Chúng ta

TGĐ FPT: ‘Lãnh đạo sẽ quản lý tốt hơn khi có trải nghiệm đa dạng’

Thứ năm, 20/3/2014 | 11:44 GMT+7

“Được trải nghiệm các vị trí khác nhau sẽ giúp lãnh đạo có kinh nghiệm phong phú hơn, thích ứng với nhiều môi trường khác nhau, nâng cao năng lực lãnh đạo của mình. Nhờ đó, tập đoàn sẽ xây dựng được đội ngũ lãnh đạo mạnh ở các cấp, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cho những vị trí cần bề dày và hiểu biết rộng về các ngành nghề”, anh Bùi Quang Ngọc, TGĐ FPT kiêm GĐ Dự án quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, nhấn mạnh.
> FPT khởi động dự án quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo

- Tại sao FPT lại triển khai dự án này, thưa anh?

- FPT cần một đội ngũ lãnh đạo mạnh, trẻ, thừa kế được những thành tựu, truyền thống, văn hóa của tập đoàn, tiếp tục xây dựng, phát triển tập đoàn vững mạnh và trường tồn.

- FPT hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Vậy các đối tượng của dự án có nhất thiết phải trải nghiệm đầy đủ các lĩnh vực hay được sắp xếp phù hợp với sở trường của họ?

- Tôi nghĩ không nhất thiết phải trải nghiệm đầy đủ các lĩnh vực mà quan trọng là phải trải nghiệm ở 3 loại hình kinh doanh chính của FPT là B2G, B2B, B2C.

TGĐ FPT nhận định tập đoàn cần một đội ngũ lãnh đạo mạnh, trẻ

TGĐ FPT nhận định, tập đoàn cần một đội ngũ lãnh đạo mạnh, trẻ thừa kế được thành tựu truyền thống, văn hóa... để xây dựng FPT phát triển và trường tồn. Ảnh: C.T.

- Việc triển khai dự án này đem lại lợi ích gì cho tập đoàn cũng như đơn vị thành viên và những đối tượng trong chương trình? 

- FPT sẽ có đội ngũ lãnh đạo trẻ, có đủ năng lực, am hiểu tường tận về các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về nguồn lực cho tập đoàn, công ty thành viên và các dự án/hướng kinh doanh mới.

Một mục tiêu mà tôi cho rằng không kém phần quan trọng của dự án là tạo sự đổi mới trong công tác lãnh đạo, kinh doanh và quản trị của đơn vị. Đổi mới theo nghĩa khi một người lãnh đạo hay ê-kíp lãnh đạo ở khá lâu tại một vị trí, một đơn vị thì có nhiều khả năng bị hạn chế về đổi mới, dễ đi theo những nếp cũ mà họ đã hình thành. Trong khi hoạt động kinh doanh trên thương trường có sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, quản lý đội ngũ là rất phức tạp. Ngoài ra, việc thay đổi có thể cũng mang lại tinh thần làm việc mới cho cán bộ nhân viên của công ty đó.

Còn đối với cá nhân, những đối tượng trong dự án được trải nghiệm các vị trí khác nhau sẽ giúp họ có kinh nghiệm phong phú hơn, có khả năng thích ứng với nhiều môi trường khác nhau, nâng cao năng lực lãnh đạo của mình. Khi được bổ nhiệm vào những vị trí cần bề dày và hiểu biết rộng về các ngành nghề thì họ đã sẵn sàng đáp ứng được.

- Một trong những rủi ro của dự án là có thể gây xáo trộn trong hoạt động của tập đoàn cũng như đơn vị thành viên. Vậy Ban chỉ đạo dự án có lường trước được tình huống này và sẽ giải quyết như thế nào?

- Sự thay đổi, đổi mới là cần thiết ở nhiều nơi, nhiều cấp. Việc đào tạo cán bộ có nhiều trải nghiệm là quan trọng. Khi thực hiện chương trình, xáo trộn là có thể xảy ra, nhưng tôi cho rằng không phải là rủi ro. Đặc biệt, các thành viên có trách nhiệm triển khai dự án sẽ luôn theo dõi việc luân chuyển cán bộ để những trường hợp rủi ro, bất cập nếu có sẽ được giải quyết kịp thời.

Ngoài ra, nếu nhìn nhận từ góc độ thay đổi hay đổi mới, cái được gọi là xáo trộn có thể là điểm tốt.

FPT

FPT sẽ quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, để họ có trải nghiệm đa dạng hơn về các loại hình kinh doanh của tập đoàn. Ảnh: C.T.

- Vậy tập đoàn sẽ có chính sách hỗ trợ như thế nào cho các đối tượng của dự án để họ được tạo điều kiện làm việc và phát huy năng lực tốt nhất?

- Họ được sự hỗ trợ từ những lãnh đạo có kinh nghiệm của tập đoàn khi luân chuyển đến vị trí mới, nhằm giúp họ có thể vượt qua khó khăn, mau chóng hòa nhập với môi trường của đơn vị mới. Bên cạnh đó, tập đoàn sẽ có chính sách đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng trong chương trình.

- Theo anh, những yếu tố nào để dự án có thể triển khai thành công?

- Đó là sự đoàn kết, nhất trí trong tập thể. Mỗi cán bộ phải đặt quyền lợi của tập thể, tập đoàn, đơn vị mình lên trên những mong muốn, sở thích cá nhân.

Lãnh đạo các cấp phải tham gia kiểm soát việc triển khai của chương trình để những câu chuyện xáo trộn, thiếu sự ủng hộ, mất đoàn kết không được phép xảy ra.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông cần phải làm tốt để những đối tượng tham gia hay có liên đới hiểu được mục đích chính đáng, lành mạnh của chương trình là tạo ra những cán bộ lãnh đạo trẻ, giàu năng lực, nhiều trải nghiệm giúp cho FPT phát triển trường tồn và bền vững.

Chủ tịch HĐQT FPT vừa ký Quyết định phê duyệt việc thực hiện chương trình “Quy hoạch và luân chuyển lãnh đạo FPT”. Mục tiêu của dự án này là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo vững mạnh ở mọi cấp, có đủ năng lực, phẩm chất để điều hành tập đoàn và các công ty thành viên nhằm thực hiện thành công chiến lược OneFPT và đưa FPT trở thành tập đoàn toàn cầu hàng đầu Việt Nam.

Theo đó, FPT sẽ tiến hành tìm kiếm, bồi dưỡng, và luân chuyển cán bộ lãnh đạo trong các mảng kinh doanh của tập đoàn để tạo sự trải nghiệm đa dạng và nâng cao năng lực điều hành.

Để mô hình hóa và quy chuẩn cách thức hoạch định lãnh đạo trong toàn FPT, dự án sẽ được áp dụng ở cả cấp tập đoàn và công ty thành viên.

Dự án sẽ được triển khai từ nay đến hết năm 2017 và do Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình làm Trưởng Ban Chỉ đạo. TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc là thành viên thường trực Ban Chỉ đạo kiêm Giám đốc Dự án. Chủ tịch Ủy Ban tổ chức cán bộ FPT Đỗ Cao Bảo là thành viên thường trực Ban Chỉ đạo dự án này.

Đây là lần đầu tiên chương trình quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo được triển khai ở quy mô toàn tập đoàn.

Triệu Mẫn thực hiện

Ý kiến

()