Chúng ta

‘Rèn ý chí gian nan hơn học võ’

Thứ bảy, 5/11/2011 | 09:10 GMT+7

Với Nguyễn Hoàng Tùng, giảng viên bộ môn Giáo dục thể chất Đại học FPT, ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống được vun xới từ quá trình khổ luyện môn võ cổ truyền Vovinam.

Tùng hiền lành, ít nói những người tiếp xúc với anh đều quý mến sự chân thành và đặc biệt là đam mê võ học luôn cháy trong anh.

Theo Tùng, học võ giống như xây dựng một ngôi nhà, nền móng không vững chắc thì dễ bị lung lay, không chăm chỉ tập luyện, không cần mẫn thì khó thành công được.

Đôi khi gặp khó khăn, thầy Tùng quan niệm: “mọi thứ rồi sẽ ổn”, quan trọng là biết cách đối mặt và vượt qua. Ngước lên bầu trời đêm, hít thở thật sâu, nhớ về người thân yêu là cách anh lấy lại bình tĩnh mỗi khi gặp sóng gió.

a

Theo thầy Tùng, học võ không khó, luyện ý chí mới khó. Ảnh: NVCC.

Nguyễn Hoàng Tùng

Năm sinh: 1984

Lúc rãnh rỗi thường chơi cờ tướng

Năng khiếu: Cờ tướng, Võ thuật.

Châm ngôn sống: Thà thắp lên một ngọn nến còn hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối.

Ban đầu, Tùng vốn “định kiến” với những người “thượng cẳng tay hạ cẳng chân”, vì bản thân Tùng chẳng muốn va chạm với ai.

Câu chuyện “nghiệp võ” bắt đầu vào một buổi chiều. Khi ấy, Tùng còn đang làm ruộng ngoài đồng. Một thầy dạy võ quê ghé thăm nhà Tùng, ngỏ ý muốn thu nạp “đồ đệ”.

Lúc đó, Tùng cũng lưỡng lự lắm vì thích võ chứ không muốn đi học võ. Hơn thế nữa, với một gia đình thuần nông ở Bình Thuận như nhà anh, thu nhập chủ yếu trông vài mấy sào ruộng thì lấy đâu ra tiền học võ.

Nhưng rồi nghe thầy nói sẽ không lấy tiền học phí, Tùng rất tò mò và quyết định đi học. Tùng nhớ, năm đầu tiên anh học võ là năm 1998 với suy nghĩ đơn giản, học cho vui chứ cũng không biết đó là võ gì.

a

Thầy Tùng huấn luyện sinh viên trong tuần học quân sự. Ảnh: NVCC.

Tốt nghiệp phổ thông, anh không theo nghiệp võ mà đi con đường truyền thống học Trung cấp Thủy sản. Sau khi ra trường, Tùng có một thời gian đi làm đúng theo nghề nghiệp của mình.

Sau vài năm va vấp với cuộc sống, Tùng nhận ra, võ học mới chính là đam mê thực sự của mình. Anh quyết định làm lại từ đầu, đăng ký thi lại vào khoa Thể dục thể thao, chuyên ngành Võ thuật (Vovinam), Đại học Quốc tế Hồng Bàng.

Ngoài việc tập chuyên sâu trên lớp, các tối thứ Hai, Tư, Sáu, Tùng đều có mặt để tập nâng cao chuẩn bị cho các giải sinh viên thành phố và giải vô địch toàn thành phố diễn ra hằng năm.

Càng học, Tùng càng "nghiện" những đòn thế kẹp cổ đẹp mắt của Vovinam. Học võ giúp Tùng điềm tĩnh, tự tin hơn, tăng khả năng tự vệ cho chính bản thân. Và đặc biệt, thông qua võ học, Tùng được giao lưu với nhiều bạn. Ngoài đời thường, Tùng rất ít nói và ít bắt chuyện với mọi người nhưng khi vào lớp võ thì mọi chuyện thay đổi.

Nhờ tập luyện chăm chỉ, Tùng được huấn luyện viên gọi vào đội tuyển của trường để tham gia giải Vovinam - Việt Võ Đạo các trường Trung học chuyên nghiệp và Đại học TP HCM năm 2006. Đây cũng là lần đầu tiên Tùng giành được huy chương Vàng. Được vinh danh trên bục cao nhất ở giải đấu lớn dành cho sinh viên có lẽ là kỷ niệm mà Tùng không thể quên được.

a

Thầy Tùng đã dám vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục ước mơ võ học của mình. Ảnh: NVCC.

Từ tấm huy chương Vàng đầu tiên đó, Tùng tham gia rất nhiều các giải đấu. Bí quyết thành công của Tùng chính là sự tự tin. Đồng thời, quá trình khổ luyện, chăm chỉ ngày đêm tập luyện về kỹ thuật, thể lực, ý chí và cả tâm lý trước, trong và sau khi thi đấu đã giúp anh làm dầy thêm bảng thành tích của mình.

Tùng không thi đấu ở nội dung đối kháng mà nghiêng về kỹ thuật hội diễn. Hằng ngày, ngoài việc tập luyện chuyên sâu, về nhà lúc nào rảnh Tùng cũng tự tập thêm. Kỹ thuật hội diễn rất đa dạng và độ khó cao, đòi hỏi phải chăm chỉ luyện tập. Vì vậy, Tùng phải tập đi, tập lại kỹ thuật động tác cho đến mức “tự động hóa” và tuân thủ các giáo án khác của huấn luyện viên đưa ra.

Hiện, đẳng cấp Vovinam của Tùng là Hoàng đai III. Để đạt được cấp đai này, Tùng phải luyện tập hơn 12 năm. Tùng kể, thời học phổ thông, ngày đi học, đêm về Tùng đi tập võ. Có khi, chưa kịp ăn tối, anh đã có mặt ở lớp võ.

Theo học Vovinam lâu năm Tùng cho rằng, Vovinam là một môn võ dân tộc rất khoa học, dễ học, dễ hiểu, phù hợp với thể tạng người Việt. Trong Vovinam có nhu, có cương, cương nhu hài hòa giúp phát triển đồng đều cả thể chất lẫn tinh thần cho người môn sinh.

"Với võ học cần nhất là sự chăm chỉ cần mẫn và ý chí cao, rèn ý chí còn gian nan hơn học võ. Nguyên tắc của môn Vovinam là một phát triển thành ba, tức là có A mới phát triển được B, C, D. Vì vậy, nếu không siêng năng luyện tập các bài cơ bản để hình thành những kỹ năng cần thiết ngay từ ban đầu thì việc học sau này trở nên khó khăn", Tùng chia sẻ.

a

Ngoài đời, Tùng hiền lành, ít nói, được rất nhiều người quý mến. Ảnh: NVCC.

Võ đạo của Vovinam còn rèn cho Tùng tính cách bình tĩnh, tự tin, chín chắn, bản lĩnh, khiêm cung, độ lượng và biết quan tâm đến người khác...

“Ứng dụng của võ thuật vào những lúc không thể ngờ tới. Một lần, tôi bị tai nạn giao thông do người say rượu tông thẳng vào. May mà biết một ít miếng té ngã của Vovinam mà mình an toàn, còn xe thì hỏng. Người say không biết võ nên… nằm luôn”, anh kể.

Học võ không chỉ để thỏa mãn đam mê bản thân mà anh muốn chia sẻ ích lợi của võ học với nhiều người. Đó chính là lý do Tùng gia nhập Đại học FPT từ tháng 10/2010. Ước mơ của thầy giáo trẻ là một ngày nào đó, các học trò của mình tung hoành ở khắp các giải thi đấu Vovinam trong nước và quốc tế.

Ở ĐH FPT, sinh viên được rèn luyện theo khuôn khổ, đi học đúng giờ, nội quy lớp học, quy chế môn học rõ ràng và đặc biệt sinh viên FPT có tính tự giác, kỷ luật cao. Đóng vai trò là thầy giáo rất nghiêm nhưng anh luôn cố gắng xử lý mọi tình huống sao cho thật khéo léo với sinh viên.

a

Ứớc mơ nhỏ nhoi của thầy giáo trẻ là một ngày đó các học trò của mình tung hoành khắp các giải thi đấu Vovinam trong nước và quốc tế. Ảnh: NVCC.

Gần các em sinh viên, thầy Tùng nhận xét: “Sinh viên FPT rất dễ thương, học giỏi, chịu khó học tập. Phần lớn, các em ở đây có thành tích học ở phổ thông rất đáng nể”.

Dù “đóng vai” người thầy nghiêm khắc, nhiều khi thầy giáo trẻ “mủi lòng” khi phải mời sinh viên nào đi học muộn ra về vì lý do cá nhân. Thầy Tùng tâm sự: “Vì kỷ luật của nhà trường, dù thương các em nhưng cũng đành mời về. Lúc đó, nhìn trò thương lắm, ra về mặt buồn hiu, lòng mình cũng buồn không kém. Trên lớp nghiêm khắc vậy nhưng khi gặp các em ngoài cuộc sống các em rất quý mình”.

Tùng vẫn ấp ủ dự định lên sàn để thi đấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, công việc cũng khá nhiều nên anh đành tạm gác một bên để tập trung vào giảng dạy tại FPT và làm công tác huấn luyện phát triển phong tràoVovinam tại quận 12, TP HCM.

“Đảm nhận cả hai vai trò cũng vất vả đôi chút nhưng mà nghỉ một ngày là thấy nhớ võ, nhớ trò…”, anh tâm sự.

Thành tích của Nguyễn Hoàng Tùng khi tham gia các giải đấu Vovinam

Huy chương Vàng giải Vovinam - Việt Võ Đạo các trường Trung học chuyên nghiệp và Đại học TP HCM năm 2006.
3 huy chương Đồng giải vô địch Vovinam TP HCM năm 2007.
2 huy chương Đồng, một huy chương Bạc Giải vô địch Vovinam TP HCM năm 2008.
3 Huy chương vàng giải Vovinam - Việt Võ Đạo các trường Trung học chuyên nghiệp và Đại học TP HCM năm 2009.
Huy chương Vàng và Đồng giải vô địch Vovinam - Việt võ Đạo TP HCM 2009.
Huy chương Vàng giải Đại hội Vovinam - Việt Võ Đạo tỉnh Bình Thuận 2010.
Huy chương Bạc giải Cup các CLB toàn quốc năm 2010.
2 huy chương Bạc, một huy chương Đồng giải Vô địch TP HCM năm 2011.

Lưu Vân

Ý kiến

()