Chúng ta

Cựu cố vấn chính phủ Pháp: ‘Sáng tạo là việc tập thể’

Thứ ba, 3/3/2015 | 16:05 GMT+7

“Muốn sáng tạo sản phẩm thành công và hữu ích phải huy động và hòa hợp nhiều công nghệ khác nhau. Chính vì thế, làm việc nhóm là bắt buộc, đôi khi còn trở thành nghệ thuật”, Giáo sư Phan Văn Trường chia sẻ với người FPT.

Trong chương trình FLI Club tối ngày 26/2, Giáo sư Trường, người từng là cố vấn Chính phủ Pháp và góp phần tham gia tái cấu trúc nền điện lực thế giới vào cuối những năm 1980, cho rằng chính sách sáng tạo cần theo hướng làm lại, làm mới (remake) với quy trình, công nghệ, ứng dụng, chất liệu và phong cách mới. 

DSC-0195-JPG.jpg

Khoảng 70 người tham dự chương trình FLI Club tháng 2 với chủ đề “Triển vọng kinh tế 2015” tại Phòng đa năng, tòa nhà FPT Tân Thuận, quận 7, TP HCM.

Theo ông, các thành viên trong nhóm sáng tạo cần có văn hóa rất rộng để có thể đúc kết nhiều thành phần với công nghệ khác biệt và hỗn tạp vào nhau. Ví dụ, người làm gậy chơi golf cần biết rõ cá tính của carbon, graphite, titanium… phải hiểu thấu swing golf, phải hiểu luật chơi golf... “Các thành viên trong nhóm, bất chấp chức vụ, phải làm việc với tinh thần dân chủ, không quan liêu là đòi hỏi không dễ đạt trong nhiều công ty. Tư tưởng bị gò bó sẽ không thuận lợi cho việc sáng tạo”, diễn giả nhấn mạnh. 

Bằng cách đó, FPT đã "lướt sóng" để trở thành một tập đoàn hùng mạnh. “Sóng trào lên hơn 26 năm qua đã đưa con thuyền FPT lên cao”, cựu cố vấn Chính phủ Pháp đúc kết. “Toàn cảnh kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng từ con số 0, do đó mức tăng trưởng của FPT cũng rất cao”. Theo ông, nay sóng đang chùng xuống nhưng cũng là hiện tượng bình thường. “Người giỏi 'ăn nhau' ở thời điểm này. Làm sao để công ty vẫn tăng trưởng mạnh, sáng tạo, phân phối hàng rộng rãi, vẫn đào tạo, đầu tư, cho ra sản phẩm mới, cách phân phối mới, cách trình bày mới… để tăng lợi nhuận, làm giàu cho cổ đông và phát triển bền vững. Thách thức chính ở chỗ đó. Chỉ có thái độ và phong cách mới cho phép tăng trưởng bất chấp chu kỳ lên xuống của nền kinh tế/tài chính”.

DSC-0189-1_1425360474.jpg

"Riêng tôi, hễ được cống hiến, được sống với đam mê, được nhìn nhận... là tôi đã hạnh phúc và thấy thế là thành công. Giàu có không nên là tiêu chuẩn đánh giá sự thành công".

Quay lại chủ đề sáng tạo, thành viên của nhóm nhân vật quyền lực tham gia tái cấu trúc nền điện lực thế giới chia sẻ, người sáng lập Steve Jobs của Apple là ví dụ sống động nhất về sáng tạo trong thời đại mới. Theo đó, sản phẩm của Steve Jobs phải tốt nhất, thẩm mỹ nhất, chạy nhanh nhất, bền nhất, thân thiện nhất, nhiều chức năng nhất, ứng dụng nhiều nhất và hiệu quả nhất, giải trí tươi vui, an toàn nhất, vận hành đơn giản nhất và cuối cùng sát gần người tiêu thụ nhất. “Tiêu chí nào cũng phải nhất. Đây không phải là óc sáng tạo đơn thuần, mà là óc sáng tạo đi đôi với tính khắt khe không khoan nhượng trước nhu cầu đứng nhất mọi mặt. Apple thành công là vì yếu tố tiên quyết đó”.

Nhìn lại, vị giáo sư gần 70 tuổi đúc kết lời khuyên cho chính mình cũng như các bạn trẻ, đó là thành công của mình luôn được vun đắp từ thành công của những người khác, chẳng ai có thể thành công khi đứng một mình một cõi, vì vậy đừng nên tự mãn. “Chẳng hạn như chiếc iPhone, đó là kết tinh từ những nhà thiết kế tài ba, những nhà khoa học xuất chúng, các kỹ sư lành nghề... Nếu thiếu một trong những con người này, những đóng góp khác có thể trở nên vô nghĩa”.

Bằng sự từng trải, diễn giả cho rằng, nhu cầu cơ bản của con người không thay đổi, từ truyền thông/thông tin, tìm bạn bè, kiếm tiền, giải trí... đều bất di bất dịch nhưng những công cụ giúp cho đạt được nhu cầu lại thay đổi rất nhanh do tiến bộ của công nghệ, kỹ nghệ vật liệu, cách thức sử dụng thời gian và quy trình làm việc. Và mỗi thứ trên đều ảnh hưởng lẫn nhau dẫn đến văn hóa cuộc sống thay đổi theo thời đại. “Chẳng hạn  xu hướng thanh toán từ pay cash sang credit card đến Paypal và giờ là Apple Pay. Trong vận chuyển cũng thế, từ taxi đến Uber”.

DSC-0207-JPG.jpg

Anh Trần Thanh Phong, FSU3, FPT Software, đặt câu hỏi về đam mê của mỗi cá nhân.

“Chúng ta đang có nhu cầu một máy tính bảng dưới 30 USD với phần mềm đơn giản dùng để cập nhật thông tin, thay thế TV, dùng trong giáo dục… cho toàn dân Việt Nam hay một phần mềm ‘Việt Nam mở ra thế giới và thế giới mở ra Việt Nam”, Giáo sư đặt vấn đề. “Thế giới phẳng sẽ nhân cơ hội của chúng ta lên nhiều lần. Không cần làm gì cầu kỳ, nhưng phải là cái mới đáp ứng sát nhất với những nhu cầu cố hữu”.

Với kinh nghiệm của mình, ông Trường cho rằng, vào những năm 60 của thế kỷ trước, thế giới tưởng như không bao giờ có doanh nghiệp nào có thể vượt được các công ty dầu hỏa, và những năm 70, họ cũng nghĩ thế đối với các doanh nghiệp sản xuất ôtô. Nhưng thế giới đã nhầm khi Bill Gates và ông Steve Jobs đã có cuộc soán ngôi bằng công nghệ. “Đó là thành quả của óc sáng tạo. Nơi nào cũng có thể làm giàu. Mỗi người cần xác định đúng cơ hội và thời điểm để nắm lấy”, giảng viên thỉnh giảng trường Kiến trúc TP HCM đúc rút.

FLI Club tháng 2 với chủ đề “Triển vọng kinh tế 2015” nhưng diễn giả và độc giả đã nhấn mạnh hơn đến học tập, sáng tạo - nội dung gần gũi, thiết thực. Chia sẻ với người FPT, người từng được Tổng thống Pháp trao tặng Huy chương Hiệp sĩ Đài ghi công (1990), Huân chương Hiệp sĩ Bắc đẩu Bội tinh (2007), cho rằng, đừng để một ngày trôi qua mà không thu thập điều gì, dù nhỏ. “Trên mạng, có hàng triệu tài liệu giá trị ra mắt mỗi ngày. Các bạn hãy thu thập và biết thế giới xung quanh mình nghĩ gì, làm gì”.

DSC-0253-JPG.jpg

"Học trò FPT là tôi yêu nhất", Giáo sư chia sẻ. Thầy Trường còn là giảng viên các khóa học của Học viện Lãnh đạo FPT.

Kể lại chuyện học của chính mình, Giáo sư cho biết, việc học lại tiếng Việt những ngày đầu về lại quê hương với ông rất vất vả. Cách đây khoảng 10 năm, khi đi thỉnh giảng tại ĐH Kiến trúc TP HCM, ông thường bị sinh viên than phiền vì họ chỉ hiểu được 70% điều thầy nói dù rất hứng thú với kiến thức được học. “Tôi thường phải xin lỗi họ và từng rất mặc cảm về điều này”, diễn giả nói. “Sau đó tôi quyết tâm phải khắc phục điểm yếu trên và nỗ lực học lại tiếng Việt mọi lúc mọi nơi. Tôi cố gắng vừa viết, vừa đọc, vừa tra từ điển và học từ chính sinh viên của mình”.

Chiêm nghiệm lại, ông bảo, cả cuộc đời luôn phải tiến lên từng nửa bước một. “Tôi luôn tâm niệm phải cố gắng và cố gắng hết sức, không được nản lòng. Xã hội luôn cần người có khả năng. Người ta có thể ghen tức, đạp đổ... nhưng cuối cùng những người không ngừng cố gắng chắc chắn sẽ có chỗ đứng xứng đáng trong xã hội. Các bạn trẻ hãy tin vào điều đó”.

Giáo sư Phan Văn Trường là một trong số hiếm các công dân Pháp gốc Việt được phong tặng tước Chevalier de la Légion d'Honneur, một loại Bảo Quốc Huân Chương của Pháp, nhờ "công lao đóng góp vào việc phát triển nước Pháp". Sinh năm 1946, ông Trường theo học bậc trung học tại trường Jean Jacques Rousseau, tiền thân của trường Lê Quý Đôn, tại Sài Gòn, trước khi vào Lycee Janson de Sailly tại Paris để chuẩn bị thi vào trường đại học công chánh danh tiếng thế giới Ecole Nationale des Ponts et Chaussées vào năm 1970.

Sự nghiệp quốc tế của ông thực sự bắt đầu năm 1977 khi ông gia nhập Công ty SGTE (Société Générale de Techniques et d'Études) một chi nhánh của tổ hợp Spie Batignolles trong cương vị giám đốc đối ngoại. Ở vị trí này, ông đã có dịp nghiên cứu hệ thống cảng biểu sâu tại quần đảo Fiji và một số dự án công nghiệp cho Indonesia. Năm 1986, ông chuyển sang làm cho tổ hợp Alsthom, trong thời gian mà tổ hợp này lớn mạnh cực độ như hợp đồng cung cấp 300 đầu máy xe lửa và nhiều trung tâm năng lượng cho Trung Quốc. 

Vào năm 1997, tổ hợp Suez-Lyonnaise des Eaux giao cho ông Trường trọng trách phát triển các hoạt động của tổ hợp tại Á Châu. Vào tháng 11 cùng năm, ông tham dự hội nghị cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp (Sommet de la Francophonie) tại Hà Nội và đã ký một hợp đồng xây dựng, khai thác một nhà máy nước uống tại Sài Gòn. Nhưng trước đó, vào năm 1995, ông Trường là Cố vấn Ngoại thương cho Chính phủ Pháp.

Trong hơn 10 năm làm việc cho tập đoàn Alstom, ông từng đàm phán về dự án xây 7 nhà máy điện ở Iran (1989), dự án xây đường sắt cao tốc tại Hàn Quốc, dự án xây metro Santiago Chili, dự án xây metro Bangkok... Vào năm 2006, khi chọn định cư tại Kuala Lumpur, ông đã nhận giảng dạy tại trường Đại học Kiến trúc TP HCM.

Ông được Tổng thống Pháp trao tặng Huy chương Hiệp sĩ Đài ghi công (1990), Huân chương Hiệp sĩ Bắc đẩu Bội tinh (2007)... Với nhiều đóng góp cho giáo dục Việt Nam, ông được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục (2010).

Nguyên Văn

Ý kiến

()