đội chú còn đánh 2 trận nữa. Ở cầu Sài Gòn cũng rất căng thẳng. Xe tăng địch cố thủ ở đầu cầu phía Nam, cùng tàu hải quân dưới sông chống cự quyết liệt. Hai đại đội tăng lên trước bị thiệt hại nặng, đại đội chú từ phía sau lại được đưa lên tăng cường, bắn cháy mấy xe M41, M113 của địch, phá tan tuyến phòng thủ này để mở đường cho toàn thê đội thọc sâu tiến lên. Đến cầu Thị Nghè, cũng phải bắn cháy 2 xe M41 nữa mới có thể tiến đến dinh Độc lập".

"Rạng sáng 30/04, chúng tôi tập trung ở Đại học Vạn Hạnh", chú Nguyễn Hữu Thái kể. Lực lượng thanh niên đô thị thuộc thành phần thứ ba dự định trong ngày sẽ làm hai việc: Vào tác động Tổng thống Dương Văn Minh bàn giao lại chính quyền cho Mặt trận Dân tộc và đưa một nhóm có vũ trang ra chiếm Đài phát thanh, Đài truyền hình".

Tuy nhiên, khi nhóm chú Thái ra đến Đài phát thanh thì nhận thấy "vẫn còn 2 đại đội cảnh sát dã chiến trang bị đầy đủ vũ khí bảo vệ đài" nên đã quay xe về dinh Độc lập gặp Tổng trưởng Thông tin Lý Quý Chung, người bạn của chú, để rồi chứng kiến giây phút lịch sử khi chiếc xe tăng số 843 húc vào cổng phụ và xe tăng 390 tông đổ cổng chính tiến vào dinh.

"Nhìn thấy anh Thận xuống xe cầm cờ chạy vào dinh có một mình, tôi liền mở cửa xe, xách khẩu AK nhảy xuống chạy theo để hộ tống", chú Toàn kể tiếp. "Tại sảnh dinh, khi gặp Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá của ông Dương Văn Minh ra đón, anh Thận lập tức yêu cầu ông Hạnh dẫn lên nóc dinh để cắm cờ. Ông Hạnh trả lời: "Chính phủ chúng tôi cũng mới tiếp quản dinh có 2 ngày nên chưa thuộc đường", rồi yêu cầu Đại tá Chiêm, chánh văn phòng Phủ Tổng thống dẫn anh Thận, anh Thái cùng giáo sư Tòng - một nhân vật thuộc thành phần thứ ba đi cùng đoàn của anh Thái - lên cắm cờ trên nóc dinh".

Chú Toàn kể tiếp: "Ông Chung dẫn tôi vào phòng họp lớn, thì nội các chính quyền Sài Gòn và các nhân viên phục vụ đang đứng ngồi rất đông ở đó, đến 40 người. Tôi hỏi: "Tổng thống Dương Văn Minh đâu?", ông Chung trả lời: "Tống thống đang ở trong phòng phía sau". Tôi yêu cầu ông Chung đưa ông Minh ra. Khi ông Minh ra đến nơi thì cũng là lúc Tiểu đoàn phó tiểu đoàn bộ binh 66 Phạm Xuân Thệ vừa vào đến nơi. Vài phút sau, Chính ủy lữ đoàn 203 Bùi Văn Tùng cũng bước vào. Sau đó anh Tùng và anh Thệ đưa ông Minh, Thủ tướng Mẫu và ông Chung ra Đài phát thanh đọc tuyên bố đầu hàng, còn đại đội tăng chúng tôi tiến ra chốt giữ cảng Sài Gòn".

Chú Thái là một trong những người ra đài phát thanh. Tại Đài, chính chú Thái là người điều hành buổi phát thanh đầu tiên sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và lời chấp nhận đầu hàng của Chính ủy Bùi Văn Tùng. Chú Thái cũng đọc thông báo chính sách của Mặt trận đối với vùng mới giải phóng, và giới thiệu nhạc sỹ Trịnh Công Sơn hát bài "Nối vòng tay lớn".

Những câu chuyện về thời khắc lịch sử của một ngày trọng đại của dân tộc mà hai vị khách mời kể lại đã thu hút hoàn toàn những người tham dự. Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình chăm chú theo dõi buổi giao lưu từ đầu đến cuối. Thỉnh thoảng, anh lại đặt câu hỏi cho các vị khách mời nhằm tìm hiểu thêm về một vài chi tiết.

Anh Bùi Quang Ngọc kể: "Thời điểm Sài Gòn được giải phóng, tôi và anh Bình đều đang học tập bên Liên Xô. Tối 30/04, tin tức bay sang bên đó, lập tức bạn bè quốc tế nô nức chúc mừng các sinh viên Việt Nam. Cả đêm chúng tôi uống rượu, hát, cười trong niềm vui mừng nước nhà hoàn toàn thống nhất. Ngày hôm sau là Quốc tế Lao động 01/05, trong các cuộc diễu hành ngoài đường phố, nhân dân Liên Xô cũng tưng bừng chào mừng chiến thắng lịch sử của nhân dân Việt Nam, khiến chúng tôi lâng lâng tự hào và xúc động".

Không chỉ anh Bình, anh Ngọc mà toàn thể khán giả dự buổi giao lưu đều có chung cảm giác xúc động, tự hào khi nhắc lại những giờ phút lịch sử trong đại của dân tộc. "Để tiếp nối truyền thống vẻ vang mà các chú, các anh đã xây dựng, FPT đang ra sức phấn đấu trên mặt trận kinh tế, góp phần làm hưng thịnh quốc gia bằng công nghệ thông tin", anh Bình khẳng định với các nhân chứng lịch sử khi kết thúc buổi giao lưu, trong sự tràng pháo tay ủng hộ mạnh mẽ từ những cán bộ trẻ ngồi đã chăm chú theo dõi cuộc giao lưu kéo dài suốt hơn 2 giờ liên tục.

Tiên Long

Ý kiến

()