Chúng ta

‘Hãy xây dựng hình ảnh Việt Nam là của thế giới’

Thứ tư, 28/9/2011 | 14:44 GMT+7

Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đã mang hương vị say mê cũng như tính đậm đà của thương hiệu cà phê hàng đầu Việt Nam vào buổi giao lưu FLI Club tối 27/9 tại tòa nhà FPT HCM.
>> Chủ tịch Trung Nguyên và khát vọng làm giàu >> ‘Tôi và anh Trương Gia Bình có nhiều điểm tương đồng’

d

"Không có tiền thì phải có đầu óc, không có đầu óc thì phải chịu đổ mồ hôi” là quan điểm mạnh mẽ trong kinh doanh của vị Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên. Ảnh: H.N.

Bài học thành công của cà phê Trung Nguyên được chia sẻ với chủ đề: “Tư tưởng đua tranh và sự thành công của thương hiệu Việt” được thông báo bắt đầu lúc 18h. Tuy nhiên, mới chỉ gần 17h, vị khách mời đặc biệt của chương trình đã có mặt trò chuyện cùng nhân viên FPT, trao đổi rôm rả những vấn đề bên lề trước khi vào chương trình.

Xuất hiện dưới hàng ghế khán giả là các lãnh đạo của Tập đoàn FPT như chị Trương Thanh Thanh - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc FPT HCM, anh Lê Trung Thành - TGĐ FPT Trading, chị Mai Thu Huyền - Tổng Giám đốc FPT Media, cùng các cán bộ nhân viên.

17h40, gian phòng gần chật kín với số lượng khách tham dự ngày càng đông. Mở đầu buổi giao lưu là không khí sôi nổi với những câu hỏi nhanh dành cho vị khách mời, dưới sự điều phối của MC Mỹ Nhật. Đây là thông điệp giúp khán giả trong thời gian ngắn có thể hiểu về anh Vũ cùng những sở thích, ước mơ và sự thành công trong cuộc đời anh.

Với lối hỏi đáp nhanh, khán giả được những phen cười vì câu trả lời dí dỏm từ vị khách. Đặc biệt ấn tượng về chuyến đi máy bay đầu tiên khi anh học năm thứ ba Đại học Y, anh chia sẻ: “Tôi như muốn bay khắp thế giới, đó là cảm giác mạnh nhất của tôi vào thời điểm đó” - đã mang đến khán giả hình dung những tư tưởng phát triển thương hiệu cà phê Trung Nguyên có từ thời anh còn là sinh viên.

Nhìn lại chặng đường hình thành thương hiệu cà phê, anh cho biết đến năm thứ ba anh mới nhìn ra nghề bác sĩ không phù hợp với bản thân mình. Hai lý do được anh đưa ra khá hài hước là "nghề bác sĩ không thể làm giàu và phải đeo khẩu trang suốt ngày" đã làm cả khán phòng bật cười.

Anh đã kể về thời thơ ấu đầy vất vả của mình xung quanh rẫy cà phê tại quê nhà. Đó là lý do chính khi quyết định chọn cà phê làm sự nghiệp, vì từ bé cà phê đã là cuộc sống của anh.

Tuy khởi nghiệp khi còn trẻ, nhưng ước vọng của anh lớn. Ngay từ những ngày đầu, với cơ sở đầu tiên bé tẹo (chỉ hơn 50 m2) mà mọi hoạt động kinh doanh và sinh hoạt đều ở đó, nhưng anh dám làm hẳn một bảng “Hãng cà phê Trung Nguyên” khiến ai cũng tò mò. “Thậm chí tôi còn bị những hãng cà phê đã có tiếng quanh khu vực đó chỉ trích là bị khùng”, vị Chủ tịch cười tươi.

Chia sẻ về phong cách dám nghĩ dám làm, anh luôn quan niệm “Ông Trời trước khi trao việc lớn cho ai thì phải “hành” người đó trước”. Từ quan niệm đó làm bùng cháy lên khao khát thành công, giúp anh đương đầu tất cả, càng khó khăn anh lại càng muốn vượt qua.

d

Tính cách táo bạo và sự hài hước của khách mời khiến buổi giao lưu trở nên lôi cuốn hơn. Ảnh: H.N.

Nói về cái tên cà phê Trung Nguyên, anh giải thích nó mang hai ý nghĩa. “Đầu tiên là từ ghép từ "miền Trung cao nguyên” nơi có loại cà phê đặc trưng. Kế đến là sự rộng mở của Trung Quốc, thời xưa hay gọi là Trung Nguyên và ai chiếm được Trung Nguyên thì người đó sẽ là bá chủ, khiến tôi hình thành tên cà phê thương hiệu Trung Nguyên”, anh nhiệt tình chia sẻ.

Quan niệm “Không có tiền thì phải có đầu óc, không có đầu óc thì phải chịu đổ mồ hôi” của anh được minh chứng bằng việc cà phê Trung Nguyên có mặt ở 61 tỉnh thành với số lượng 400 quán trong 4 năm. 

Thế nhưng, anh khiêm tốn khi cho rằng cà phê Trung Nguyên chưa hẳn là thành công mà chỉ đang xây dựng những nền móng bền vững ban đầu cho sự phát triển. Anh cũng thẳng thắn nhìn nhận với tình hình hiện nay, sau 20 năm nữa, Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu toàn cầu.

Qua đó, anh phân tích 4 cốt lõi chính để làm nên thương hiệu toàn cầu thông qua thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Đó là: Phải đứng đầu ở quốc gia đó; Doanh nghiệp phải có khát khao, ước muốn toàn cầu; Lĩnh vực hoạt động phải là thế mạnh của quốc gia đó; Chiến lược Chính phủ tương thích với chiến lược của doanh nghiệp. 

Bằng việc đánh giá từng điều kiện của Trung Nguyên, anh Vũ chia sẻ kế hoạch sẽ đưa ngành cà phê Việt Nam trong 15 năm tới có mức doanh thu từ 2 tỷ đồng mỗi năm lên 20 tỷ đồng. “Tôi cảm thấy tự hào vì cuộc chiến của cà phê Trung Nguyên trong thị trường nội địa. Từng có thời gian tôi bỏ Trung Nguyên vì những áp lực kinh doanh. Nhưng sau đó, tình yêu của tôi với cà phê đã thúc đẩy tôi quay về. Tôi muốn Buôn Mê Thuột trong tương lai sẽ là thành phố nổi tiếng toàn cầu về cà phê", anh nhấn mạnh.

Theo anh, ngành cà phê cũng như những ngành khác cần có những thay đổi nhanh chóng để theo kịp sự thay đổi của thế giới. Đồng thời, người Việt muốn thắng trong sự cạnh tranh cần có chiến lược bài bản ở tầm quốc gia và đặc biệt chúng ta phải thay đổi tư duy “lấy âm làm chính, lấy yên ổn làm nền tảng thành cầu tiến trong văn hóa kinh doanh ở Việt Nam”.

Nhận định về chữ “Dũng” trong doanh nghiệp, Chủ tịch Trung Nguyên kể về kỷ niệm tai nạn xảy ra tại Hà Nội khiến anh càng thêm khẳng định khát vọng sống và đưa thương hiệu Việt phát triển hơn nữa. "Khi thất bại, doanh nghiệp phải tìm kiếm con đường khác, phải có kế hoạch, định hướng mới, nếu không thì kết thúc bằng chữ chết”, anh hóm hỉnh nói.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hà, FHO HCM, chia sẻ: “Điều tâm đắc nhất trong buổi giao lưu này là anh Vũ thổi vào hồn mỗi công dân Việt Nam một hoài bão làm cho quốc gia hùng mạnh bằng cách khẳng định tên tuổi của cà phê Trung Nguyên trên thị trường quốc tế. Tôi tin rằng bằng khả năng của mình, cà phê Trung Nguyên sẽ thành công”.

Buổi giao lưu kéo dài hơn 2 tiếng đã thu hút sự tham dự của 70 khán giả (tăng 20 người so với đăng ký ban đầu) và hơn 400 người xem trực tiếp qua kênh http://leadertalk.ho.fpt.vn.

Hồng Nhung

Ý kiến

()