Chúng ta

Hiệu trưởng ĐH FPT: ‘Có việc làm không phải là điều kiện để hạnh phúc’

Thứ sáu, 4/3/2016 | 09:20 GMT+7

Theo Hiệu trưởng ĐH FPT Đàm Quang Minh, học sinh hãy chọn làm việc mà mình thích, đừng chọn theo số đông vì số đông cũng đồng nghĩa với việc cạnh tranh cao.

a-minh-620-4515-1457001336.jpg

Anh Minh tham gia phỏng vấn trực tuyến trên báo Dân trí chiều ngày 2/3.

Là người làm lâu năm về giáo dục, anh Minh đã có nhiều chia sẻ sâu sắc với phụ huynh, học sinh đang đứng trước lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai trong buổi phỏng vấn trực tuyến chiều ngày 2/3 trên báo điện tử Dân trí. Dưới đây là các chia sẻ của anh.

"Tôi đồng cảm và chia sẻ với các phụ huynh và thí sinh chuẩn bị tốt nghiệp bậc phổ thông. Lựa chọn trường tốt và phù hợp với sở thích và năng lực cá nhân là một câu hỏi không dễ dàng. Giai đoạn này, việc chọn trường có ý nghĩa quan trọng tới bước đường thành công cho các em về sau.

Trước hết, các em cần xem mình có đang giỏi những môn học gì, có xu thế thích những công việc như thế nào. Sau đó, có thể sử dụng các trắc nghiệm nghề nghiệp để xem mình phù hợp với các ngành nào. Bên cạnh đó, tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, đánh giá chuyên gia xem ngành nghề đó có xu thế phát triển tốt hay không. Việc cuối cùng là xem trường nào vừa với sức học và phù hợp với điều kiện của mình để đăng ký dự thi.

Thực tế của câu chuyện hướng nghiệp là có lựa chọn phù hợp, kết hợp giữa điểm mạnh, niềm đam mê yêu thích của học sinh với nhu cầu xã hội. Để có lựa chọn ngành nghề đúng, đứng từ vai trò phụ huynh và học sinh, cần làm hai việc: Xác định đam mê và tìm điểm rơi của thị trường. 

Theo đó, các em thích thú với công việc gì nhất, có thể làm say mê quên thời gian? Các em có thiên hướng gì: kỹ thuật, ngôn ngữ, xã hội hay kinh doanh? Một số bài test nổi tiếng trên thế giới như MBTI hay Holland Code là công cụ được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng cho việc xác định thiên hướng nghề nghiệp của mỗi người. Những bài test này có thể trở thành công cụ hỗ trợ phân loại và hướng nghiệp. Phụ huynh và học sinh cũng có thể dùng phiên bản Việt hoá của trắc nghiệm hướng nghiệp để xác định cơ bản hướng nghề nghiệp cho con em mình tại đây.

Tiếp theo là tìm điểm rơi của thị trường. Các gia đình thường có xu hướng xác định "nghề hot" ngay tại thời điểm con em mình thi mà quên mất thực tế là 4-5 năm tới các em mới tốt nghiệp. Để có lựa chọn chính xác, phụ huynh và học sinh có thể tìm kiếm thông tin về xu hướng ngành nghề từ các nguồn uy tín như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như những đánh giá, thống kê về xu hướng việc làm trên thế giới từ các trang báo uy tín của quốc tế. Trả lời được 2 câu hỏi trên sẽ tìm được hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân, đồng thời đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Đứng từ kinh nghiệm cá nhân tôi có thêm lời khuyên cho chính các em học sinh: "Hãy chọn làm việc mà mình thích, đừng chọn theo số đông, vì số đông cũng đồng nghĩa với việc cạnh tranh cao. Số đông ngày hôm nay có thể lỗi thời vào ngày mai, chỉ còn đam mê ở lại đồng hành cùng các em trong suốt chặng đường xây dựng sự nghiệp". 

Với phụ huynh, lo lắng từng bước đi cho con cái là tình cảm lớn lao mà ai cũng có. Ẩn sâu trong sự lo lắng đó là mong muốn con cái trưởng thành và thành công. Từ những câu chuyện thực tế cho thấy, có việc làm có lẽ không phải là điều kiện để hạnh phúc. Đúng là có việc làm ngày nay không dễ dàng nhưng cũng không quá khó khăn, rất nhiều ngành nghề hiện nay khan hiếm nguồn nhân lực và có cơ hội thăng tiến rất tốt. Phụ huynh cho dù lo lắng cho con cái đến đâu cũng không thể lo hết đời cho con cái và cần tạo điều kiện để con mình trưởng thành. Có như vậy, các con mai sau sẽ biết ơn cha mẹ vì đã tôn trọng, lắng nghe và tạo điều kiện cho con phát triển. Thời đại mới sẽ khác biệt, hiện đại hơn thời đại của các bậc phụ huynh như chúng ta và có rất nhiều cơ hội mới mà chính chúng ta cũng không biết. Cơ hội đó chỉ dành cho những bạn trẻ tự chủ được cuộc sống của mình".

Ngày 2/3, báo Dân trí phối hợp cùng ĐH FPT tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Lựa chọn để thành công” giúp phụ huynh và thí sinh nắm bắt những điều cần biết cho mùa tuyển sinh 2016. Tham gia buổi tọa đàm có TS. Đàm Quang Minh (Hiệu trưởng ĐH FPT), ThS. Vũ Chí Thành (Trưởng Ban Tuyển sinh ĐH FPT), ThS. Lã Ngọc Quang (GĐ FPT Polytechnic Hà Nội) và anh Lê Anh Tuấn (GĐ Trung tâm Đào tạo Đại học Khối liên kết quốc tế FPT).

Đàm Quang Minh 

Ý kiến

()