Chúng ta

'Muốn có nét văn hóa riêng biệt, hãy tạo thử thách thực sự khó nhằn'

Thứ năm, 14/12/2017 | 12:02 GMT+7

"Việc mạnh dạn thách thức cái mới không chỉ mang tới sự cải thiện về thu nhập cho nhân viên mà còn là cơ hội được làm việc ở các quốc gia tiên tiến", Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh trong buổi chia sẻ về văn hóa doanh nghiệp tại Hội nghị Truyền thông FPT 2017.

Chia sẻ tại Ngày hội Truyền thông FPT về chủ đề "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp" chiều ngày 13/12 ở Hà Nội, anh Hoàng Nam Tiến mang tới bài toán văn hóa doanh nghiệp tại nhà Phần mềm với điểm xoáy chính là vấn đề thu nhập của nhân viên.

6 năm trước, khi bắt đầu đảm nhiệm vị trí mới tại FPT Software, anh thấy hàng trăm người nhiều kinh nghiệm xin nghỉ việc. Lý do không gì khác ngoài vấn đề thu nhập và đa số họ là những người làm việc lâu năm. Những điều tốt đẹp về văn hóa FPT như STCo, các hoạt động văn hóa, thể thao... không đủ để giữ chân người muốn ra đi. "Đó là bởi họ chưa nhìn thấy sự thay đổi trong thời gian tới”, anh nhận định.

Người đứng đầu nhà Phần mềm bắt đầu đưa ra lời giải cho bài toán đó bằng việc tự đặt ra “những thử thách mà dường như không thể hoàn thành”.

DSC-6915-9735-1513185379.jpg

Anh Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Sofware, nhấn mạnh đến việc mang lại cơ hội cho nhân viên từ những thử thách khó khăn. 

"Thời điểm những thử thách đó được đặt ra, CBNV nhận thấy lợi ích của mình trong đó nếu FPT Software thành công và họ được làm những việc mà từ trước đến nay chưa bao giờ có cơ hội thực hiện. Và họ đã thay đổi chính bản thân mình", anh Tiến nói. Chỉ trong thời gian ngắn, công ty đạt những mức doanh thu ấn tượng. FPT Sofware đã thay đổi, bao gồm cả những vấn đề nhạy cảm như chuyện thu nhập như vậy.

Chỉ vài ngày sau khi anh Tiến và anh Trần Huy Bảo Giang (CTO FPT Sofware) có bài trình bày với Giám đốc Công nghệ của hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới, những nhân sự nòng cốt của FPT Software lên đường sang nước bạn. Họ được làm việc trên một platform mới nhất và trên chiếc máy bay. "Điều đó chứng tỏ, làm việc tại Phần mềm FPT mở ra cơ hội khám phá khả năng của bản thân không giới hạn", Chủ tịch FPT Software đúc kết.

Những câu chuyện xây dựng, giải quyết những vấn đề của văn hóa doanh nghiệp được các diễn giả khách mời khác chia sẻ tại hội nghị.

"Được làm, được chơi và được học", anh Hà Minh Tuấn, PGĐ FSU1, FPT Software - đơn vị có hơn 1.000 nhân sự, chỉ ra những điểm hấp dẫn khi làm việc tại doanh nghiệp phần mềm lớn nhất Việt Nam.

Anh kể câu chuyện khởi nghiệp của bản thân khi còn là chàng sinh viên ĐH Bách khoa. “Như cá gặp nước”, anh được làm quen với những thứ rất cổ điển như ngôn ngữ Assembly, Cobol... Bây giờ lại được tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Khoảng thời gian lăn lộn, làm việc cùng với anh em trong công ty, những lần “qua đêm” để làm việc với khách hàng trên thế giới là những kỷ niệm "chỉ có được khi làm việc tại môi trường mở như FPT".

DSC-6863-9078-1513185387.jpg

"Phải làm, học và chơi" là điều mà anh Hà Minh Tuấn, Phó giám đốc FSU 1, đúc kết từ 15 năm làm việc tại FPT Software.

Sau “làm”, chắc chắn là “chơi”. Anh tự nhận mình là một “anh nông dân thích thể thao” lại gặp được Ban lãnh đạo cũng “máu lửa” không kém. Khoác trên mình tấm áo có logo FPT Software, anh cùng đồng nghiệp "cày nát" các sân lớn nhỏ, các giải trong và ngoài công ty. 

Phong trào học tập ở FPT đặc biệt được lãnh đạo các cấp chú trọng. "Khóa học đã thay đổi cuộc đời tôi là khi hoàn thành và giành được chứng chỉ quản lý dự án (Project Management Professional) cho FPT Sofware vào năm 2006 - thời điểm nhà Phần mềm toàn cầu hóa mạnh mẽ", anh đúc rút.

Từ cảm nhận của bản thân, anh Tuấn thay đổi "khẩu hiệu" do chính mình đưa ra. Đó là “Phải làm, phải chơi và phải học”. Luôn đặt ra những thử thách cho bản thân và chỉ cần “Cứ máu là xong”.

"Văn hóa của Topica là “hậu bối" từ những gì tôi học hỏi được từ chính FPT", anh Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch kiêm TGĐ Topica Edtech Group, nhấn mạnh sau khi giới thiệu những nét chính về Topica, một tổ chức giáo dục trực tuyến được thành lập tại Việt Nam và hiện mở rộng ra khu vực.

Ở Topica, nhân viên cũng có thể tự do nêu lên ý kiến, những quan điểm hay bức xúc của mình với Ban lãnh đạo vào mỗi chiều thứ Năm hằng tuần. Đặc biệt, sếp có thể bị phạt nếu không giữ lời hứa với nhân viên, mức phạt có thể từ 200.000 đến 500.000 đồng. Mỗi tháng họp toàn thể công ty một lần. "Nếu Ban lãnh đạo có hứa thì phải làm bởi hơn 1.000 anh em làm chứng thì sao mà mình chối được”, anh chia sẻ.

Cứ mỗi 6 tháng, Topica lại tổ chức hội nghị bàn tròn kéo dài 2 ngày. Đây là nơi anh em có những bức xúc thì có thể chia sẻ và được giải quyết.

DSC-6843-7764-1513185392.jpg

"Hứa là phải giữ lời với nhân viên", chia sẻ thẳng thắn của anh Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch kiêm TGĐ Topica Edtech Group.

Việc dự án thành bại tại Topica cũng được xử lý theo cách riêng. “Thắng làm vua, thua làm hiệp sĩ". Với dự án nào thất bại, các thành viên dự án được tuyên dương, bật nhạc “Hồn tử sĩ" (anh học được từ người sáng lập Đại học trực tuyến FUNiX Nguyễn Thành Nam), đồng thời được ưu tiên chọn vị trí công việc như cũ, không phải chịu cảnh bơ vơ nếu dự án mới không thành. Đây là nét văn hóa đặc biệt tại Topica khi vừa thể hiện được tinh thần không ngại khó, không ngại thử thách mà còn coi trọng những người dám đương đầu thử thách, không ngại vấp ngã.

Câu chuyện thể thao liên quan tới văn hóa và cộng đồng được hai đại diện là anh Đỗ Huỳnh Khánh Duy, Giám đốc dự án tại Sunrise Events Việt Nam; và anh Russel Johnson, TGĐ Dragon Adventure Race Events (DARE), chia sẻ tới những người tham gia.

DSC-6817-2059-1513185397.jpg

Anh Đỗ Huỳnh Khánh Duy, Giám đốc dự án Sunrise Events, giới thiệu về cuộc thi 3 môn phối hợp Ironman 70.3 được tổ chức 3 năm liền tại Việt Nam.

DARE và Sunrise Events được thành lập cùng mục đích mang tới một “Việt Nam khoẻ mạnh hơn". Các hoạt động thể thao do hai bên tổ chức mang tới một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ. Chẳng hạn, cuộc thi 3 môn phối hợp mang trên Ironman 70.3. Với tổng quãng đường 3 phần thi bơi, đạp xe và chạy bộ là 70,3 dặm (xấp xỉ 110 km), đây là thử thách mà mỗi vận động viên chuyên và bán chuyên phải vượt qua chính mình. Từ đó tạo nét văn hoá thể thao lành mạnh.

Anh Duy khẳng định, đây là cuộc thi 3 môn phối hợp lớn nhất thế giới với hơn 200 giải đấu được tổ chức tại 36 quốc gia. Tại Việt Nam, giải được tổ chức vào tháng 5 tại Đà Nẵng, thu hút 425 vận động viên người Việt tham gia, nhiều hơn 8 lần so với năm 2015. 

Đại diện DARE, ông Johnson đã giới thiệu về Champion Dash, một cuộc thi phối hợp đồng đội với khẩu hiệu “Who Am I?”. Đây là một thử thách để mỗi thành viên tự vượt qua những giới hạn về tinh thần, thể xác của chính mình và cải thiện khả năng hoạt động theo nhóm.

DSC-6813-1883-1513185401.jpg

Ông Russel Johnson, TGĐ DARE, chia sẻ về mục đích việc mang cuộc thi Champion Dash tới Việt Nam.

Điểm chung của hai cuộc thi này đều là đưa ra những chướng ngại, thử thách có thể trước đây những người tham gia chưa từng trải nghiệm. Gục ngã, rồi tiếp tục đứng lên, vượt qua thử thách và cán đích, vượt qua chính bản thân mình, hai diễn giả muốn nhắn gửi thông điệp: Đừng ngại đặt ra thử thách, đặt ra những giới hạn mới cho bản thân cả trong cuộc chơi và công việc, vượt qua nó và hãy luôn luôn đứng dậy sau khi gục ngã.

Với chủ đề “Thương hiệu trưởng thành”, đây là năm thứ ba FPT tổ chức hội nghị truyền thông về thương hiệu. Chương trình diễn ra cả ngày với buổi sáng là phần trình bày về chủ đề "Ứng xử của các thương hiệu lớn" của các diễn giả: TGĐ The Purpose Group (TPG) Nguyễn Thanh Giang; Giám đốc Marketing IBM Việt Nam Nguyễn Quỳnh Trang; và TGĐ Unicharm, Phó Chủ tịch TP Bank Đỗ Anh Tú.

Chương trình thu hút gần 100 cán bộ truyền thông, marketing ở các công ty thành viên FPT tham gia. 


Trọng N​ghĩa

ẢnhNgọc Thắng

Ý kiến

()