Chúng ta

'Vị thế, áp lực và kỳ vọng' là chìa khóa của đàm phán

Thứ tư, 13/1/2016 | 18:22 GMT+7

"Để thành công trên bàn đàm phán, phải biết rõ vị thế của mình, quản lý được kỳ vọng và biết tạo áp lực trên bàn đàm phán", nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nhấn mạnh.

Chiều ngày 12/1, hơn 60 CBNV FPT đã tham gia TGB Seminar on Leadership số 17 với chủ đề "Nghệ thuật đàm phán" tại tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội. Tại đây, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại, Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, đã có những chia sẻ thú vị về quá trình đàm phán các hiệp định lớn của Việt Nam.

image2-top-9597-1452678625.jpg

Ông Trương Đình Tuyển đã dành thời gian chia sẻ những kinh nghiệm giá trị cho người FPT.

Nhà đàm phán sắc sảo về Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cố vấn của đoàn đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương - TPP, tuy đã bước sang tuổi 75 nhưng vẫn rất dẻo dai, có cách nói chuyện mạch lạc và lôi cuốn. Trong buổi chia sẻ, ông dành phần lớn thời gian kể lại cho người FPT những câu chuyện thú vị trong quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam năm 2006. Đây là quá trình gian nan với 11 năm, trên 200 cuộc đàm phán và 28 đối tác song phương. Sau sự kiện này, báo nước ngoài đã nhận xét: "WTO, bàn thắng mang tên Trương Đình Tuyển". 

Ngoài ra, nguyên Bộ trưởng Thương mại cũng phân tích những tình huống khi Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết TPP. “Thế giới đang phát triển rất nhanh, sự thay đổi chóng mặt của khoa học công nghệ sẽ kéo theo sự thay đổi của nền kinh tế thị trường. Đặt trong xu thế phát triển của kinh tế thế giới, việc tham gia hội nhập sâu rộng có ý nghĩa rất lớn cho Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng”, ông nói.

Theo ông, sự phát triển nhanh mạnh của khoa học công nghệ khiến quá trình công nghiệp hóa được rút ngắn. Toàn cầu hóa kinh tế, tự do thương mại đang trở thành xu thế tất yếu của quá trình phát triển. Đặc biệt, việc phát triển bền vững gắn kết với vấn đề tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường trở thành nhu cầu của chính sự phát triển.

Từ những đặc điểm trên của kinh tế thế giới, ông cho rằng, đây là cơ hội để Nhà nước và các doanh nghiệp đi sau, nếu có chiến lược phát triển đúng đắn thì có thể nhanh chóng đuổi kịp, thậm chí vượt qua nước từng phát triển cao hơn mình. Ngoài ra, trong bối cảnh này, quy mô không bằng tốc độ, nếu có chiến lược đúng đắn, tốc độ nhanh thì cũng sẽ mang lại hiệu quả. Đặc biệt, tư duy sáng tạo mạnh hơn kinh nghiệm. Kinh nghiệm tuy giá trị nhưng không thể dùng cái cũ áp dụng vào thời đại mới, những gì hôm qua đúng hôm nay có thể không đúng nữa.

Do đó, ông Tuyển cho rằng, nền kinh tế cần phải có sự dịch chuyển, thúc đẩy từ công nghệ chế tạo sang công nghệ cao do CNTT dẫn dắt, từ lao động cơ bắp sang lao động trí tuệ, từ sản xuất sang dịch vụ, từ thị trường quốc gia sang thị trường khu vực và quốc tế, từ việc xuất khẩu vào các quốc gia đơn lẻ chuyển sang tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, cùng với sự xuất hiện các tập đoàn đa quốc gia thì cũng có xu thế mới rất thú vị đó là cá thể hóa doanh nghiệp và hình thành nền kinh tế chia sẻ.

TPP sẽ tạo ra cơ hội thu hút đầu tư, xuất khẩu nhưng theo ông, áp lực cạnh tranh lớn nhất và cũng đáng lo ngại nhất là sức ép đổi mới đối với thể chế nhà nước. Nếu thể chế không ổn định, luôn luôn thay đổi, doanh nghiệp sẽ làm ăn “chụp giật”, không hiệu quả. Do đó, quan trọng nhất là cần phải điều chỉnh thể chế phù hợp để tạo ra sức cạnh tranh. Nếu chỉ cải thiện môi trường kinh doanh mà không đồng bộ với thể chế thì sẽ không có kết quả. 

Xen kẽ trong những câu chuyện của WTO và TPP, ông đúc kết ba yếu tố cốt lõi trên bàn đàm phán của mình. "Người đàm phán không chỉ giỏi kiến thức mà đầu tiên phải biết rõ vị thế của mình. Thứ hai, phải quản lý kỳ vọng, đo được nó tiến triển thế nào và dừng ở đâu. Thứ ba, phải tạo áp lực trên bàn đàm phán. Tất cả những điều đó tạo nên phẩm chất của nhà đàm phán giỏi", ông nhấn mạnh. Những tố chất này xuất phát từ năng khiếu bẩm sinh và cũng do đúc rút từ kinh nghiệm đàm phán thực tế.

"Ngoài ra phải chú ý mục tiêu là gì và khoảng mục tiêu là gì. Người đàm phán có thể dùng mọi cách để đạt được kết quả miễn nó phải nằm trong khoảng mục tiêu ban đầu. Một cuộc đàm phán mà hai bên đều thỏa mãn chưa hẳn là cuộc đàm phán tốt. Một cuộc đàm phán mà chỉ có một bên thỏa mãn mới là cuộc đàm phán tốt", ông nói.

Theo Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình, đây là vấn đề nóng với FPT bởi chúng ta đang phấn đấu trở thành tập đoàn toàn cầu, cần giao lưu hợp tác quốc tế, làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài nên việc đàm phán vô cùng quan trọng. Kỹ năng đàm phán sẽ giúp ích rất lớn cho CBNV FPT trong việc tiến xa trên thị trường thế giới.

Tham chiếu vào thực tế hiện nay, FPT đang tham gia mạnh mẽ vào quá trình toàn cầu hóa với việc có mặt trên 19 quốc gia. Trong đó, Nhật Bản là một thị trường trọng tâm và FPT đang có lợi thế với sản phẩm chất lượng cao, giá cạnh tranh nhất. "Do đó, khi làm việc với đối tác cần phải biết rõ vị thế của mình là gì, nếu không làm với FPT họ có thể làm với ai, giá bao nhiêu. Chúng ta cần phải phân tích mối quan hệ của mình với khách hàng và các đối tượng liên quan. Ba bí quyết mà anh Trương Đình Tuyển chỉ ra rất sát sườn với thực tế và tương lai của nhà họ F", anh Bình nhấn mạnh.

Trước khi kết thúc cuộc nói chuyện, nhà đàm phán sắc sảo về WTO đã tặng người FPT câu nói nổi tiếng của Theodore Roosevelt, tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ: "Khi quyết định, điều tốt nhất ta có thể làm là quyết định đúng, điều gần như tốt nhất là quyết định sai, và điều tệ nhất là chẳng làm gì cả".

Tử Quyên

Ý kiến

()