Chúng ta

10 phút kinh hoàng của gia đình người FPT bị rơi xuống biển

Thứ hai, 25/7/2016 | 15:19 GMT+7

Sau khi nhà hàng trên bè ở Vĩnh Hy chìm, khoảng thời gian ở dưới nước của gia đình anh Viễn, FPT Telecom, khoảng 10 phút. Không quá dài nhưng “cảm giác rất kinh khủng, như trong phim Titanic vậy”.

Cuối tuần qua, gia đình anh Nguyễn Thanh Viễn, Biên tập viên Phòng Thể thao, Truyền hình FPT, chị Loan và bé Real được công ty lồng tiếng, nơi anh Viễn làm cộng tác viên, mời đi chơi ở Ninh Thuận. Khoảng 9h30 sáng ngày 23/7, đoàn gồm 43 người lớn và 5 trẻ nhỏ, được đón bằng xe điện và có tàu của nhà hàng Vĩnh Tiến đưa ra tận nơi vì đã đặt sẵn 5 bàn. Khi đến nơi, mọi người cùng thắc mắc sao nhà bè này lại đông thế trong khi các nhà bè kế bên trống trơn.

Rồi đoàn cũng lên nhà bè và dùng bữa. Đến khoảng 10h40, bỗng dưng nhà lắc mạnh và mọi người la hét đổ dồn về phía bên kia, ngược với hướng cổng vào. Tiếng kêu la của những người xung quanh dồn dập: “Chạy, chạy, chạy. Nước tràn vô bè”. Trong tình thế cấp bách, anh Viễn cũng chỉ kịp tay trái bế Real, còn tay phải kéo theo vợ chạy hướng gần nhất ra biển. Nhưng ngay khi nghe tiếng hô hoán, nước biển đã chạm đến chân và liền sau đó là tiếng răng rắc của cầu tàu bị đổ sập. Khoảng 5-7 giây sau, nước đã ngập lưng người, khi đó chân anh Viễn bị sụp xuống miếng gỗ mục và tuột luôn dép.

vinh-hy-9136-1469433191.jpg

Hiện trường vụ tai nạn tại Vĩnh Hy ngày 23/7. Ngay sau khi bè sập, mọi người hoảng loạn la hét. Khi tai nạn xảy ra, nhiều người dân và nhân viên ở các nhà hàng lân cận đã nhanh chóng đưa canô, tàu thuyền cùng áo phao ứng cứu. Khoảng 15 phút cơ bản đưa được các nạn nhân vào bờ. Ảnh: SaiGonTimes.

“Tôi cố sức kéo theo vợ con chòi ra thì nước đã lên tới cổ và mái nhà đã xuống gần sát mặt nước”, anh Viễn nhớ lại. “Sau đó, tôi cứ cố bơi và bảo vợ bình tĩnh, còn nói vợ cởi chiếc áo vest đen khoác ngoài ra cho đỡ nặng, nhưng vì hoảng quá và không biết bơi nên hai tay vợ cứ bám chặt lấy tôi”.

Xác định nơi gần nhất có thể đến là nhà bè bên cạnh, anh Viễn cố bơi về hướng đó. Nhưng càng bơi, nhà bè bên kia càng bị đẩy ra vì số lượng người ùa về đó quá đông. Bơi được một đoạn, anh Viễn bám được vào thành của chiếc thùng nhựa đựng cá khoảng 60x100 cm của nhà hàng trôi nổi. “Tôi bám vào một bên thùng nghiêng và nước vào mỗi lúc một nhiều. Khi đang hoang mang vì sợ thùng chìm thì cậu đi cùng đoàn bế đứa bé 4 tuổi bơi đến. Có cả vợ cậu ấy bám theo nữa. Tôi la lên: “Phong, cân bằng cái thùng cho anh”, sau đó cậu ấy bám vào thành thùng bên kia tạo sự cân bằng và mép thùng cách mặt nước tầm 20cm. Lúc này, tôi và Phong cùng choài chân cho thùng không bị chìm”, Biên tập viên Truyền hình FPT kể lại khoảnh khắc.

Một lát sau, có người chèo thúng đến cứu. Gia đình anh Viễn và người bạn cùng đưa hai bé và hai phụ nữ lên thúng. Cùng lúc đó, cũng có khoảng 2-3 bé gần đó được mọi người cứu lên. Còn lại một mình, anh Viễn cố bám vào thành thúng không dám lên vì sợ thúng chìm bởi lúc đó nhiều người khác cũng đang bơi đến. May thay, có một người đứng tuổi chèo ghe đến. “Nhưng lúc đó, do dùng chân giữ thăng bằng khá lâu nên tôi bị đuối, không thể tự bước lên. Phải nhờ người chèo ghe kéo phụ tôi mới lên được”, anh Viễn chia sẻ.

Sau đó, các gia đình chuyển trẻ em và phụ nữ lên ghe rồi chuyền sang một tàu chở khách ứng cứu khác. Cả đoàm có 4 gia đình có con nhỏ thì 3 gia đình đã có mặt trên tàu này, còn một gia đình có hai cháu trai không biết thế nào. Lúc đó, vợ của anh Đinh Công Duẩn (1987) ôm đứa con gái 3 tuổi la lên: “Chồng em quay lại không biết sao rồi”.

Các thành viên trong đoàn nghĩ anh Duẩn biết bơi nên chủ động đi cứu người. Không ngờ, một lát sau thấy mọi người hô hấp, cấp cứu cho một người mặc áo xanh ở thuyền gần đấy. Người đó chính là Duẩn. Quay lại cứu được 2-3 phụ nữ, Duẩn đã bị đuối và uống nước quá nhiều.

MC-VienTri-5581-1469433191.jpg

Vợ chồng anh Viễn chỉ kịp bế con trai, bé Real gần 2 tuổi, chui ra khỏi bè và nhảy xuống biển bơi đợi cứu. “Cảm giác rất kinh khủng. May là tôi biết bơi nên trụ được. Vài phút sau thì được người dân cứu. Cả nhà chỉ bị xây xát nhẹ”, anh Viễn kể lại khoảnh khắc kinh hoàng. “Như trong phim Titanic vậy”. Ảnh gia đình anh Viễn dịp sinh nhật Real tròn một tuổi.

Khi đưa Duẩn vào bờ thì hay tin một người khác cùng đoàn là chị Nguyễn Thị Liễu Chi (sinh năm 1993)  cũng đang cấp cứu vì bị đuối nước. Sau khi làm đủ mọi cách sơ cứu hai nạn nhân vẫn không tỉnh, gần một giờ sau xe cứu thương mới tới được vì Vĩnh Hy cách thành phố Phan Rang gần 50 km. Nhưng rồi họ cũng không qua khỏi. 14h, lục tục về đến khách sạn, mọi người kể lại rằng Chi là người đã ra đến lan can bè nhưng quay lại tìm bạn rồi không nhảy xuống biển kịp nên bị úp dưới mái.

Ngay buổi chiều 23/7, đoàn rời Ninh Thuận về Sài Gòn để lo mai táng cho người xấu số. Ba chiếc điện thoại di động của hai vợ chồng đều hư hỏng nặng nên anh Viễn phải lên mạng xã hội chia sẻ thông tin để người thân, bạn bè yên tâm và xin lại số liên lạc. Sáng 24/7, anh Viễn cùng các thành viên trong đoàn đi đám tang hai thành viên xấu số ở Tiền Giang và Long An.

Về nhà nhưng nỗi ám ảnh về tiếng gào thét kêu cứu và mọi người tìm sự sống giữa biển vẫn hiển hiện như in trong các thành viên gia đình mỗi khi chợp mắt. “Real ngủ một xíu lại giật mình sợ hãi và ôm chặt ba mẹ”, anh Viễn cho hay.

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan quản lý tỉnh Ninh Thuận, bè bị sập làm bằng ván gỗ, mái lợp tôn, nổi trên biển nhờ các thùng nhựa cỡ lớn gắn xung quanh. Du khách muốn ra bè sẽ đi bằng một đường dẫn, hoặc được tàu chở ra.

Nhà chức trách Ninh Thuận cho biết, nguyên nhân tai nạn là khi tàu đáy kính chở khoảng 20 du khách đi qua đã va vào góc phải của bè nhà hàng nổi. Hành khách hoảng loạn, chạy về mạn trái khiến bè bị nghiêng, rồi sập.

>> Gia cảnh khó khăn của nhân viên FPT Telecom tử nạn

Nguyên Văn

Ý kiến

()