Chúng ta

Tại sao start-up Việt chưa thể 'go global'

Thứ năm, 6/4/2017 | 09:28 GMT+7

Doanh nhân Lâm Trần, nhà sáng lập Wisepass (start-up nhận được đầu tư từ quỹ tăng tốc khởi nghiệp VIISA), chia sẻ góc nhìn của anh trên Tech In Asia về lý do các start-up Việt gặp rất nhiều khó khăn khi muốn ra thị trường quốc tế. Theo anh, nguyên do nằm ở cả tư duy của các nhà khởi nghiệp lẫn khung pháp lý chưa hoàn thiện của Việt Nam.

Tôi là Lâm Trần, start-up do tôi sáng lập từng được quỹ tăng tốc khởi nghiệp VIISA đầu tư vài tháng trước. Công ty tôi luôn hướng đến mục tiêu trở thành một doanh nghiệp Việt hoạt động trên toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế điều này lại rất khó khăn và cũng chưa có ai làm được. Bản thân tôi cũng đang vật lộn trong quá trình đó nên tôi muốn chia sẻ câu chuyện và quan điểm của tôi về lý do tại sao Việt Nam từ trước đến nay vẫn chưa có một start-up nào thực sự trở thành một công ty toàn cầu.

Để tránh nhầm lẫn, tôi xin định nghĩa lại khái niệm “start-up toàn cầu” mà tôi muốn nói đến trong bài. Đó là một công ty đã có thể bành trướng trên 15 quốc gia với doanh thu hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Có thể hơi ngẫu nhiên nhưng tôi muốn loại bỏ trường hợp của Flappy Bird và VNG vì những lý do dưới đây.

Hiện tượng Flappy Bird thực chất đã bị thổi phồng và cũng không hề kéo dài được lâu. Game này được tải về tại hơn 15 quốc gia nhưng tôi cũng chưa một lần thấy tác giả Nguyễn Hà Đông khẳng định đã kiếm được 1 tỷ USD doanh thu từ đó.

Còn VNG là một trong những câu chuyện kinh doanh thành công tại Việt Nam, nhưng cho đến nay họ vẫn chưa đưa được sản phẩm nào lên đến tầm quốc tế. Doanh thu của VNG cũng chỉ ở mức dưới 1 tỷ USD mỗi năm và công ty cũng chưa có vẻ sẽ đạt được cột mốc này trong tương lai gần.

Đó là hai trường hợp ngoại lệ. Và giờ tôi sẽ nói về các yếu tố cản trở start-up Việt trên con đường trở thành công ty toàn cầu.

smeb-to-110115-branson42-to-JP-5311-1832

Start-up Việt vẫn chưa thể vươn ra biển lớn. 

Nguyên nhân đầu tiên: Lối suy nghĩ (Mindset)

Tư tưởng khởi nghiệp ở Việt Nam thường rất ít khi là những ý tưởng mang tính cách mạng. Các doanh nhân start-up thường tìm những mô hình đang hoạt động tốt ở nước ngoài để "Việt hóa" nó. Và thường một start-up sao chép ý tưởng (copycat) sẽ khó có thể trở thành một công ty tỷ USD hoạt động được tại nhiều nước, ngay cả thị trường bản địa cũng đã là một thử thách rồi.

Chính vì vậy, kịch bản tốt nhất thường được các doanh nhân đó chọn sẽ là tìm những doanh nhân giỏi có thể xây dựng một công ty copycat trong khu vực. Nghĩ tới việc “go global”, chúng ta thường nghĩ tới Đông Nam Á trước, nhưng cũng chẳng ai dám đi quá khu vực này bởi riêng việc vận hành doanh nghiệp ở Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore và Philippines cũng đã quá phức tạp.

Ai dũng cảm lắm mới dám nghĩ đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong hay Đài Loan. Còn Trung Quốc thì có lẽ phải đợi đến khi Elon Musk chinh phục được Sao Hỏa chúng ta mới dám nhắm tới.

Nguyên nhân thứ hai: Hệ sinh thái (Ecosystem)

Vì nhiều nguyên do mà hầu hết các nhà đầu tư tôi từng gặp đều yêu cầu tôi thành lập công ty tại Singapore hoặc Hong Kong. Hiện tại, nguyên do chính là những hạn chế về mặt pháp luật khiến họ lo ngại về khả năng kiếm ra tiền ở Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư coi đây là một rủi ro nên không muốn đổ tiền vào Việt Nam.

Mặc cho tốc độ tăng trưởng GDP cao, Việt Nam vẫn chưa thiết lập được khung pháp lý giúp giảm bớt nỗi lo cho các nhà đầu tư. Bởi vậy, hầu hết các dòng vốn đều được đổ dồn vào Singapore, còn chúng tôi thì phải bay sang đó để ký các hợp đồng đầu tư.

Nếu mở công ty ở Việt Nam cũng dễ dàng như ở Singapore thì việc kiếm tiền và kinh doanh online ở đây cũng dễ hơn, kéo theo đó là các dòng vốn đổ về nhiều hơn.

Không ít người từng nói với tôi rằng khởi nghiệp kinh doanh ở Việt Nam có rất nhiều thuận lợi bởi chi phí nhân lực IT rẻ hơn hẳn so với San Francisco (Thung lũng Silicon). Điều này đúng nhưng không phải một lời đảm bảo rằng bạn sẽ xây dựng được một doanh nghiệp tỷ đô ở đây. Thật đáng buồn là chúng ta mới chỉ tính đến chi phí chứ chưa tính đến năng suất, kinh nghiệm làm việc cũng như khả năng lập trình.

Hệ sinh thái tại Việt Nam cũng khiến các nhà phát triển khó có thể kiếm được những công việc thực sự hấp dẫn và cuối cùng, những người tốt nhất còn lại sẽ bị hút về làm ở Singapore hoặc Mỹ. Chẳng công ty nào ở Việt Nam đủ sức giữ chân được nhân tài. Khi những người có khả năng thực sự bắt đầu đủ lông cánh, họ sẽ nghĩ đến việc bay tới đâu đó ngoài Việt Nam để kiếm mức thu nhập hấp dẫn hơn.

Nguyên nhân thứ ba: Quốc tế hóa (Internationalization)

Mở rộng hoạt động sang các quốc gia khác chắc chắn sẽ luôn kéo theo vô vàn khó khăn như giao tiếp, văn hóa, đồng tiền, múi giờ… và một start-up đơn lẻ khó có thể tự chuẩn bị tốt để đối mặt. Những vấn đề này đều thuộc về yếu tố quan hệ, sự hiểu biết về đặc điểm bản địa… Các founder sẽ chẳng thể tìm được một bản hướng dẫn chi tiết chỉ cách tiếp cận 15 thị trường khác nhau cũng như có đủ mentor (người hướng dẫn) qua từng giai đoạn start-up.

Liệu có ai đang làm điều này không? Thực tế là chưa ai cả

Liệu có nhà đầu tư nào đủ dũng khí rót vốn vào start-up Việt và giúp nó trở thành công ty toàn cầu? Hiện tại vẫn chưa có.

Lý do là bởi hầu hết các vụ thoái vốn (exit - khi các nhà đầu tư thu hồi lại vốn rót cho start-up qua IPO hoặc bán lại cho bên khác) ngày nay đều là qua thâu tóm - sáp nhập (M&A). Khu vực hiện vẫn chưa có phiên lên sàn nào nên đây chắc chắn là hình thức thoái vốn đơn giản và rõ ràng hơn mà các nhà đầu tư thường tính đến.

Đức Anh (theo Tech In Asia)

Ý kiến

()