Chúng ta

TGĐ FPT: ‘Thay đổi là một việc khó nhưng cần phải triển khai’

Thứ năm, 10/7/2014 | 17:03 GMT+7

“CBNV FPT cần dám thay đổi, dám nêu ra những bất cập và tìm giải pháp loại bỏ chúng. Thay đổi là việc không dễ, nhất là với một số cán bộ đã “ổn định” và “ấm chỗ”. Nhưng nếu không thay đổi, năng lực cạnh tranh sẽ suy giảm, không tăng trưởng và bỏ qua nhiều cơ hội”, anh Bùi Quang Ngọc chia sẻ về dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh.

> FPT triển khai dự án 'Nâng cao năng lực cạnh tranh'

TGĐ FPT trao đổi với Chúng ta về sự cần thiết của dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh - được coi là chìa khóa của sự phát triển của tập đoàn.

Với một công ty đã có chỗ đứng ở thị trường Việt Nam và đang có những bước đi khởi sắc bên ngoài biên giới như FPT, lý do nào khiến tập đoàn lại ban hành quyết định triển khai dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh, thưa anh?

- Hiện nay, FPT đứng trước những thách thức cũng như thời cơ rất lớn. Bối cảnh chính trị châu Á khiến Nhật Bản có chủ trương rút dần việc outsourcing ra khỏi Trung Quốc và dịch chuyển sang những nước khác, trong đó có Việt Nam. Liệu FPT có đón nhận được sự dịch chuyển đầu tư này một cách tốt nhất hay không là một câu hỏi lớn.

Nhìn rộng ra bên ngoài, vị trí của FPT khá khiêm tốn so với những doanh nghiệp cùng lĩnh vực. Ví dụ như TCS, công ty công nghệ lớn nhất Ấn Độ, hiện có doanh thu 12,3 tỷ USD mỗi năm, đến chủ yếu từ mảng dịch vụ CNTT.

c

TGĐ Bùi Quang Ngọc cho rằng FPT cần phải thay đổi để tăng tính chuyên nghiệp, thay đổi mô hình kinh doanh và cung ứng dịch vụ và bổ sung nguồn lực chất lượng cao cho thị trường mới. Ảnh: Nguyên Anh.

Cơ hội toàn cầu hóa cũng đang mở rộng đối với tập đoàn. Những giải pháp của FPT đã được thử thách tại thị trường nội địa cho ngành thuế, ngân hàng, doanh nghiệp… nhiều khả năng sẽ triển khai thành công ở những nước có trình độ phát triển tương tự như Việt Nam. Hướng đi này đang được FPT IS đẩy mạnh ở Philippines, Indonesia, Bangladesh… Tuy nhiên, sẽ có ngay câu hỏi: Liệu những giải pháp trên có đáp ứng được nhu cầu của các thị trường đó không? FPT có đủ nhân lực và chất lượng dịch vụ đáp ứng được cho việc triển khai giải pháp ở những quốc gia này?

Thương vụ M&A đầu tiên trong lịch sử FPT ở Slovakia vừa qua cũng đặt bài toán quản trị doanh nghiệp mới cho tập đoàn với tính chuyên nghiệp cao hơn, đặc biệt ở những đơn vị trực tiếp làm toàn cầu hóa, khi phải quản lý những đơn vị ở quốc gia có nền văn hóa khác, có trình độ chuyên môn cao.

Ngay thị trường nội địa với 90 triệu dân vẫn là miếng bánh hấp dẫn và tiềm năng cho dù khó khăn kinh tế, khủng hoảng ở một số ngành là tạm thời. Internet và những ngành kinh tế trên mạng vẫn phát triển mạnh. Cơ hội cho kinh doanh ngành viễn thông, ngành online vẫn còn rất nhiều. Nhìn chung, mức độ tin học hóa của các ngành, doanh nghiệp cũng như Chính phủ vẫn còn thấp và còn rất nhiều cơ hội kinh doanh.

Gần đây, tăng trưởng nhìn chung của nhiều hướng kinh doanh trong FPT có chững lại hoặc đi xuống. Phải chăng nguyên nhân chỉ là khách quan, hay có cả nguyên nhân chủ quan mà chúng ta né tránh không đề cập tới?

Với bối cảnh đó, để giữ vững sự phát triển thị trường trong nước và đẩy mạnh toàn cầu hóa, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của FPT là rất cấp thiết và cần phải làm ngay. FPT cần phải thay đổi để tăng tính chuyên nghiệp, thay đổi mô hình kinh doanh và cung ứng dịch vụ cũng như bổ sung nguồn lực chất lượng cao cho thị trường mới.

c

"CBNV FPT cần dám thay đổi, dám nêu ra những bất cập và tìm giải pháp loại bỏ chúng", người đứng đầu FPT mong muốn. Ảnh: C.T.

- Anh đánh giá thế nào về năng lực cạnh tranh của tập đoàn hiện nay?

- Tôi không đi vào đánh giá cao hay thấp. Tôi cho rằng năng lực của FPT chưa đủ cao để có thể nắm bắt được các cơ hội kinh doanh đang và sẽ có ở không chỉ thị trường nước ngoài mà còn ở trong nước. 

- Mục tiêu của dự án là tìm ra những bất cập làm giảm năng lực cạnh tranh của FPT hiện tại, từ đó đề xuất giải pháp để loại bỏ chúng nhằm nâng cao sức cạnh tranh của từng đơn vị. Vậy thông qua dự án này, FPT muốn nhìn thấy sự thay đổi cụ thể nào?

- Nâng cao năng lực cạnh tranh là một vấn đề được đề cập trong Balanced Score Card (BSC). Thiết kế của BSC đưa ra các hướng chiến lược, chỉ tiêu, dự án, chỉ số quản trị và đề cập một phần tới nguồn lực, công nghệ, giải pháp. Tuy nhiên, BSC chưa nhấn mạnh trong việc tìm kiếm tất cả những bất cập để có sự thay đổi đáng kể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cuối năm 2011, FPT Software đã tổ chức một hội nghị theo format Vivek Paul (Paul Vivek, một doanh nhân thành đạt và nổi tiếng thế giới đã có ý kiến với Ban Giám đốc FPT Software về việc phổ biến những vấn đề chất lượng ở mọi nơi, nhằm giúp nhân viên tăng cường nhận thức trong công việc - PV) đã mang lại sự thay đổi lớn cho công ty này, đưa họ quay lại tốc độ tăng trưởng 30% một năm, đồng thời xây dựng được một bộ máy chính quy và chuyên nghiệp hơn. Vì thế, việc triển khai mô hình này cần được nhân rộng ở FPT và tất cả công ty thành viên.

Thay đổi sẽ diễn ra ở những tổ chức và quy trình kinh doanh sản xuất trong toàn tập đoàn. Từ đó việc cung ứng dịch vụ sẽ được triển khai hợp lý hơn, các giải pháp/sản phẩm cũng được chuẩn hóa hơn. Qua đây, FPT không chỉ xây dựng được nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng mà còn hợp lý hóa được việc bố trí nguồn lực, bộ máy cho hoạt động kinh doanh ở các thị trường và nhiều dự án lớn.

- Xin anh cho biết cách thức tiến hành dự án theo format Vivek Paul và vai trò của Ban chỉ đạo dự án cấp tập đoàn?

- Ban chỉ đạo cần tổ chức được các hội nghị dưới dạng V.P. (Vivek Paul), ở đó, mọi cán bộ (nhân dân) đều có thể tự do nêu các bất cập trong công ty mình. Những bất cập đó được phân loại theo chủ đề như: Công nghệ/sản phẩm, quy trình, nhân sự, marketing và sales… Sau đó, hội nghị sẽ chia đại biểu theo nhóm chủ đề để tìm lời giải. Ban chỉ đạo sẽ theo dõi và nhận các giải pháp, bổ sung, hiệu chỉnh và phê duyệt giải pháp này. Đồng thời sẽ chỉ đạo việc thực thi các giải pháp ở tất cả công ty thành viên.

Format V.P. rất gần với khái niệm “chiến tranh nhân dân” vốn đã có trong “FPT Way”. Ngoài ra, Ban chỉ đạo sẽ làm việc trực tiếp với nhân dân và lãnh đạo các cấp để tìm ra các giải pháp xử lý những bất cập đã được nhân dân tìm ra.

- Thực tế, trong nhiều cuộc họp sơ kết kinh doanh, hội nghị chiến lược của FPT và các công ty thành viên đều chỉ ra những điểm yếu để nhằm khắc phục. Tuy nhiên, không ít lần vạch ra để đấy. Vậy tập đoàn có cách thức hoặc chế tài nào để dự án này được triển khai hiệu quả?

- Gần đây các bạn đã thấy việc FPT triển khai giao ban theo thẻ điểm BSC. Các box có màu xấu phải giải trình nguyên nhân, nêu phương án khắc phục và bộ phận quản lý chiến lược sẽ theo dõi việc thực hiện. Trong QA, NC chỉ được đóng khi có xác nhận các hành động khắc phục phòng ngừa đã được thực thi có kết quả. Những cách thức quản lý như vậy cũng sẽ được áp dụng cho triển khai dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Đối với cán bộ nhân viên FPT, anh cần gì ở họ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của FPT?

- CBNV FPT cần dám thay đổi, dám nêu ra những bất cập và tìm giải pháp loại bỏ chúng. Thay đổi là việc không dễ, nhất là với một số cán bộ đã “ổn định” và “ấm chỗ”. Nhưng nếu không thay đổi, năng lực cạnh tranh sẽ suy giảm, sẽ không tăng trưởng và bỏ qua nhiều cơ hội.

Thay đổi là một việc khó nhưng cần phải triển khai. Đó là chìa khóa của sự phát triển.

- Kỳ vọng của anh về sự thay đổi của FPT sau khi dự án này được thực thi?

- Tôi mong muốn FPT sẽ chuyên nghiệp hơn, năng động hơn và sẽ có đủ nguồn lực để đón nhận những cơ hội mang lại sự phát triển mới.

Triệu Mẫn (thực hiện)

Ý kiến

()