Chúng ta

Thầy giáo già có tâm hồn nghệ sĩ

Thứ năm, 16/2/2012 | 08:52 GMT+7

62 tuổi, chơi được 5 loại nhạc cụ khác nhau, vẫn nhiệt tình tham gia vào các CLB Guitar, Khiêu vũ và hoàn thành công việc của một giảng viên với sinh viên, người chồng, người cha tốt của gia đình, đó là những nét vẽ cơ bản về thầy giáo Phan Đăng Cầu, ĐH FPT.

a

Thầy Cầu có thể chơi liền lúc 5 nhạc cụ: Sáo, guitar, accordeon, harmonica, mandoline. Ảnh: NVCC.

Nhìn vẻ lanh lợi, khỏe mạnh, nụ cười vô tư cùng tâm hồn trẻ trung, sôi nổi của thầy Cầu, ít người biết được thầy đã bước vào tuổi lục tuần.

Sinh năm 1951 trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Yên Thành, Nghệ An, tuổi thơ của thầy Cầu gắn liền với những tháng ngày chăn trâu cắt cỏ ngoài đồng. Thế nhưng sự cơ cực của cuộc sống không khiến thầy Cầu buồn tủi mà thay vào đó lại nuôi dưỡng khát khao sống và vươn lên.

Ngày đó, từ sáng đến tối, lúc nào cũng làm bạn với trâu ngoài đồng, không có ai nói chuyện, cũng không có gì để chơi, buồn quá, thầy Cầu nảy ra sáng kiến lấy nứa làm sáo, lấy gáo dừa làm đàn để giải khuây.

Chính những ngày tháng ấy đã nuôi dưỡng và bồi đắp thêm cho tâm hồn nghệ sĩ của thầy. Các bác nông dân làm ruộng quanh đó, thường thấy hình ảnh một cậu bé phong phanh manh áo rách vắt vẻo ngồi trên lưng trâu thổi sáo. Tiếng sáo của cậu vang xa và hay đến nỗi từ sau đó, cứ thấy bóng cậu là mọi người lại gọi đến gần để được nghe thổi sáo.

Đến khi vào lớp 7, cậu bé Cầu đã thi đỗ vào lớp chuyên toán của Bộ Giáo dục do Trường Đại học sư phạm Vinh phụ trách và bắt đầu thoát ly gia đình. Trong quá trình học tập tại đây, thầy Cầu rất ham mê âm nhạc, đặc biệt là đàn guitar. Tuy nhiên, thời đó vì quá nghèo không có tiền mua đàn nên mọi thứ thầy chỉ học “bập bõm”.

a

Dù đã 62 tuổi nhưng thầy Cầu luôn tham gia sôi nổi và đàn hát hết mình cho các hoạt động sinh viên. Ảnh: NVCC.

Chỉ đến khi được cử ra nước ngoài học tại Đại học Tổng hợp Toán ở Hungari vào năm 1970, thầy mới đi làm thêm và dành dụm được tiền học bổng để mua đàn, mua kèn, mua sách về tự học. Rất nhiều loại nhạc cụ như accordeon, harmonica, mandoline… đã được thầy tự mày mò tìm hiểu và chơi trong suốt quãng thời gian xa nhà.

Đến khi về nước, trong khi các bạn bè thì mang về không biết cơ man nào là hàng hóa, tài sản có giá trị thì hành lý của thầy Cầu không có gì ngoài đủ loại nhạc cụ khác nhau.

Nhiều người thấy vậy, cho rằng gàn dở, nhưng với thầy Cầu, đó là sự đam mê và quý giá hơn bất cứ loại tài sản nào.

Thời gian đầu sau khi về nước, thầy Cầu công tác tại Viện tính toán điều khiển (nay là Viện Công nghệ thông tin, thuộc trung tâm Khoa học Tự nhiên và Khoa học Quốc gia). Vì cuộc sống quá vất vả nên khi ấy, thầy đã phải bán đi chiếc đàn accordeon. Rồi khoảng mấy chục năm sau thầy vẫn không cầm đến đàn.

Phải đến năm 2000, khi trở thành giảng viên của khoa CNTT, Học viện Bưu chính Viễn thông, được tiếp xúc với nhiều lứa sinh viên trẻ trung, sôi nổi, thầy Cầu mới bắt đầu ôn lại sở trường âm nhạc của mình. Đặc biệt, quãng thời gian cộng tác và thỉnh giảng ở FPT Aptech, sau đó là ĐH FPT, môi trường thầy trò gần gũi cộng thêm nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ nên thầy Cầu mới đàn hát nhiều hơn.

Tính cho đến giờ, thầy là một trong số ít người FPT chơi được 5 nhạc cụ khó như: Sáo, guitar, accordeon, harmonica, mandoline.

Bước vào tuổi 62, nhưng ngoài thời gian giảng dậy ở ĐH FPT, và chăm chút cho con cháu, thầy Cầu lại dành thời gian cho sở thích của mình.

Đều đặn hằng tuần, thứ Bảy nào cũng vậy, thầy cùng hơn 20 thành viên khác của CLB Guitar FPT Online lại tụ hợp nhau về tầng 5, tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội để tập đàn và chỉ cho nhau cách đánh những bản nhạc hay.

Không chỉ thế, vào tối thứ Hai hằng tuần, thầy còn tham gia vào CLB Khiêu vũ của ĐH FPT để rèn luyện sức khỏe.

Vợ thầy thấy chồng suốt ngày đàn hát, nhảy nhót cũng có vẻ không hài lòng vì cho rằng già rồi còn ham vui. Tuy nhiên, thầy Cầu cho rằng, mỗi người ai cũng chỉ được sống một lần vậy thì sao phải mặc cảm với tuổi tác của mình, nếu thấy còn đam mê, còn chơi được đàn thì cứ chơi, khiêu vũ được thì cứ khiêu vũ chứ đâu nhất thiết phải kìm nén sự đam mê.

Nhận xét về đồng nghiệp cũng là bạn đồng hành của mình tại CLB Guitar, anh Bùi Quang Khánh (ĐH FPT) cho rằng, thầy Cầu là một người đam mê, làm việc gì cũng đầy nhiệt tình và vui vẻ. Thầy luôn giúp đỡ mọi người kể cả trong công việc và cuộc sống.

Anh còn nhớ, có lần, anh chia sẻ với thầy Cầu là thích thổi sáo và hỏi thầy Cầu kiến thức về môn nghệ thuật này, vậy là ngay hôm sau thầy Cầu đã đến từ rất sớm để chờ anh và gửi tặng anh hai cây sáo. Điều đó khiến cho anh không khỏi cảm động và quý mến người đồng nghiệp già tốt bụng.

Bình Nguyên

 

Ý kiến

()