Chúng ta

‘Lãnh đạo FPT cần có sự trải nghiệm’

Thứ năm, 25/10/2012 | 17:43 GMT+7

Chủ tịch kiêm TGĐ FPT Trương Gia Bình cho biết, để trở thành lãnh đạo tập đoàn FPT, các ứng viên cần được “tôi luyện” qua thực tế kinh doanh ở các đơn vị thành viên.
> 'Nhiệm vụ của tôi là đưa FPT tăng trưởng ổn định'

Tại buổi Open Talk diễn ra ngày 23/10, TGĐ Trương Gia Bình tái khẳng định: Con người là yếu tố quan trọng nhất. Do đó, mối quan tâm đầu tiên của anh khi quay lại vị trí TGĐ chính là con người, cụ thể là đội ngũ lãnh đạo FPT.

Bắt đầu từ năm 2006, FPT đã bàn đến việc chuyển giao lãnh đạo, với mong muốn sẽ quy hoạch ba thế hệ lãnh đạo kế cận. Năm 2008, vị trí “thuyền trưởng” được chuyển giao cho anh Nguyễn Thành Nam. Đến năm 2010, thế hệ lãnh đạo thứ hai - anh Trương Đình Anh - lên nắm quyền điều hành.

Tuy nhiên, việc chuyển giao lãnh đạo FPT trong giai đoạn vừa qua chưa thành công. Theo anh Bình, chọn một người giỏi để chuyển giao vị trí TGĐ chưa phải là lời giải đúng.

Chủ tịch Ủy ban Tổ chức cán bộ FPT Đỗ Cao Bảo đã đề xuất phương án quy hoạch và chuyển giao cả “thê đội”. FPT đang viết dự thảo chung, sau đó xin ý kiến lãnh đạo và trưng cầu dân ý.

Theo tiết lộ của anh Bình, với chương trình quy hoạch này, ở tuổi 40, lãnh đạo FPT có thể lên đến vị trí cao nhất của tập đoàn.

Mối quan tâm chính của anh Bình là con người, cụ thể là lãnh đạo FPT. Ảnh: Khánh Tùng.

Mối quan tâm chính của anh Bình là con người, cụ thể là lãnh đạo FPT. Ảnh: Khánh Tùng.

Để trở thành lãnh đạo FPT, những cán bộ trong “tầm ngắm” phải tuân thủ các giá trị cốt lõi của tập đoàn: Tôn - Đổi - Đồng - Chí - Gương - Sáng. Bên cạnh đó, họ phải đáp ứng đủ một số tiêu chí khác.

Trước hết, lãnh đạo FPT phải từng có thời gian làm việc ở các công ty thành viên, hiểu và nắm được những vấn đề then chốt của đơn vị đó. Như vậy mới có thể hỗ trợ đồng nghiệp và giúp đỡ các đơn vị bạn tháo gỡ khó khăn. Yêu cầu này xuất phát từ đặc điểm của FPT là công ty đa ngành, với nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Để điều hành tốt và ra chính sách được đa số người tán thành thì lãnh đạo phải am hiểu “địa phương”. Muốn làm được điều này, lãnh đạo phải có sự trải nghiệm và uy tín.

Thứ hai, để lãnh đạo một tập đoàn lớn và mang tính toàn cầu như FPT, phải có năng lực trong hoạt động đối ngoại. Điều này đồng nghĩa với việc lãnh đạo thế hệ mới phải thuyết phục được khách hàng chính phủ, am hiểu khách hàng doanh nghiệp và biết khách hàng đại chúng cần gì.

Bên cạnh đó, lãnh đạo phải biết xây dựng chính sách. “FPT là tập đoàn liên tục phát triển, do đó người điều hành phải có chính sách phù hợp và được đa số ủng hộ”, anh Bình nói.

Một phẩm chất cũng rất quan trọng của lãnh đạo FPT là gương mẫu. Gương mẫu trong việc thực thi các giá trị cốt lõi, gương mẫu trong công việc cũng như trong phong cách, lối sống.

Dự kiến, ở mỗi vị trí FPT sẽ có 2-3 ứng viên, sau một thời gian huấn luyện và quan sát, tập đoàn sẽ lựa chọn người phù hợp nhất. Cách làm này được thống nhất từ trên xuống dưới các công ty thành viên. Tuy nhiên, mỗi ứng viên cũng có thể được lựa chọn cho 2-3 vị trí khác nhau.

Nhiều lãnh đạo tham gia Open Talk và đặt câu hỏi cho anh Bình. Ảnh: Tiên Long.

Nhiều lãnh đạo tham gia Open Talk và đặt câu hỏi cho anh Bình. Ảnh: Tiên Long.

“Chúng tôi không tìm người giống mình. FPT tôn trọng sự khác biệt. Lãnh đạo thế hệ tiếp theo phải có những điểm mạnh”, anh chia sẻ.

FPT sẽ học tập đoàn dầu khí đa quốc gia BP trong việc quy hoạch lãnh đạo. Cách làm của BP tìm kiếm những người trong tập đoàn cho các vị trí CEO, COO, CFO… Nếu ứng viên đó thiếu kỹ năng nào, họ sẽ đào tạo và bổ sung ngay. Việc này được hoàn thiện trước khi người đó nhậm chức.

Người lãnh đạo, theo mong muốn của FPT, phải sáng tạo trong công tác quản trị, xây dựng hệ thống làm việc xung quanh mình. Để đạt được sự sáng tạo thì ngoài bẩm sinh, lãnh đạo đó phải học hỏi, trải nghiệm và theo anh Bình, học từ việc đọc sách luôn đem lại hiệu quả cao.

Song song, FPT cũng áp dụng mô hình sư phụ - đệ tử trong việc đào tạo thê đội tiếp theo. Người đi trước sẽ truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm cho thế hệ kế cận, để họ có thể đi nhanh hơn. Đồng thời, đệ tử phải quan sát, học hỏi những lãnh đạo gần nhất với mình.

“Đã đến lúc FPT phải thay đổi. Nếu trước đây, lãnh đạo FPT chỉ trưởng thành ở một khu vực, thì nay cần kinh qua nhiều ngành nghề khác nhau. Thách thức này sẽ thúc đẩy phát triển và người trẻ phải chấp nhận, đi cùng thách thức đó”, anh phân tích.

“Hy vọng người đó ở mỗi vị trí sẽ có chiến tích”, anh Bình mong muốn và chỉ ra rằng để làm được điều đó, họ phải làm việc “điên cuồng”.

Vũ Thu Chinh (giữa) FPT Polytechnic tâm đắc về việc anh Bình chia sẻ về

Vũ Thu Chinh (giữa) FPT Polytechnic tâm đắc về việc anh Bình chia sẻ về "chất" FPT trong lãnh đạo kế cận. Ảnh: Khánh Tùng.

Trả lời câu hỏi được gửi đến chương trình Open talk, anh Bình cũng khẳng định, việc FPT có nhiều “lão làng” sẽ không là trở ngại cho quá trình phấn đấu của các bạn trẻ. Bởi với chương trình lãnh đạo theo nhiệm kỳ, cơ hội luôn rộng mở cho tất cả mọi người.

Với những nỗ lực này, anh kỳ vọng đến hết nhiệm kỳ HĐQT FPT vào năm 2017, FPT sẽ có được đội ngũ kế cận, đáp ứng các tiêu chí đặt ra.

Ngoài việc dành mối quan tâm cho “thê đội lãnh đạo” tiếp theo, anh Bình cam kết sẽ thực hiện ba nội dung chính trong thời gian tới là huấn luyện, bồi dưỡng các bạn trẻ; triển khai thành công chiến lược OneFPT để đưa cơ hội đến từng thành viên tập đoàn; đồng thời nỗ lực không mệt mỏi để FPT có tốc độ tăng trưởng ổn định và tốt.

“Lịch sử của FPT là phát triển. Chỉ phát triển mới mang lại cơ hội cho các bạn trẻ. Do đó, tập đoàn phải phát triển cao hơn tốc độ phát triển của kinh tế trong nước. Song song, FPT bành trướng quyết liệt ra thế giới để tạo ra thành công cho lãnh đạo, kinh doanh và công nghệ”, anh tin tưởng.

Trưởng Ban Truyền thông FPT IS Nguyễn Minh Trung đánh giá: “Quan trọng nhất là anh Bình cam kết dành thời gian để huấn luyện, bồi dưỡng cho thê đội 2”.

Anh Trung tỏ ra hài lòng khi nghe TGĐ FPT kết luận: Lãnh đạo tập đoàn phải thật sự hiểu các công ty thành viên: “Nguyên TGĐ Nguyễn Thành Nam mới dừng ở góc độ chia sẻ với các đơn vị thành viên, còn anh Đình Anh vẫn chưa có hành động cụ thể”.

“Tôi tâm đắc việc anh Bình chia sẻ về ‘chất’ FPT trong lãnh đạo kế cận và thấy thú vị vì đã hiểu cách để tìm ra chất đó như anh nói”, Vũ Thu Chinh, cán bộ FPT Polytechinic Hà Nội, vui vẻ nhận xét.

Kết thúc chương trình, Giám đốc Điều hành FPT Trading Hà Nội, Nguyễn Quang Minh, vẫn tiếc nuối khi chưa nghe anh Bình chỉ ra những hành động cụ thể để các cán bộ trẻ có thể trở thành lãnh đạo trong tương lai. “Các chia sẻ của anh Bình tập trung nhiều hơn vào đội ngũ lãnh đạo cấp cao. Trong khi đó, lãnh đạo cấp trung lại chưa được nói tới”, anh phân tích.

Tuy nhiên, theo anh, qua buổi chia sẻ này, anh Bình đã đưa ra được thông điệp rõ ràng cho các lãnh đạo và đội ngũ công nghệ của tập đoàn.

Trong buổi Open talk đầu tiên sau khi trở lại vị trí TGĐ FPT, anh Bình đã trả lời nhiều câu hỏi của khán giả đưa ra trực tiếp hoặc của CBNV gửi cho BTC từ trước, xoay quanh nhiều vấn đề như chế độ chính sách, cơ chế điều hành - lãnh đạo, chiến lược kinh doanh - công nghệ, cũng như một số định hướng phát triển của tập đoàn trong thời gian tới và kế hoạch của năm 2013.

Chương trình đã thu hút hơn 800 người theo dõi trực tiếp và qua kênh online.

Lâm Thao

Ý kiến

()