Chúng ta

FPT Telecom gắn kết nhân viên cao nhất, FPT IS tụt lùi

Thứ sáu, 23/1/2015 | 09:09 GMT+7

Điểm tổng kết trung bình đo độ gắn kết nhân viên toàn FPT trong năm 2014 được 3,94, tương đương kết quả đánh giá năm 2012.

Khảo sát đo độ gắn kết (EES) được Ban Nhân sự FPT (FHR) triển khai cuối năm 2014 với sự tham gia của 6.772 CBNV. Trong đó, tổng số người FPT Software tham gia không đáng kể (đạt 7%) nên quá trình phân tích, đánh giá đã loại trừ đơn vị này. 

Theo kết quả khảo sát, điểm trung bình gắn kết của FPT 2014 đạt 3,94 điểm (tính trên thang điểm 5). So với điểm trung bình toàn FPT trong 6 năm làm khảo sát (từ 2008 - 2014) là 3,75 điểm thì số điểm năm nay cao hơn 0,19 điểm.

DSCF5598-JPG-3873-1421920605.jpg

FPT Telecom là đơn vị có điểm gắn kết CBNV với công ty cao nhất tập đoàn. Ảnh: Tô Ngà.

FPT Telecom là đơn vị có độ gắn kết cao nhất tập đoàn, tương đương 4,02 điểm. Hai vị trí còn lại trong Top 3 là FPT Trading và FPT Retail, lần lượt đạt 3,97 và 3,96 điểm. Đây cũng là ba đơn vị có chỉ số hài lòng cao nhất. FPT IS, Khối giáo dục FPT và FPT Online là những đơn vị có độ gắn kết thấp hơn với 3,72 điểm, 3,83 điểm và 3,86 điểm.

Mặc dù điểm trung bình toàn FPT đang có xu hướng đi ngang, nhưng chỉ số hài lòng năm 2014 lại tăng 1,3% so với kỳ khảo sát trước đó (vào năm 2012), từ 70,3% tăng thành 71,6%. Điểm trung dung và không hài lòng giảm còn 20,4% so với 21,7% trong năm trước đó.

Theo vùng miền, CBNV FPT tại Đà Nẵng có độ hài lòng và gắn kết cao hơn khu vực Hà Nội và TP HCM. Người FPT ở Hà Nội có chỉ số này thấp nhất.

Báo cáo cũng cho thấy, mức độ gắn kết của CBNV là 3,95 điểm, cao hơn mức chung của tập đoàn và của cán bộ quản lý - 3,91 điểm. Trong nhóm quản lý cũng có sự chênh nhau giữa các đơn vị thành viên về độ gắn kết. Cụ thể, FPT HO và FPT Telecom là hai đơn vị có độ gắn kết và hài lòng cao nhất ở nhóm quản lý với 4,05 điểm, trong khi ở FPT IS, con số này chỉ đạt 3,59 điểm, thấp nhất tập đoàn. 

Tổng kết theo nhóm yếu tố, "Nhu cầu cơ bản" và "Team work" được đánh giá cao, trong khi "Sự hỗ trợ của quản lý" và "Điều kiện phát triển" lại chưa cao. Đặc biệt, yếu tố "Tôn vinh hoặc ngợi khen", "Trao đổi về sự tiến bộ" đều được đánh giá thấp ở tất cả các đơn vị tham gia khảo sát.

Đo độ gắn kết (EES) được FPT triển khai từ 2008. Đối tượng tham gia là CBNV ký hợp đồng lao động chính thức với công ty. Khảo sát được thực hiện online qua hình thức Survey monkey, gồm 4 nhóm yếu tố chia thành 12 câu hỏi.

Trong năm 2012, chương trình đã thu hút hơn 60% số CBNV tham gia với kết quả trung bình của toàn tập đoàn là 3,94 điểm.

EES là một trong những công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp xác định được những điểm mạnh, điểm yếu trong chính sách và môi trường làm việc. Đồng thời cũng là cơ sở để doanh nghiệp đánh giá sự hòa hợp (điểm cân bằng) giữa mục tiêu của công ty với mục tiêu của mỗi cá nhân. Dựa vào kết quả này, lãnh đạo các đơn vị có thể định hướng phát triển và ban hành các chính sách quản lý nhân sự phù hợp, nhắm riêng vào từng đối tượng cụ thể - nhóm đối tượng có chỉ số gắn kết chưa cao.

Thanh Nga

Ý kiến

()