Chúng ta

Chị Chu Thanh Hà làm Trưởng Ban vận động thành lập Liên đoàn Trượt băng

Thứ năm, 1/11/2018 | 11:27 GMT+7

Chủ tịch FPT Telecom được phân công đảm trách vị trí Trưởng Ban vận động thành lập Liên đoàn Trượt băng Việt Nam.

Mới đây, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định cho phép thành lập Liên đoàn Trượt băng Việt Nam. Theo đó, Đại hội đại biểu thành lập Liên đoàn Trượt băng Việt Nam nhiệm kỳ I (2018-2023) sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 3/11 tới, với nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục phát triển phong trào trượt băng theo hướng sâu rộng trong cả nước.

Trước đó, Ban vận động thành lập Liên đoàn Trượt băng Việt Nam đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ nhất. Theo đó, Ban vận động gồm 15 thành viên do Chủ tịch FPT Telecom - chị Chu Thanh Hà đứng đầu. “Tôi không biết trượt băng và cũng không có thế mạnh gì. Tôi muốn góp sức thành lập Liên đoàn Trượt băng Việt Nam để mở ra sân chơi và cơ hội lớn cho con gái và thế hệ trẻ nước nhà”, chị Hà tiết lộ. 

chu-thanh-ha-truot-bang-7585-1541044928.

Chị Chu Thanh Hà và ông xã Lê Thế Hùng đồng hành con gái Diệu Hương (áo số 10) trong giải trượt băng ở Indonesia. Ảnh: NVCC.

Các Phó ban gồm: ông Mai Bá Hùng - PGĐ Sở Văn hóa Thông tin TP HCM; ông Nguyễn Xuân Bình - PGĐ Sở Du lịch Đà Nẵng; bà Bùi Việt Hà - Vụ phó Tổ chức cán bộ (Tổng cục Thể dục Thể thao); ông Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội) và 10 ủy viên.

Theo đại diện Ban vận động thành lập, khi Liên đoàn Trượt băng Việt Nam chính thức hoạt động sẽ có sự quan tâm, đầu tư, động viên thích đáng dành cho các VĐV. Và sự kiện thi đấu thể thao quốc tế đầu tiên Liên đoàn hướng tới là đoàn VĐV trượt băng Việt Nam sang Nga tham dự Đại hội Thể thao mùa đông châu Á cho trẻ em vào tháng 2/2019 với 2 môn: Trượt băng nghệ thuật và Trượt băng tốc độ.

Tính đến nay, cả nước có 6 địa phương xây dựng sân băng là: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Biên Hòa và TP HCM.

Hiện Việt Nam có nhiều VĐV nhỏ tuổi nhưng đã giành được huy chương trong các giải đấu quốc tế. Tuy nhiên, ở các giải đấu, VĐV Việt Nam không được tham gia hoặc tham gia không chính thức do Việt Nam chưa là thành viên của Liên đoàn Trượt băng thế giới vì chưa có Liên đoàn Trượt băng quốc gia. 

Cũng vì chưa có Liên đoàn quốc gia nên việc mời được các HLV có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trên thế giới tới Việt Nam đào tạo và giảng dạy rất khó khăn. Việc này dẫn đến rất nhiều VĐV tiềm năng đã tham gia các CLB ở nước ngoài để có thể tập luyện và thi đấu.

Việc thành lập Liên đoàn Trượt băng quốc gia có vai trò quan trọng bởi tạo cơ hội pháp lý cần thiết để các VĐV, người yêu thích bộ môn này tham gia các giải đấu một cách chính thức, đồng thời cũng giúp môn trượt băng Việt Nam hội nhập với khu vực và quốc tế.

Chủ tịch FPT Telecom bén duyên trượt băng qua con gái - Lê Diệu Hương, 11 tuổi. Mặc dù trượt băng nghệ thuật là một môn thể thao mới du nhập Việt Nam khoảng 5 năm nhưng Diệu Hương đã sớm bộc lộ năng khiếu ở bộ môn này. 

32-6561-1452248238-2635-1541044929.jpg

Diệu Hương, con gái của Chủ tịch FPT Telecom Chu Thanh Hà, có niềm đam mê mãnh liệt với môn trượt băng nghệ thuật. Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, cô bé mong muốn sẽ vô địch thế giới bộ môn này.

Lê Diệu Hương đã 3 lần liên tiếp Vô địch nội dung Pre-Novice giải đấu trượt băng nghệ thuật Cup VinpearlLand Việt Nam 2015-2016-2017. Mới đây, hồi tháng 4, Diệu Hương cũng giành ngôi cao nhất ở giải Skate Asia 2018 tại Indonesia.

Những cú ngã và những cơn đau ê ẩm sau mỗi buổi tập không làm cô bé 11 tuổi nản lòng. Hầu như ngày nào Diệu Hương cũng đều tập luyện với HLV người Ukraine từ 3-4 giờ. Tiết lộ về ước mơ của mình, Diệu Hương muốn trở thành vận động viên trượt băng nghệ thuật đầu tiên của Việt Nam giành ngôi vô địch thế giới.

>> Con gái chị Chu Thanh Hà vô địch trượt băng nghệ thuật

Tân Phong

Ý kiến

()