Chúng ta

Chuyện chưa kể của kỹ sư CNTT ở bệnh viện

Thứ ba, 14/2/2017 | 11:53 GMT+7

Áo blouse trắng phủ kín các căn phòng, không khí đặc quánh mùi tẩy rửa, tiếng kêu la, tiếng người nhà gọi nhau… đã trở thành bầu không khí thân quen với đội dự án FPT.eHospital của FPT IS. Thấm thoắt đã 15 năm có lẻ.

Anh Nguyễn Đình Thọ, FPT IS GMC, Quản trị dự án Cho thuê phần mềm Quản lý tổng thể bệnh viện FPT. eHospital cho Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), đã có nhiều chia sẻ thú vị xoay quanh công việc dự án ở bệnh viện của mình.

620_1486713661.jpg

Địa điểm làm việc của thành viên của dự án FPT. eHospital là trong bệnh viện.

Chúng tôi không có những căn phòng đủ rộng, thiết kế đẹp đẽ, sang trọng để 8h tới làm việc và 17h30 ra về. Chúng tôi chia năm xẻ bảy, ngược xuôi khắp các vùng miền tổ quốc từ Tây Nam Bộ tới các huyện miền núi trung du phía Bắc xa xôi.

Có lần, tôi về huyện Mộc Hóa, Long An, giáp biên giới, đêm đêm tiếng ếch kêu ộp oạp, tiếng muỗi vo ve, xung quanh tít tắp các cánh đồng lúa vừa cấy, phảng phất hương mạ non lẫn mùi bùn, cũng thân quen như quê tôi vậy. Chỉ khác là đã lâu lắm rồi, chúng tôi không có dịp về quê nữa. Cán bộ dự án còn bận với những phần mềm eHospital, bận với những ánh đèn phố xa hoa, những miền quê hẻo lánh. Nay đây mai đó, đã đi là đi 4-5 tháng ròng, về nhà vợ giận cũng đành chịu, riết rồi cũng quen.

Đi triển khai ở nông thôn nhiều khổ cực, nhưng được dân quý người. Họ thấy chúng tôi làm ở bệnh viện, tay xách cặp laptop, hướng dẫn họ dùng phần mềm, là gặp ở đâu cũng chào “thầy” với ánh mắt đầy tin tưởng. Một chút nhỏ nhặt ấy đủ khiến chúng tôi chộn rộn, ấm lòng. 

Triển khai nhiều bệnh viện lớn trong thành phố, gần nhà thật đấy, nhưng tôi đâu được về nhà thường xuyên. Chợ Rẫy, Quốc tế City, Bạch Mai, Nhi Trung ương, Thanh Nhàn… viện nào cũng vài nghìn lượt khám chữa bệnh mỗi ngày. Có những bệnh viện các cụ già xếp hàng từ 3h sáng để giữ chỗ, chờ khám và đợi kết quả nhiều khi phải đến hôm sau vì bệnh viện quá tải.

Tôi còn nhớ có anh Phó khoa Khám bệnh của bệnh viện lớn luôn trăn trở về việc nâng cao chất lượng phục vụ của bệnh viện. Anh chào đón chúng tôi: “FPT có thể làm 3 ca, làm sao có thể sớm vận hành hệ thống quản lý cho bệnh viện”. Rồi anh cũng tìm mọi cách để thuyết phục bệnh nhân, sáng nào anh cũng cầm loa đứng ở sảnh ôn tồn giải thích: “Các cụ yên tâm, bệnh viện đã mời FPT là đơn vị triển khai phần mềm cho nhiều bệnh viện tuyến trung ương về. Một thời gian nữa, các cụ sẽ không phải đợi lâu như thế này nữa”. Điều đó càng khiến chúng tôi thêm hối thúc bản thân mình cố gắng hơn nữa.

Những ngày vận hành phần mềm mới ở các bệnh viện, anh em túc trực 24/24, ăn ngủ ngay trong viện. Chỉ cần chậm trễ hay hệ thống gặp vấn đề một chút thôi là bệnh nhân có thể gọi ngay tới đường dây nóng của Bộ Y tế và chúng tôi sẽ bị truy ngược lại. Không ít lần chúng tôi là những nạn nhân bất đắc dĩ, thậm chí bị xúc phạm nặng nề từ người bệnh. Họ không cần biết hệ thống có vấn đề gì hay chỉ là một hình thức “làm màu”, moi tiền của bệnh viện, họ đập phá, la mắng… Chỉ tội cho những cô cậu mới vào nghề, giờ vẫn còn nhắc lại với nỗi ám ảnh sợ hãi.

Các bệnh viện lớn vài chục khoa phòng, mỗi khoa phòng lại có những quy trình khác nhau. Chúng tôi phải rất vất vả trong việc tư vấn và thống nhất được với khách hàng quy trình chuẩn để triển khai nhanh nhất. Chưa kể mỗi lần Bộ Y tế có những thay đổi thông tư, nghị định, là cả nhóm lại căng mình ra để hỗ trợ bệnh viện cập nhật dữ liệu, quy trình.

Trước khi phần mềm FPT. eHospital vào các bệnh viện, họ có thể đã sử dụng phần mềm khác. Để đào tạo, thuyết phục người dùng chuyển sang phần mềm mới trong khi họ vô cùng bận rộn cũng không dễ dàng. Chúng tôi may mắn khi có những bệnh viện, Ban Giám đốc ý thức cao độ về tầm quan trọng của phần mềm eHospital trong việc nâng cao năng lực điều hành, quản lý bệnh viện nên dự án diễn ra suôn sẻ hơn, tiến độ được đẩy nhanh hơn. 

620-1.jpg

Cường độ làm việc ở dự án rất cao.

Dự án tại các bệnh viện thường kéo dài từ một năm tới vài năm. Bữa cơm trưa ở bệnh viện những ngày đầu luôn khó nuốt. Sau đó, vài trăm bữa chúng tôi vẫn đánh chén ngon lành. Chưa kể rất nhiều bữa cơm tối, ăn khuya tự túc do phải trực hoặc phát sinh mà không có over-time. Trước đây, tôi vẫn đưa người thân đi khám bệnh và chẳng dám đi nhà vệ sinh của bệnh viện. Tới khi đi triển khai, tôi thường xuyên phải đi chung WC với bệnh nhân mới thấy một vài lần trước có thấm tháp gì. 

Trong đội chúng tôi có mấy cậu trai trẻ phải xuống phòng siêu âm hỗ trợ, vô tình biết đến siêu âm ổ bụng, đầu dò… về kể lại vẫn còn xấu hổ. Có nhiều hôm mệt mỏi, áp lực, chúng tôi ra ngoài hóng gió, gặp ngay một bệnh nhân nam buồn tình đi tồng ngồng trong bệnh viện. Lúc khác, tôi nghe đến “rầm”, nhìn ra ban công thì thấy một người đàn ông vừa nhảy từ tầng 10 xuống. Cuộc sống này nghiệt ngã biết bao!

Đài báo suốt ngày ra rả về tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 5,8%, trong đó, viêm phổi đứng đầu, tiếp đến là nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn vết mổ và nhiễm khuẩn huyết hay tỷ lệ nhiễm khuẩn tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương là trên 27%. Chúng tôi biết mà đâu có tránh được. Nhiệt đới, Lao, Ung bướu là nơi làm việc của chúng tôi trong nhiều năm. Đã có những anh em bất đắc dĩ mang bệnh do nhiễm khuẩn về cho vợ con. Âu cũng là cái nghề, cái nghiệp.

Và chúng tôi cũng may mắn hơn nhiều anh em triển khai khác khi làm việc trong nhiều bệnh viện. Chúng tôi quen thân với bác sĩ, y tá nên được tiếp cận, tìm hiểu nhiều loại bệnh tật hơn, cũng như khi gia đình có người ốm đau được các bác sĩ rất nhiệt tình khám xét, hướng dẫn miễn phí. Nhờ kinh nghiệm khi làm việc trong môi trường bệnh viện, chúng tôi lại trở thành bác sĩ gia đình, có thể tự mua thuốc, chăm sóc con một cách khoa học hơn và thay đổi thói quen sinh hoạt của mình để tốt cho sức khỏe. 

Mọi ngõ ngách trong bệnh viện, chúng tôi đều thông thạo. Tuy nhiên, nhà xác là nơi khiến chúng tôi chùn chân, những lần phải về muộn, trực đêm là khỏi về luôn. Có lần triển khai dưới Quảng Ninh, nghe mọi người nói nửa đêm đi qua khu nhà xác, có tiếng trẻ con khóc, tưởng con nhà ai, sáng hôm sau hỏi thì chẳng có con nhà ai khóc giờ ấy cả. Nhiều hôm trực cấp cứu, có hai chị em, chị y tá còn bông đùa: “Em ở lại chơi với các cháu, chị đi ăn cơm nhé”. Chị nói xong, chúng tôi lạnh cả sống lưng.

Ở khoa hỗ trợ sinh sản, người ta đều để màn hình là ảnh Bồ Tát, góc bàn làm việc bao giờ cũng có củ tỏi, vì nghe đâu bệnh viện rất nhiều vong. Cũng tâm linh một chút, nên trước khi dự án tới mốc quan trọng, chúng tôi đều cúng bái rất cẩn thận. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành.

Có lần, chúng tôi được bệnh viện yêu cầu làm thêm phân hệ quản lý nhà xác theo độ tuổi từ sơ sinh tới người già, theo giới tính nam nữ, theo loại bệnh tật, để bệnh viện không phải thống kê, phân loại thủ công nữa. Anh em đi nhà xác khảo sát một lần mà về mất ăn mất ngủ. Có chú xin nghỉ luôn vì ám ảnh.

Nhưng bệnh viện cũng là nơi tốt đẹp cho nhiều mối lương duyên. Nhiều anh em triển khai tìm được vợ mình ở đó. Họ là những cô hộ lý, y tá, điều dưỡng xinh đẹp, tận tụy. Những lần hỗ trợ, những buổi trực đêm đã kéo chúng tôi lại gần với y, bác sĩ bệnh viện hơn. Chúng tôi tâm tình đủ chuyện, nào chuyện nghề, nào chuyện đời, những nỗi niềm dồn nén. Chúng tôi yêu lúc nào không biết và hạnh phúc cũng nở hoa từ chính môi trường làm việc "đặc biệt" này.

Quãng thời gian triển khai phần mềm Quản lý tổng thể bệnh viện FPT. eHospital đã cho tôi nhiều trải nghiệm. Những lúc áp lực, mệt mỏi, chúng tôi cùng nhau đi nhậu để giãi bày. Chúng tôi vẫn luôn bên nhau và cùng vượt qua mọi áp lực của nghề, động viên nhau đi tiếp. Song hành cùng những người bác sĩ, góp phần cứu bệnh cho đời, là động lực ghê gớm để chúng tôi thấy việc mình làm có ý nghĩa, thêm trân trọng con đường mình đã chọn. 

FPT.eHospital là hệ thống phần mềm toàn diện cho một bệnh viện, quản lý toàn bộ hoạt động thông suốt từ lúc tiếp nhận bệnh nhân vào viện cho đến khi ra viện. Phần mềm là một thể thống nhất và tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn lực. FPT.eHospital được phân chia thành nhiều phân hệ nghiệp vụ và kết hợp các phân hệ này tạo thành luồng thông tin thống nhất đem lại sức mạnh tổng lực cho bệnh viện.

Phần mềm có thể dễ dàng áp dụng tại các bệnh viện dựa vào quy trình quản lý đã được nghiên cứu, thiết kế trên nền tảng vững chắc và khoa học. FPT.eHospital phục vụ tốt nhất cho việc phân tích điều hành tại bệnh viện, là hệ thống mở, thuận tiện cho việc mở rộng hệ thống, dễ dàng khi kết nối và tích hợp thông tin giữa các phân hệ hiện tại và tương lai.

Bắt đầu triển khai phần mềm FPT. eHospital từ năm 2000, với phiên bản đầu tiên cho bệnh viện Triều An, TP HCM. Đến nay, FPT IS đã triển khai trên 150 dự án. Sắp tới, công ty dự kiến ký hợp đồng cho thuê FPT. eHospital với 30 bệnh viện, hứa hẹn là một hướng kinh doanh tươi sáng trong năm 2017.

Nguyễn Mơ (ghi)

Ý kiến

()