Chúng ta

Nghệ thuật ‘săn đón’ sinh viên

Thứ năm, 10/5/2012 | 15:13 GMT+7

“Mình nhớ nhất lần đi chơi đêm với sinh viên. Đến tận 3h sáng mà vẫn ngồi vắt vẻo, lúc lắc chân ở cầu Long Biên để nghe các bạn sinh viên hát và hát theo”, Trịnh Ngọc Thái, FPT IS, kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất khi anh đi “tác nghiệp”.
> 'Độc chiêu' phỏng vấn ở FPT

Công việc của cán bộ tuyển dụng và quan hệ trường học có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và củng cố đội ngũ lao động trẻ, nhiệt huyết và tài năng cho FPT.

“Khi làm công tác quan hệ với trường đại học hướng đến mục tiêu tuyển dụng, người đảm nhận việc này cần xem đại diện của mỗi trường giống như “khách hàng thân thiết” của mình. Nếu mình chăm sóc chu đáo thì mới mong họ nhiệt tình. Khi đó, sẽ được giới thiệu thêm nhiều nguồn ứng viên có chất lượng”, Vũ Quỳnh Nga, cán bộ tuyển dụng và quan hệ trường học FPT Software HCM, chia sẻ bí quyết làm tốt công việc của mình.

Để giữ quan hệ tốt với các trường đại học, Vũ Quỳnh Nga phải tạo phong thái “già trước tuổi” để có “uy” riêng trong quá trình giao tiếp.

Để giữ quan hệ tốt với các trường đại học, Vũ Quỳnh Nga phải tạo phong thái “già trước tuổi” để có “uy” riêng trong quá trình giao tiếp.

Vừa tốt nghiệp ĐH Dân lập Ngoại ngữ Tin học TP HCM, Nga đầu quân về FPT Software HCM từ tháng 7/2010.

Cả Phòng Nhân sự có khoảng 17 người, trong đó đội tuyển dụng có tới 5 người. Nhưng chỉ mình cô phụ trách mảng quan hệ trường học. Đối tượng mà cô phải nhắm đến là sinh viên thực tập hoặc mới ra trường có dưới một năm kinh nghiệm.

Ở vị trí này, nhiệm vụ của cô chủ yếu là giữ liên hệ với lãnh đạo khoa CNTT ở các trường thông qua hình thức hợp tác đào tạo sinh viên thực tập, tài trợ cho các cuộc thi học thuật, hội thảo… Đồng thời, tuyên truyền hình ảnh của công ty để sinh viên hiểu rõ về công ty và nhu cầu tuyển dụng, thu hút ứng tuyển.

Hiện nay, FPT Software HCM đã đặt quan hệ với 30 trường đại học trên địa bàn. Để giữ mối quan hệ tốt với họ, bản thân Nga phải thay đổi để có phong thái chững chạc hơn. Vì vậy mà thỉnh thoảng, nhiều sinh viên lớn tuổi vẫn gọi cô bằng chị, thậm chí gọi cô xưng em. Nhận được nhiều thiện cảm, công việc của cô thuận lợi hơn, thường được các trường hỗ trợ rất nhiệt tình.

Vì tuổi đời còn khá trẻ nên Nga cũng gặp một vài khó khăn khi làm việc với thầy cô ở các trường đại học. “Nếu gặp thầy cô nào khó tính, lớn tiếng thì mình ‘nén’ lại, chịu khó lắng nghe. Khi câu chuyện lắng dịu sẽ trình bày ý kiến và quan điểm”, Nga chia sẻ.

Vượt qua những khó khăn đó, đến nay, cô đã có thành tích kha khá: hỗ trợ tuyển dụng được 200 sinh viên CNTT mới ra trường và 180 thực tập sinh cho công ty.

“Để làm tốt, trước hết cần yêu nghề, có kỹ năng giao tiếp trước đám đông, kỹ năng đàm phán, thương lượng, cẩn thận, tỉ mỉ, không ngại khó, tinh thần làm việc nhóm tốt. Đặc biệt, cần phải mạnh dạn làm, không sợ sai”, Nga đúc rút kinh nghiệm.

Đàm Thế Ngọc, cán bộ tuyển dụng, Phòng Tuyển dụng Đào tạo FPT Telecom, có tuổi đời khá trẻ (sinh năm 1989). Tháng 4/2011, anh trở thành nhân viên của FPT Telecom khi còn ba tháng nữa mới chính thức tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân chuyên ngành Quản trị nhân lực.

Anh là thành viên duy nhất của phòng đảm nhận công việc này. Lúc mới bắt đầu, anh thường nói đùa với đồng nghiệp rằng “mặt mình non quá”, mà làm tuyển dụng thì “mặt già là một lợi thế”.

Đây cũng chính là thử thách đầu tiên của anh. Ngoài ra, khi làm việc với các trường, vị trí này đòi hỏi người có độ chín về phong cách và tác phong làm việc. Vì vậy, anh phải học cách vượt qua những điều đó.

Là người trẻ, Đàm Thế Ngọc (trái) có ưu điểm ham học hỏi, nhiệt tình và xông xáo.

Là người trẻ, Đàm Thế Ngọc (trái) có ưu điểm ham học hỏi, nhiệt tình và xông xáo.

Tận dụng ưu điểm tuổi trẻ của mình để thể hiện sự nhiệt tình và xông xáo, anh thường xin đi theo các sự kiện do đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm tổ chức để học hỏi trực tiếp. Nếu gặp vướng mắc, anh sẽ mạnh dạn nhờ họ giúp đỡ.

Theo Ngọc, FPT Telecom có nhu cầu rất lớn về tuyển dụng nhân viên kinh doanh. Đây là khác biệt lớn so với các công ty thành viên của FPT là thường nhắm đến ứng viên CNTT. Sau hơn một năm tiếp xúc với công việc, anh đã đặt quan hệ với 4 trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội và thường tổ chức nhiều hoạt động hội thảo, hội chợ việc làm ở các trường này.

Thời gian tới, FPT Telecom dự định đẩy mạnh hơn nữa quan hệ với các trường nhằm tạo đầu ra cho sinh viên và cung cấp nguồn nhân lực kịp thời của đơn vị. “Bên cạnh đó, FPT Telecom còn có chi nhánh tại gần 40 tỉnh thành trong cả nước nên sẽ triển khai công việc tương tự ở các tỉnh”, anh Ngọc khẳng định.

Nếu cán bộ trẻ có ưu thế về sức trẻ, sự xông xáo thì các “lão làng” có rất nhiều bí quyết và cách thức hay để tuyển dụng và tạo quan hệ với các trường học hiệu quả.

Năm 2008, Trịnh Ngọc Thái đến với FPT IS khi anh tham gia ứng tuyển vị trí quản lý cán bộ. Thái được anh Trần Trọng Hùng, Phó Ban Nhân sự FPT IS, nhận vào làm và dìu dắt trong một thời gian dài. Nhờ đó, anh có kiến thức tổng hợp và bài bản cũng như được phát triển độ sâu của nghề.

Hai năm sau, khi mảng tuyển dụng FPT IS biến động, anh được giao nhiệm vụ xây dựng hình ảnh của công ty để dẫn dắt sinh viên các trường đến ứng tuyển.

Theo anh, tuyển dụng tân binh dễ hơn tuyển các đối tượng khác do ứng viên đa phần tự tìm đến với mình. Cái khó là cần truyền thông, xây dựng hình ảnh công ty để có thể lựa chọn phù hợp và có khả năng tốt nhất.

Các tháng 3-6 và 10-12 là khoảng thời gian bận rộn nhất trong năm. Anh thường phải lên kế hoạch triển khai sự kiện, thúc đẩy quan hệ với nhà trường, kết nối tuyển dụng với ứng viên tiềm năng và tổ chức các hoạt động xây dựng hình ảnh cho đơn vị.

Theo anh Trịnh Ngọc Thái, cái khó của nghề là cần truyền thông, xây dựng hình ảnh cho công ty để lựa chọn ứng viên phù hợp và khả năng tốt nhất.

Theo anh Trịnh Ngọc Thái, cái khó của nghề là cần truyền thông, xây dựng hình ảnh cho công ty để lựa chọn ứng viên phù hợp và khả năng tốt nhất.

Anh cho rằng, những lúc đó, anh lại được sống bằng cảm xúc của chính mình, vô lo vô nghĩ khi được hòa mình với sinh viên. Sau gần hai năm theo đuổi công việc, anh đã “lấy về” cho FPT IS hơn 5.000 CV, trong đó vài trăm người đã trở thành nhân viên chính thức.

Công việc của anh chưa “kết thúc” ở đó. Sau khi tìm được nguồn cung, phần phỏng vấn tuyển dụng ứng viên cũng là cả một nghệ thuật.

Hằng ngày, anh rất vui vẻ, hòa đồng là vậy nhưng khi phỏng vấn, anh thay đổi 180 độ. Nhiều người rất bất ngờ vì quen với phong cách hài hước của anh trên Facecbook nên khi được anh phỏng vấn đã bị choáng. “Có một ‘hot girl’ đã trả lời lắp bắp, còn cậu thanh niên khi phỏng vấn xong tay vẫn còn run run”, anh kể và cho biết thêm, cả hai ứng viên này hiện đều là nhân viên của FPT IS vì tuy phần phỏng vấn không tự tin nhưng họ đều là những người có năng lực.

Anh kỳ vọng, sẽ hướng tới xây dựng hình ảnh FPT IS trẻ trung, năng động và thân thiện trong mắt ứng viên, đưa văn hóa FPT một cách đậm đặc trong các hoạt động giao lưu với sinh viên. Đồng thời, xây dựng mạng lưới rộng khắp các trường trọng điểm, tạo ra nhiều hoạt động, chương trình mang tính thiết thực đối với sinh viên.

Võ Thị Minh Thư, Trưởng Phòng Tuyển dụng và Đào tạo FPT IS HCM, cũng là một “lão làng” trong nghề tuyển dụng và quan hệ trường học.

Theo chị, nhiều trường đại học hiện nay cũng muốn hợp tác với doanh nghiệp theo xu hướng đôi bên cùng có lợi. Họ sẵn sàng giới thiệu nguồn ứng viên với điều kiện công ty phải tài trợ hoạt động của trường như hội chợ việc làm hay nhận sinh viên về thực tập. Tưởng như công việc sẽ thuận lợi nhưng đôi khi điều này lại làm khó cho người tuyển dụng. Vì vậy, ngoài hợp tác trực tiếp, chị thường đến trực ở các lớp để có được nguồn cho riêng mình.

Chị Võ Thị Minh Thư chia sẻ, làm công tác tuyển dụng và quan hệ trường học giống như người làm kinh doanh, đi tiếp thị hình ảnh công ty với ứng viên.

Chị Võ Thị Minh Thư chia sẻ, làm công tác tuyển dụng và quan hệ trường học giống như người làm kinh doanh, đi tiếp thị hình ảnh công ty với ứng viên.

Sau khi tìm được nguồn ứng viên, cán bộ tuyển dụng còn phải làm công tác tâm lý để giúp ứng viên ít kinh nghiệm tự tin hơn, từ đó có thể thể hiện bản thân tốt hơn. Ngoài ra, cũng phải xác định rõ khả năng, tố chất để hướng họ tìm đúng công việc phù hợp.

“Dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng khi trải qua một quá trình từ việc tìm được một CV cho đến phỏng vấn ba vòng rồi đón họ vào công ty nhận việc trong ngày đầu tiên, cảm giác đó khiến mình luôn nghĩ rằng đã đạt một nấc thành công nhỏ”, chị Thư tâm sự.

Thạch Anh

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ý kiến

()