Chúng ta

Từ 13 người đến 13.000 người, hành trình 19 năm FPT Software

Thứ bảy, 13/1/2018 | 14:53 GMT+7

Sinh nhật lần thứ 19 của FPT Software ghi những dấu mốc ấn tượng: 13.000 lập trình viên, trong đó có 2.000 người làm việc tại nước ngoài.

Thành lập ngày 13/1/1999, trải qua 19 năm, FPT Software đã có những bước phát triển thần kỳ, cả về nhân sự, thị trường lẫn công nghệ. “19 năm FPT Software, từ 13 chàng trai trẻ, nay đã 13.000 CBNV, trong đó hơn 2.000 bạn đang làm việc trên toàn cầu và hơn 600 nhân viên người nước ngoài”, Chủ tịch Hoàng Nam Tiến chia sẻ nhân sự kiện sinh nhật. Nhà Phần mềm đang hiện diện tại 27 văn phòng trên 16 quốc gia.

fpt-software-1367-1515824867.jpg

FPT Software đã hiện diện mạnh mẽ trên toàn cầu.

FPT Software đã trở thành công ty lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ phần mềm. Từ năm 2014 đến nay, FPT Software liên tiếp lọt Top 100 nhà cung cấp outsourcing (dịch vụ thuê ngoài) toàn cầu.

Đặc biệt, tháng 6/2014, FPT trở thành doanh nghiệp CNTT đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công M&A (mua bán - sáp nhập) ở nước ngoài khi hoàn tất việc mua lại RWE IT Slovakia, thành viên Tập đoàn RWE - doanh nghiệp hàng đầu châu Âu trong lĩnh vực hạ tầng (điện và gas).

Ở châu Á, FPT là một trong 9 công ty đủ điều kiện cung cấp Dịch vụ Phát triển ứng dụng và Chuyển đổi hệ thống CNTT cho Chính phủ Singapore... Tại thị trường Nhật, FPT Japan đã trở thành công ty dịch vụ CNTT Việt Nam lớn nhất ở đất nước mặt trời mọc, tiệm cận Top 50 công ty CNTT tại quốc gia này, gồm các tên tuổi như FujiSoft, DTS, Systena...

Đến nay, Nhật Bản đang là thị trường góp nhiều doanh thu và lợi nhuận nhất FPT Software. Hiện có 800 người FPT làm việc tại Nhật và khoảng 5.000 kỹ sư ở Việt Nam phát triển sản phẩm cho thị trường khó tính bậc nhất thế giới này. Dự kiến năm 2017, doanh số của đơn vị đạt 170 triệu USD, và vươn tới 500 triệu USD vào năm 2020.

Song song đó, các kỹ sư của FPT Japan đang tự phát triển nền tảng IoT (Internet of Things) Akaminds - tương tự Predix của GE, Mindsphere của Siemens. Tuy nhiên, platform (nền tảng) này của FPT sẽ rẻ hơn, linh hoạt hơn và phục vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên kia đại dương, FPT USA là đối tác của hãng dịch vụ truyền hình vệ tinh lớn nhất thế giới hay tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu. Đồng thời là đối tác khu vực của GE Digital, FPT Software cũng là Predix Global Partner của GE. Sau 9 năm, kết thúc năm 2017, FPT tại Mỹ đã cán mốc doanh thu thách thức. “Lần đầu tiên FPT USA (FUSA) đạt mốc doanh thu 50 triệu USD, sau 9 năm kể từ ngày thành lập”, CEO FUSA Đặng Trần Phương hào hứng.

Mảng xuất khẩu phần mềm là động lực tăng trưởng chính cho chiến lược toàn cầu hóa của FPT. Từ 13 thủy thủ đoàn không kinh nghiệm, không tài chính, ném đá dò đường xuất khẩu phần mềm trong sự nghi ngại "đốt tiền" của nhiều người, sau 19 năm, FPT Software có lực lượng nhân sự 13.000 người, doanh thu 275 triệu USD, là đối tác của nhiều khách hàng thuộc Forbes 500…

Nhà phần mềm cũng đổ tiền vào R&D trong các lĩnh vực như: Điện toán đám mây (Cloud), Internet vạn vật (IoT), Digital Transformation (Chuyển đổi kỹ thuật số) chuẩn bị đón sóng công nghệ toàn cầu. Khi số lượng khách hàng trong danh sách Fortune 500 càng dài ra thì số lượng khách hàng sử dụng phần mềm do các kỹ sư FPT Software cũng ngày càng nhiều hơn.

Chủ tịch FPT Software khẳng định, đơn vị đang làm với các tập đoàn lớn nên lãnh đạo luôn mong mỏi các thành viên trưởng thành hơn để có các trận đánh lớn thay đổi vị thế của Phần mềm FPT. “FPT Software phải làm công nghệ. Big Data, Digital Transformation, IoT đã thay đổi vị thế của chúng ta trong những năm gần đây. Riêng 2017 chúng ta có 440 khách hàng mới”, anh Tiến hào hứng.

>> Chủ tịch FPT: 'Xuất khẩu phần mềm là khát vọng đưa trí tuệ Việt ra thế giới'

Chúng ta

Ý kiến

()