Chúng ta

OneFPT ‘định hình’ trong đồ án tốt nghiệp

Thứ năm, 1/9/2011 | 15:25 GMT+7

Chiến lược One FPT không chỉ thể hiện trong định hướng hoạt động của các công ty thành viên thuộc tập đoàn, mà còn hiện hữu ở tư duy và “sống khỏe” ngay trong đồ án tốt nghiệp của sinh viên FPT.

Đó là đồ án “Group Purchasing for FPT Corporation” (Hệ thống mua chung trong Tập đoàn FPT) do nhóm GP-F gồm 6 thành viên khóa 3 ngành kỹ nghệ phần mềm: Nguyễn Công Danh, Đặng Tuấn Thành, Trần Đức Trí Quang, Hoàng Văn Tuyền, Lê Tố Trang và Nguyễn Thị Thúy Quỳnh thực hiện.

Ý tưởng bắt nguồn từ OneFPT

8 tháng làm việc theo chương trình thực tập doanh nghiệp (On the Job Training) tại Công ty cổ phần Phần mềm FPT (FPT Software) đã tạo điều kiện cho 6 thành viên của nhóm GP-F tích lũy nhiều kỹ năng và kiến thức quan trọng.

Làm việc tại FPT ở thời điểm mà “người người nói về OneFPT, nhà nhà nói về OneFPT”, chiến lược này “ngấm” và định hình trong các thành viên của nhóm lúc nào không hay. “Cả nhóm đã tự hỏi: Tại sao không phải là Group Purchasing for FPT Corporation?”, Nguyễn Công Danh, Trưởng nhóm GP-F, tâm sự.

Từ trái sang: Danh, Quang, Trang, Quỳnh, Thành và Tuyền sau khi bảo vệ đồ án. Ảnh: Tuấn Thành.

Từ trái sang: Danh, Quang, Trang, Quỳnh, Thành và Tuyền sau khi bảo vệ đồ án. Ảnh: Tuấn Thành.

Đồ án của nhóm đã được xây dựng bắt nguồn từ ý tưởng về chiến lược OneFPT. Mục đích ban đầu của “Group Purchasing for FPT Corp” là sử dụng hệ thống thông tin để hợp nhất quy trình mua sắm trang thiết bị vật tư của 11 công ty thành viên trong Tập đoàn. Khi việc mua sắm được quản lý tập trung, FPT sẽ tiết kiệm được một khoản kinh phí khá lớn do được chiết khấu từ các nhà cung ứng. Đặc biệt, việc quản lý tập trung cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý tài sản (asset management) của Tập đoàn.

“Bắt tay vào thực hiện, ý tưởng này đã được nhóm phát triển ở quy mô rộng hơn để có thể áp dụng cho nhiều tập đoàn khác cũng như tiến đến thành lập một hiệp hội mua chung trên phạm vi toàn quốc, trở thành một trong những mô hình B2B đầu tiên ở Việt Nam”, Danh chia sẻ.

Tuy nhiên, xây dựng một hệ thống doanh nghiệp đòi hỏi phải tìm hiểu kỹ các quy trình cũng như nguyên tắc của doanh nghiệp. Đây thực sự là một thách thức lớn, đặc biệt đối với nhóm sinh viên. “Nhóm đã có những buổi tranh cãi nảy lửa về lợi ích cũng như khó khăn của dự án. Thời gian đầu, mọi người rất hứng thú với đề tài, mọi ý tưởng tuôn ra dồn dập, có những giây phút thăng hoa với bao nhiêu dự định, nhưng càng nghiên cứu kỹ, thì càng thấy nhiều trở ngại. Có những lúc tưởng chừng muốn bỏ cuộc, nhóm đã có ý định chuyển sang làm một đề tài khác đơn giản hơn”, Trần Đức Trí Quang, thành viên chịu trách nhiệm về cơ sở dữ liệu và phát triển các chức năng kinh doanh căn bản của dự án, chia sẻ.

Trước sự ủng hộ của các giảng viên trong trường, nhóm đã xác định bằng mọi giá phải hoàn thành “Group Purchasing for FPT Corporation”. “TGĐ Trương Đình Anh cũng là một chất xúc tác lớn cho đồ án này của chúng em. Khi đắn đo tiếp tục hay dừng lại, em đã e-mail để xin ý kiến anh Đình Anh, để rồi lúc đọc được nội dung trả lời, khí thế của cả nhóm đã vững vàng hơn và hừng hực đến tận giờ phút này”, Danh chia sẻ thêm.

Phát huy thế mạnh của từng thành viên

Được tính như một môn học 10 tín chỉ, thông thường, đồ án tốt nghiệp được các sinh viên FPT đầu tư khoảng 4 tháng để hoàn thành. Tuy nhiên, nhóm GP-F đã dành 6 tháng cho việc xây dựng đồ án của mình. Chia sẻ về điều này, Đặng Tuấn Thành, người chịu trách nhiệm hỗ trợ môi trường và phát triển giao diện của đồ án, cho biết: “Vì ý tưởng này khá lớn và có nhiều điểm mới nên việc chuẩn bị và xây dựng yêu cầu (requirements) tốn nhiều thời gian”.

Nhóm trưởng Nguyễn Công Danh tự tin trình bày và trả lời các câu hỏi phản biện trong buổi bảo vệ đồ án ngày 26/8. Ảnh: Vân Anh.

Nhóm trưởng Nguyễn Công Danh tự tin trình bày và trả lời các câu hỏi phản biện trong buổi bảo vệ đồ án ngày 26/8. Ảnh: Vân Anh.

Quả thật, khối lượng công việc cho một đồ án đặc biệt như “Group Purchasing for FPT Corporation” là khá nhiều, vì thế sắp xếp công việc phải thật khoa học. Danh chia sẻ: “Dự án được chia thành 4 mảng (modules) lớn. Thay vì mỗi người sẽ được giao đánh hẳn một module như lúc đầu thống nhất, nhóm em quyết định cả 6 thành viên sẽ chạy cùng nhau. Tất cả đánh 4 modules cùng một lúc, mỗi người đánh vào đúng chỗ mà mình có thế mạnh”.

“Với cách làm này, nhóm đã phát huy được tối đa sức mạnh của từng người và nhờ đó, chất lượng các module đồng đều hơn”, Danh khẳng định.

“Một số chức năng quan trọng như gộp yêu cầu, tự động xây dựng danh sách sản phẩm thông qua người dùng (User contribute), xác thực qua hệ thống tài khoản nội bộ, hệ thống thanh toán trực tuyến... do chưa đủ thời gian để thực hiện trong khuôn khổ một đồ án, nếu có điều kiện, chúng em cũng rất muốn được tiếp tục hoàn thành tiếp”, Thành cho biết.

“Xác định Group Purchasing là hệ thống dành cho doanh nghiệp, vì thế tính bảo mật luôn được nhóm chú trọng và đặt lên hàng đầu”, Hoàng Văn Tuyền, phụ trách phát triển dịch vụ web (module service) và đồng bộ hóa dữ liệu của nhóm, khẳng định trong quá trình bảo vệ đồ án.

Triển vọng phát triển và ứng dụng thực tế

Điểm mấu chốt của bài toán là sự thay đổi trong quy trình mua sắm trang thiết bị ở từng công ty thành viên. Bầy tỏ niềm tin lớn vào các học trò của mình, giảng viên Nguyễn Tất Trung, người trực tiếp hướng dẫn GP-F, cũng nhấn mạnh “Đây là một dự án tiên phong của Việt Nam trong mô hình mua chung và nó cũng là một trong những dự án xuất sắc nhất của ĐH FPT từ trước đến nay. Chất lượng đồ án hoàn toàn có thể làm cơ sở của dự án thực tế ứng dụng cho cộng đồng mua chung Việt Nam”.

“Chấm điểm” cho tính thuyết phục trong phần trình bày của GP-F, TS. Nguyễn Trường Long, Trưởng Ban Đào tạo ĐH FPT, Chủ tịch Hội đồng chấm đồ án cũng khẳng định: “Đây là đồ án có nội dung khá hấp dẫn. Mục tiêu bài toán tốt, rất có triển vọng phát triển cho bài toán Đấu thầu điện tử”.

Đồ án của nhóm GP-F được Hội đồng chấm đồ án đánh giá hoàn toàn có khả năng phát triển thành bài toán Đấu thầu điện tử. Ảnh: Vân Anh.

Đồ án của nhóm GP-F được Hội đồng chấm đồ án đánh giá hoàn toàn có khả năng phát triển thành bài toán Đấu thầu điện tử. Ảnh: Vân Anh.

Ý tưởng thực tế của đồ án cũng được anh Bùi Việt Thắng, Phó Giám đốc GNC (FPT Software), đánh giá khá cao: “FPT đúng là đang cần một hệ thống tin học hóa như thế để tối ưu nguồn lực và giảm chi phí. Nếu đồ án triển khai được trong phạm vi FPT, các bạn hoàn toàn có cơ hội và khả năng mở rộng phạm vi triển khai tại các tập đoàn khác trên toàn quốc”.

Vừa hoàn thành đồ án đúng tiến độ lại vừa đảm bảo công việc chạy đều tại FPT Software, Danh thở phào: “Giai đoạn ấy, cảm giác quá tải là thường trực, có những lúc tưởng như sắp nổ tung rồi. Đến giờ em vẫn không tin là mình đã hoàn thành, không rõ mình đã sắp xếp công việc như thế nào nữa”.

Dù dự án được đánh giá hết sức khả thi, GP-F cũng khá tỉnh táo khi xác định còn nhiều việc cần làm và hoàn thiện thêm. “Việc đầu tiên là phải ngồi lại để vạch ra chiến lược tiếp theo. Chúng em sẽ phải đi hỏi các thầy, các anh đi trước. Đặc biệt, với yêu cầu kinh doanh cũng như giải pháp kỹ thuật nhóm đã xây dựng được, cần có thêm một định hướng, hỗ trợ chính xác nữa để nhóm có thể tiếp tục hoàn thiện hơn ý tưởng của mình”.

Trên 100 sinh viên FPT đã tham gia đợt bảo vệ đồ án ngày 25-26/8. Trong tổng số 23 đề tài, có tới 22 đề tài thuộc chuyên ngành Hệ thống thông tin (ES). Dự án “Group Purchasing for FPT Corporation” (Hệ thống mua hàng theo nhóm cho Tập đoàn FPT) được đánh giá là một đề tài khá đặc biệt, một trong những dự án xuất sắc của ĐH FPT từ trước đến nay.

Vân Anh

Ý kiến

()