Chúng ta

1998 - Trở thành ISP

Thứ năm, 30/11/2017 | 14:07 GMT+7

Tháng 12 năm 1997, FOX bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet. Chúng tôi xin đổi tên thành FPT Internet nhưng vẫn giữ nick-name là FOX. 

Hệ thống cung cấp dịch vụ Internet của chúng tôi gồm Router chủ là một chiếc Cisco 2501, kênh kết nối Internet 64 Kbps, 32 port Dial-up và 4 chiếc máy chủ Compaq Proliant 2500, một chiếc máy chủ Proliant 1500. 

Sau này tôi mới biết chiếc Proliant 1500 có giá trên sổ tài sản những 8 ngàn USD - một trong các máy chủ ế từ lâu và bị anh Bùi Quang Ngọc gán cho chúng tôi.

Cisco 2501 là Router FIS mua thử nghiệm để trong kho được anh Phạm Thế Hùng (HùngPT) cho mượn còn kênh Internet 64 Kbps thuê của VDC mỗi tháng ngốn hết 45 triệu đồng. 

Tháng đầu tiên, chúng tôi thu được 97 triệu đồng hóa đơn tiền cước.

Truong-DInh-Anh-2539-1511857459.jpg

"FOX kết thúc năm đầu tiên thực sự kinh doanh với doanh thu 540 ngàn USD và quan trọng nhất - chúng tôi có lãi", theo lời anh Trương Đình Anh.

Nói là hóa đơn vì thì thực sự chúng tôi đâu đã biết cách thu tiền và quản lý tài chính. Việc thu tiền và xử lý công nợ khá bê bối cho đến tháng 4 năm 1998 khi chúng tôi tuyển được chị Nguyễn Thị Dư (Phó Tổng Giám đốc FTN), phu nhân anh Đỗ Cao Bảo, về làm nhân viên quản lý công nợ và thu tiền. 

Tháng 1 năm 1998, anh ChâuHM gọi điện cho tôi đốc thúc để làm sao nhanh chóng triển khai cung cấp dịch vụ Internet ở TP HCM. Giọng anh khá gay gắt, tôi nghĩ chỉ thiếu chút nữa là anh đấm cho tôi một trận vì tiến độ quá chậm. Tôi đành hứa, hứa và tiếp tục hứa. 

Tháng 2 năm 1998, cuối cùng chúng tôi nối được kênh Bắc Nam tốc độ 128 Kbps qua Công ty Viễn thông Điện lực với giá 36 triệu đồng/tháng. 

FOX HCM bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet trễ hơn VDC khoảng 3 tháng - hậu quả là những khách hàng béo nhất đã dùng dịch vụ của Bưu điện - đúng là trâu chậm uống nước đục.

Bây giờ tôi vẫn tiếc là khi đó nếu chúng tôi mạnh dạn chuyển hết số khách hàng TTVN sang sử dụng Internet mà không thu phí hòa mạng 450 ngàn đồng thì có lẽ chúng tôi đã thành công hơn rất nhiều. Cái khó bó cái khôn, chúng tôi xuất phát từ cái lỗ năm 1997 nên làm gì cùng chỉ nghĩ đến tiền - chính điều đó đã cản trở những suy nghĩ xa hơn - hay phải có vision - như anh Bình thường nói. 

Trong TP HCM, nhân sự FOX cũng thay đổi liên tục, anh Nguyễn Hoàng Anh Dũng (DũngNHA )rời công ty, anh Hùng Anh làm việc với tôi vài tháng rồi đi Mỹ định cư, cuối cùng là anh Mai Sung.

Cả năm 1998, suốt ngày chúng tôi chỉ nghĩ cách đẩy nhanh số lượng khách hàng. 

Chúng tôi đã gửi hàng tấn bom thư đến khắp các khách hàng dùng email, rải hàng chục ngàn tờ rơi… 

Đỉnh điểm của đợt khuyến mại là việc chúng tôi tặng modem cho khách hàng - sự kiện gây chấn động thị trường Internet năm 1998 mà báo Sài gòn Tiếp thị chạy tít “Net - lưới nào bắt được nhiều cá?”. 

Sự năng nổ phát triển Internet đã biến tôi thành một nhân vật được giới truyền thông ưa chuộng. Với sự nổi tiếng này tôi được báo Thanh Niên giới thiệu và được bầu chọn là 1 trong 10 thanh niên Việt Nam xuất sắc năm 1998. 

Tôi được nhận bằng khen của Thủ tướng Phan Văn Khải, bằng khen của Trung ương Đoàn và số tiền thưởng 6 triệu đồng. Tôi đã ủng hộ số tiền trên vào Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình của Báo Thanh Niên. 

Bây giờ tôi vẫn trưng các bằng khen này ở Văn phòng. Các đối tác nước ngoài thường rất khâm phục khi tôi giới thiệu những phần thưởng này. 5 năm sau, khi chuyển văn phòng vào TP HCM, chị DưNT đã gửi số bằng khen này qua Bưu điện mà không báo cho tôi. Chị Mỹ Hằng chuyển cho tôi mà cùng không xác định được ai gửi. Sợ là bom thư như trên báo thường nói, tôi quyết định vứt gói hàng trên vào sọt rác. Chị Mỹ Hằng bèn sai bảo vệ đem ra ngoài vỉa hè để mở và phát hiện đó chính là các bằng khen của tôi!

13 tháng 12 năm 1998, tôi ăn hỏi làm đám cưới với cô dâu QueenBee - Đỗ Phương Thảo - một nick khá nổi tiếng trên Mạng TTVN. Cả tuần đó, hầu như tôi không ngủ vì bị hackers mà chúng tôi ngờ rằng từ Mạng NetNam tấn công trả thù các đợt khuyến mại cướp khách do chúng tôi thực hiện. FOX huy động tất cả các nguồn lực: anh Nguyễn Tử Quảng (tác giả BKAV, GĐ BKIS khi đó là Quản trị Mạng FOX), anh Phạm Vĩnh Thắng (ThắngPV, PGĐ NOC), anh Trần Minh Trung (GV ĐH Bách khoa)… chúng tôi chỉ ngủ vài giờ vì hackers thường ra tay vào lúc 2-3 giờ sáng.

19 tháng 12 năm 1998, chú rể Anh Trương đi đón dâu mặt xanh sao sau 1 tuần thiếu ngủ, anh Hoàng Nam Tiến làm MC cho đám cưới của chúng tôi, nhiều FPTers chuẩn bị hát bậy ở đám cưới đã bị vô hiệu hóa vì nơi tổ chức đám cưới quá lịch sự. 

Hôm rồi, xem lại băng đám cưới tôi thấy ngày đó anh em FPT đều trẻ thật. Các anh Bình, anh Bùi Quang Ngọc, anh Phan Ngô Tống Hưng, anh Hoàng Nam Tiến, anh Trần Quốc Hoài, anh Nguyễn Điệp Tùng đều già đi khá nhiều trước gánh nặng hàng tồn, công nợ và nhiều chuyện kinh doanh nhức đầu khác. 

Trước đó một tuần, tôi được Nhạc phụ Nhạc mẫu Đại nhân cấp cho của hồi môn là 2 ký vàng 9999 Thụy Sỹ. Cầm 2 ký vàng to bằng bao thuốc lá nặng trĩu, tôi không hình dung chúng tương đương bao nhiêu cây và trị giá bao nhiêu. Hai vợ chồng tôi cũng bán được 2 ký vàng = 53.34 cây = 18 ngàn USD lúc đó. 1 giờ sau, chúng tôi trở thành người FPT đầu tiên sở hữu xe hơi cá nhân – chiếc Mazda 323 màu mận. Chúng tôi dùng luôn chiếc xe này làm xe đưa dâu. 

FOX kết thúc năm đầu tiên thực sự kinh doanh với doanh thu 540 ngàn USD và quan trọng nhất - chúng tôi có lãi.

Trương Đình Anh

(Theo Sách "FOX tự hào có anh")

ISP (Internet Service Provider): nhà cung cấp dịch vụ internet.

Kể từ thời điểm Việt Nam chính thức kết nối với thế giới qua World Wide Web - 19/11/1997, Internet đã làm thay đổi sâu sắc đời sống sinh hoạt và thói quen của người dân. Đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có hạ tầng Internet, viễn thông hiện đại phủ khắp lãnh thổ. Những ý tưởng kinh doanh mới lạ, táo bạo và quyết liệt của FPT ngay từ khi tham gia thị trường đã góp phần xóa bỏ thế độc quyền về Internet và viễn thông trong nước, trở thành một trong những nhà cung cấp mang lại nhiều lợi ích và dịch vụ giá trị gia tăng cho người dùng nhất.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam (1997-2017) và hướng tới 30 năm thành lập Tập đoàn FPT (1988-2018), Chungta.vn trích đăng các bài viết từ thời sơ khai của mạng Trí tuệ Việt Nam đến khi trở thành nhà cung cấp “Mọi dịch vụ trên một kết nối” của FPT.

Ý kiến

()