Chúng ta

'Làm việc chăm chỉ và đổi mới là giá trị để FPT phát triển'

Thứ tư, 20/7/2016 | 10:51 GMT+7

"Để FPT phát triển, một mình anh Trương Gia Bình trăn trở là không đủ mà cần tập hợp được sức mạnh của toàn thể CBNV. Do vậy, nếu chia sẻ được những giá trị chung sẽ giúp tập đoàn phát huy được sức mạnh tập thể, vượt qua những rào cản để tìm được hướng đi mới", anh Hoàng Minh Châu bày tỏ.

Sau khi đem lại luồng gió mới cho người FPT miền Nammiền Trung về "Tư duy tích cực", anh Hoàng Minh Châu, thành viên Hội đồng sáng lập FPT, Cố vấn Cao cấp về Văn hóa FPT, tiếp tục đăng đàn chia sẻ về chủ đề này cho CBNV ở Hà Nội.

HMC_1468983026.jpg

Chiều ngày 19/7, hơn 80 CBNV FPT đã tham dự sự kiện tại tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội.

Bằng những câu chuyện thực tế sinh động, anh Hoàng Minh Châu đã vẽ nên bức tranh nhiều màu sắc về cách tư duy mới lạ cho người FPT. Trong đó, anh đặc biệt nhấn mạnh khía cạnh tư duy tích cực là tư duy chia sẻ giá trị chung cộng đồng: "Trong cuộc sống, mỗi người không nên nghĩ mình là trung tâm vũ trụ mà là một phần của xã hội. Trách nhiệm của chúng ta ngoài lo cho bản thân phải đóng góp cho cộng đồng, cụ thể là chia sẻ những giá trị chung. Một tổ chức mạnh hay yếu phụ thuộc vào việc tổ chức đó có chia sẻ những giá trị chung quan trọng hay không? Thực tế cho thấy, một đội ngũ vững mạnh vì họ có giá trị chung do cộng hưởng được sức mạnh của nhiều người". 

Một ví dụ kinh điển là sự vươn lên kỳ diệu của Nhật Bản sau thế chiến thứ hai. Dù bị Mỹ kìm kẹp về kinh tế, văn hóa nhiều năm liền, đất nước lại không có tài nguyên, khoáng sản hay cơ hội nhập khẩu công nghệ cao nhưng chỉ sau 17 năm, Nhật đã vươn lên thành cường quốc thứ hai thế giới với GDP chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Cả thế giới đã ngạc nhiên không hiểu lý do vì sao người Nhật có thể làm được điều đó? 

Nhiều cuộc nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thành tựu ấy là do cả dân tộc Nhật Bản đã tích cực chia sẻ những giá trị chung trong suốt cả thời kỳ dài. Họ đã "hard work" - làm việc chăm chỉ, không chỉ trong một ngày mà trong nhiều năm, không chỉ một người nỗ lực mà cả dân tộc cùng phấn đấu. Tất cả họ đều quan niệm làm gì cũng phải làm đến cùng, phải đạt đến sự hoàn hảo. Vì thế, thương hiệu đắt nhất thế giới không phải Coca Cola hay Facebook như mọi người lầm tưởng mà là "Made in Japan". Hầu như bất cứ sản phẩm nào được làm ra ở Nhật Bản đều chiếm được sự tin tưởng của người tiêu dùng khắp thế giới vì sự chất lượng và sự hoàn hảo.

Đặc biệt, người Nhật giỏi vì họ học tập chăm chỉ. Xứ sở hoa anh đào đã đạt được những thành tựu kinh tế khoa học xuất sắc vì chịu khó học hỏi những điểm mạnh của các nước và thậm chí của đối thủ như Trung Quốc hay Mỹ suốt nhiều năm liền. Ngày nay, tất cả người dân Nhật Bản cũng đều coi trọng việc học tập, họ chú trọng rèn luyện cho con tinh thần học hỏi cao độ từ khi còn nhỏ. Ngay cả các cụ già 80 tuổi vẫn đi học vì muốn làm gương cho con cháu, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 

"Ba phẩm chất "làm việc chăm chỉ, hướng đến sự hoàn hảo và ham học hỏi" đã giúp Nhật Bản vượt qua mọi khó khăn và lớn mạnh khiến cả thế giới phải kính nể. Đó chính là vì họ đã cùng chia sẻ những giá trị chung của cộng đồng", anh Châu đúc kết.

Đặt vào hoàn cảnh FPT, cố vấn cao cấp về văn hóa cho rằng, nếu không có giá trị chung nhà họ F không thể đi đến thành công hôm nay. Trước đây, Chủ tịch Trương Gia Bình đã để ra nhiều giá trị rất hay như "Tôn - Đổi - Đồng - Chí - Gương - Sáng" hay "Sâu - Sáng - Tuyệt - Thông - Phong"..., nhưng nó chỉ phù hợp khi công ty còn ít người. Ngay nay, tập đoàn đã lên đến gần 30.000 CBNV, nếu có quá nhiều giá trị sẽ rất khó truyền thông. Do vậy, anh Châu đề xuất chỉ nên chọn hai đến ba giá trị tiêu biểu nhất để làm nền móng chung.

Từ đó, anh chỉ ra giá trị đầu tiên FPT cần hướng đến là "hard work" - làm việc chăm chỉ. Cùng bước chung một con đường tiến hóa nhưng người Việt Nam không thông minh hơn, không khỏe hơn các dân tộc khác nên chỉ có cách nỗ lực hết mình để vươn lên. Nếu họ làm việc 8 tiếng, chúng ta hãy làm việc 12-14 tiếng. Mọi thành tựu đều do nỗ lực, cần cù mà nên. Một người thông minh mà lười biếng cũng khó đạt kết quả cao. Nếu cả 30.000 người FPT cùng nỗ lực cống hiến, làm việc chăm chỉ hơn mức có thể chắc chắn sẽ tạo ra những thành quả vượt trội hơn nhiều lần.

Thứ hai, FPT cần giữ gìn và phát huy giá trị đổi mới bởi đó chính là bí quyết đã giúp công ty lớn mạnh như hôm nay. Nhìn lại quá khứ, chúng ta thấy rằng, khác với các công ty nhà nước chỉ chú trọng kiểm soát, nhà họ F phát triển là do dám làm cái mới, cái khác biệt, luôn khuyến khích sự chủ động và sáng tạo của CBNV. Thực tế cho thấy, những tổ chức thiên về kiểm soát luôn có sự ổn định nhưng những tổ chức sáng tạo mới đạt được sự tăng trưởng ngoạn mục.

"Do đó, tôi hy vọng, trong giai đoạn này, FPT nên tích cực truyền thông và tạo môi trường cho CBNV đổi mới để giúp công ty trở lại thời kỳ tăng trưởng mơ ước", anh nói.

Ngoài ra, anh cho rằng, giá trị học tập cũng rất thú vị và nên khuyến khích phát huy. Nếu FPT thực sự trở thành tổ chức học tập sẽ mang lại rất nhiều lợi ích to lớn. Để làm được điều đó, lãnh đạo phải gương mẫu, tích cực đứng lớp, làm seminar chia sẻ. Đồng thời tập đoàn phải có những chính sách, chương trình hấp dẫn để nhân viên nghĩ thật, học thật. 

Hiện tại, trong bối cảnh mới của thế giới số, FPT đang gặp nhiều khó khăn hơn khi không chỉ phải giữ vững được vị thế trong nước mà còn phải khẳng định được chỗ đứng ở nước ngoài. Thách thức của một tổ chức sau một giai đoạn thành công rực rỡ như FPT là câu hỏi: "Cơ hội tiếp theo ở đâu?". "Sau 1/4 thế kỷ, nhà F đã viết nên một bài thơ tứ tuyệt rất đẹp nhưng nhiệm vụ tiếp theo không phải là viết câu thơ thứ 5 cho bài thơ đó mà là viết một bài thơ mới. Để làm được việc đó, một mình anh Trương Gia Bình trăn trở, suy nghĩ là không đủ mà cần phải tập hợp được sức mạnh của toàn thể CBNV. Do vậy, nếu chia sẻ được những giá trị chung sẽ giúp FPT phát huy được sức mạnh tập thể, vượt qua những rào cản để tìm được hướng đi mới", anh Châu bày tỏ.

Bên cạnh đó, nguyên GĐ FPT HCM đã lần lượt phân tích các khía cạnh khác của tư duy tích cực như: Tư duy tích cực là cách suy nghĩ ít lại, là tư duy hướng đến chân thiện mỹ, là tư duy hướng đến sự cân bằng, tư duy thuận theo tự nhiên và là tư duy có ý thức trách nhiệm.

Ngoài ra, anh cũng bật mí những cách thức để sống lạc quan và bí quyết để cuộc sống không có vấn đề. "Khi có vấn đề phát sinh, thay vì suy nghĩ xem nên xử lý hay buông thả, hãy tập thích nghi với nó, từ đó mới tìm được hướng để thay đổi", anh nhắn nhủ.

>> Anh Hoàng Minh Châu: 'Tư duy tích cực là cách suy nghĩ ít lại'

Tử Quyên

Ý kiến

()