Chúng ta

GS Đặng Hùng Võ: 'Lãnh đạo làm dịch vụ thôi'

Thứ sáu, 9/12/2011 | 16:02 GMT+7

“Thời kỳ phong kiến, lãnh đạo tức là phụ mẫu cho dân. Ý niệm của người phương Tây lại cho rằng, lãnh đạo làm nhiệm vụ điều phối. Nhưng thực ra, lãnh đạo làm dịch vụ thôi”, GS Đặng Hùng Võ khẳng định trong buổi chia sẻ với người FPT chiều 8/12 tại Hà Nội.
> ‘Người FPT có chiều sâu tri thức và độ lắng tình người’

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, quan trọng hơn cả, người lãnh đạo cần tự vấn mình: “Làm lãnh đạo để làm gì?”. Khi thông tường về mục đích của làm lãnh đạo thì mới có kim chỉ nam cho những hành động và xác lập những yếu tố khác trong chữ “Tâm”. Đây không phải quan điểm mới vì trước đây, Bác Hồ cũng từng căn dặn: “Cán bộ phải làm công bộc cho dân”.

a

Đây là lần đầu tiên GS. Đặng Hùng Võ đến nói chuyện với người FPT về chủ đề "Tâm và Tầm của người lãnh đạo".

Sau khi thông tỏ về mục đích “làm quan”, giáo sư quan niệm, chữ “Tâm” cần gắn với tính nhân văn, lòng tốt, nhân hậu và vị tha với con người. Nó thể hiện rõ nét nhất ở biểu hiện, quên đi vị trí lãnh đạo của mình, đừng nghĩ mình là “rốn của vũ trụ”, hướng quyết định của mình để phục vụ số đông người.

Để không vụ lợi cá nhân, bản thân người lãnh đạo phải ngoảnh mặt với cám dỗ, trong đó, có hai phạm trù là tình và tiền. Bởi, nếu để hai yếu tố đó chi phối thì người lãnh đạo sẽ dễ trở thành người lệ thuộc và không thể đưa ra quyết định sáng suốt.

Đồng thời, Tâm cũng có nghĩa là tận tâm, tận lực, dấn thân vào công việc. Khó nhất để hoàn thành chữ Tâm ở người lãnh đạo là tính công bằng. Nghệ thuật ứng xử này đòi hỏi người lãnh đạo không có ý đồ tư lợi và dàn dựng mối quan hệ sao cho thỏa đáng. Nếp văn hóa làng xã với mối quan hệ nhằng nhịt vốn tồn tại lâu đời ở Việt Nam sẽ là rào cản lớn nhất cho các quyết định thực hiện tính công bằng của người lãnh đạo.

Nhưng với người lãnh đạo, Tâm là yếu tố cần như chưa đủ. Người lãnh đạo cần tầm, bao gồm cả tầm cao và tầm xa, tức là người lãnh đạo phải đứng trên cao về trí tuệ và rộng về tri thức.

a

Anh Bùi Quang Ngọc (phải) dẫn dắt câu chuyện rất khéo với câu hỏi đi trúng chủ đề.

“Để có tầm nhìn chiến lược, người lãnh đạo cần biết dự báo về hậu quả của quyết định đưa và nó tác động đến những ai. Đây không phải là việc dễ. Vì dự báo về thời tiết còn có trường dạy nhưng dự báo chiến lược phải tự mày mò. Chính vì vậy, quyết định của lãnh đạo cần xây dựng trên cơ sở phân tích thông tin tốt. Nếu không phân tích thông tin hoặc đưa ra quyết định dựa trên cảm giác tự thân thì dẫn đến sai lầm”, ông nói.

Khi đã quyết định dựa trên phân tích kỹ càng thì kiên định không thay đổi - đó gọi là bản lĩnh của người lãnh đạo trên công việc. Nhưng kiên định không đồng nghĩa với bảo thủ. Trong câu chuyện này, chính là cách vận dụng nghệ thuật “cương và nhu” để đạt hiệu quả tốt nhất trong công việc.

Giáo sư cho rằng, “Tâm và Tầm” là hai mặt của một vấn đề và nó thể hiện với tỷ lệ khác nhau ở từng con người. Ở đây, không nên đặt nặng cái nào mạnh cái nào yếu mà quan trọng là nghệ thuật dụng nhân, biết phân định tỷ lệ và đặt đúng chỗ để phát huy thế mạnh của từng người.

Với mỗi chia sẻ, GS. Võ đều đưa ra minh họa thực tế từ cuộc đời làm việc, từ điều ông nhìn và chiêm nghiệm thấy - với góc nhìn dí dỏm, hài hước.

Ngoài chia sẻ quan điểm của cá nhân, GS. Võ còn trả lời nhiệt tình câu hỏi của người FPT về nhiều vấn đề từ thông tin cá nhân, nhà đất, thị trường bất động sản…

Đỗ Văn Hùng, FPT IS ERP, đã “hỏi xoáy” GS. Võ về những biểu hiện của “dị tướng” trong đời thường và công việc. GS. dí dỏm: “Tôi không thiên về hình thức lắm, không cần bôi trát, miễn là không lôi thôi quá về mức bẩn sạch. Với tôi, tầm phải cao hơn mới là cái con người cần hướng tới. Tôi nhớ mãi câu chuyên ngụ ngôn thú vị của Albert Einstein. Trước khi nổi tiếng, mọi người ông ăn mặc vớ vẩn, ông đáp, có ai biết tôi là ai đâu. Khi ông có thuyết tương đối nổi tiếng, mọi người vẫn thấy ông ăn mặc lôi thôi vậy. Ông chống chế, giờ ai chả biết tôi, ăn mặc quan trọng gì đâu”.

a

Giám đốc chiến lược FPT - Nguyễn Hữu Thái Hòa - đặt câu hỏi cho GS. Võ về chính sách khoán 10 của nhà nước.

Những cắt nghĩa về nghịch lý trong giá bất động sản làm người FPT thích thú. Ông chia sẻ: “Giá trị bình quân bất động sản so với thu nhập bình quân của người lao động ở nước phát triển là 4-5 lần, ở nước Châu Phi 2-3 lần, ở Việt Nam là 25 lần. Với nghịch lý đó, với người lao động ở thành thị tiết kiệm 30% lương, đến hấp hối mới mua được nhà. Vì vậy, thậm chí thuê nhà thôi đã khó, người lao động không dám nghĩ đến mua nhà”. Giáo sư dự đoán, thị trường bất động sản sẽ có chuyển biến vào năm 2012 và sáng sủa hơn vào năm 2013.

Chủ đề buổi trò chuyện “Tâm và Tầm của người lãnh đạo” của giáo sư cũng trùng với sự quan tâm của nhiều lãnh đạo ở FPT, trong đó có chị Trương Thanh Thanh - Phó Chủ tịch HĐQT FPT. Nhân chuyến công tác ở Hà Nội, chị đã đến nghe GS. Võ nói chuyện về chữ Tâm. Chị chia sẻ: “Với tôi, cái Tâm của người lãnh đạo là sức mạnh để doanh nghiệp thành công. Tôi đến đây với mong muốn nghe chia sẻ về chữ Tâm của người từng giữ vị trí cao trong bộ máy Nhà nước”.

a

Từ nhân viên đến lãnh đạo FPT đều chăm chú nghe GS. Võ chia sẻ về chủ đề "Tâm và Tầm".

“Cuộc đời làm việc” của GS. Hùng Võ với 36 năm chia làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn là một giáp (12 năm) gắn liền với giáo dục, nghiên cứu khoa học và quản lý. Nhưng nghiên cứu khoa học làm ông thấy thích nhất. Ông và lãnh đạo của FPT dường như có điểm chung vì trước khi lên làm lãnh đạo, ông đã có thời gian là nhà khoa học. Câu chuyện dường như đồng điệu và tiệm cận hơn giữa người chia sẻ và người tiếp nhận từ nhân viên đến lãnh đạo.

Nhiều sếp FPT đã đến dự từ hàng ghế khán giả như chị Trương Thanh Thanh - Phó Chủ tịch HĐQT FPT, anh Nguyễn Hữu Thái Hòa - Giám đốc chiến lược, anh Phạm Quốc Dũng - Phó TGĐ kiêm GĐ điều hành khu vực miền Bắc Công ty Phân phối Sản phẩm Công nghệ Viễn thông FPT (F9, thuộc FPT Trading) hay Thám hoa FPT 2011 Hoàng Phúc Thịnh, Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (FPT IS)... đều lắng nghe chăm chú từ đầu đến tận khi kết thúc chương trình.

GS. Đặng Hùng Võ đến sớm ngồi trò chuyện cùng MC Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT FPT, nhưng câu chuyện cũng nằm ngoài chủ đề của chương trình. Cùng xuất thân từ nhà khoa học, vừa gặp nhau, hai người nói chuyện như tri kỷ.  

Không chỉ có tiếng nói chung từ lãnh đạo, nghe tiếng của giáo sư từ lâu, người FPT nườm nượp đến đăng ký tham gia. Khi chương trình bắt đầu cũng là lúc khán phòng không còn ghế trống. Theo dõi buổi nói chuyện từ đầu đến cuối, Vũ Sơn Tuấn, FPT Telecom cho biết: “Dù tôi chưa phải là một lãnh đạo nhưng nghe chia sẻ của GS. Võ, tôi rút ra nhiều bài học từ chữ Tâm trong công việc và có thêm thông tin về thị trường bất động sản. Từng biết giáo sư qua báo chí, được gặp trực tiếp tôi thấy ông rất thân thiện, dễ gần”.

a

Đỗ Văn Hùng (phải) xin số điện thoại của GS. sau buổi nói chuyện.

Là fan của giáo sư khi đọc nhiều phát biểu “sốc” của ông trên báo, Đỗ Văn Hùng, FPT IS ERP, tâm đắc với chia sẻ từ câu chuyện thực tế của ông về chữ Tâm và Tầm. Hùng cho biết: “GS. Võ có mấy chục năm trải nghiệm cuộc sống trước mình, mình nghe và thu nhặt kinh nghiệm của ông để bớt vấp ngã trong cuộc sống”. Cảm phục những chia sẻ của GS. Võ, Hùng còn ở lại đến phú cuối của chương trình để chụp ảnh lưu niệm, xin số điện thoại để liên hệ và đưa giáo sư ra tận xe.

Đây là lần đầu tiên GS. Đặng Hùng Võ đến FPT chia sẻ về chủ đề “Tâm và Tầm của người lãnh đạo” do Học viện lãnh đạo FPT (FLI) tổ chức vào chiều ngày 8/12 tại sảnh tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy (Hà Nội).

Ông nhìn nhận: “Với người FPT, tôi hướng đến Tâm và Tầm gắn với con người từng làm khoa học và lãnh đạo, đó là đặc thù của FPT - công ty kiếm tiền bằng tri thức khoa học”. Giáo sư đánh giá cao chất trí tuệ và nhân văn của người FPT qua từng câu hỏi ở phần giao lưu. Đặc biệt, không gian buổi nói chuyện phù hợp, có khoảng cách vừa đủ để tạo sự thân mật và giao lưu giữa diễn giả với người nghe.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, 65 tuổi, chủ nhiệm Bộ môn Địa chính, Đại học Quốc gia Hà Nội; cố vấn cao cấp cho Tổng cục Quản lý đất đai, tư vấn độc lập cho nhiều tổ chức phát triển quốc tế. Ông từng là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từ 2002 đến 2007.  

Năm 1984, ông hoàn thành luận án Tiến sĩ tại Đại học Bách khoa Warsaw, Ba Lan. Năm 1988, ông trở thành Tiến sĩ Khoa học tại Học viện Mỏ - Luyện kim Krakow. Năm 1992, được phong hàm Giáo sư.

Ở lĩnh vực chuyên môn, ông được đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu về chính sách đất đai, kinh tế bất động sản, hạ tầng thông tin địa lý. Ở cương vị lãnh đạo, ông nổi tiếng với tư duy lãnh đạo sắc bén, quyết liệt mà vẫn linh hoạt, mềm mỏng, đã tạo ra những cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản trong suốt những năm đương chức.

Bài, ảnh: Lưu Vân

Ý kiến

()