Chúng ta

FPT giữ vững Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2018

Thứ năm, 6/12/2018 | 09:15 GMT+7

Ngày 5/12, Vietnam Report công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2018. Nhiều vị trí biến động hoặc văng khỏi danh sách nhưng FPT vẫn bảo toàn.

Đây là năm thứ 12 liên tiếp Bảng xếp hạng VNR500 được nghiên cứu và công bố nhằm tôn vinh những doanh nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm nay lần lượt là: Vingroup, Thế giới Di động, Vinamilk, DOJI, THACO, Hòa Phát, FPT, Vietjet, VP Bank, Masan.

top-10-7473-1544061992.png

Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2018. Nguồn: Việt Nam Report.

So với năm 2017, Vingroup, Vinamilk, DOJI và FPT không đổi vị trí, trong 2 năm liền vẫn giữ các thứ hạng lần lượt là 1-3-4 và 7.

Các vị trí Top 10 có sự thay đổi. Năm ngoái, THACO nằm ở thứ hạng số 2 nhưng năm nay đứng thứ 5. Và Thế giới Di động thay thế THACO với vai trò “Á quân” trong bảng xếp hạng Top 10 năm nay; Masan đứng thứ 10, thay vì số 5 trong năm ngoái; Tập đoàn Intimex rớt ra khỏi Top 10 năm nay. Hòa Phát từ số 8 trong năm cũ vươn lên số 6 năm nay.

Đây là năm thứ 12 liên tiếp, Bảng xếp hạng VNR500 được công bố để ghi nhận và tôn vinh thành quả của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. FPT liên tục nằm trong Top 10.

Bảng xếp hạng VNR 500 năm 2018 tiếp tục cho thấy sự tăng lên về mọi mặt của khối doanh nghiệp tư nhân. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam tăng đáng kể theo thời gian, giai đoạn 2014-2017 đạt ở mức cao 21,8%.

5 ngành đứng đầu đóng góp về doanh thu trong Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất 2018 là Tài chính (tỷ trọng 15,1%); Thực phẩm, đồ uống, thuốc lá (14,3%); Xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản (13,9%); Thép (11,7%) và Viễn thông, tin học, công nghệ thông tin (9,2%). Chỉ riêng 5 ngành này đã chiếm đến 64,2% doanh thu, 75,5% lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp tư nhân.

Theo báo cáo của Vietnam Report, đứng trước bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và yêu cầu đổi mới của Cách mạng công nghệ 4.0, nền kinh tế số đang trở thành một hướng đi tất yếu đối với Việt Nam nói riêng và với các nước trong khu vực Đông Nam Á nói chung. “Công nghệ số đang được coi là trọng tâm phát triển khi các hình thức kinh tế truyền thống dần trở nên bão hòa; đặc biệt, phát triển công nghệ số sẽ giúp các doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mở rộng thị trường, tăng năng suất đồng thời giảm bớt chi phí kinh doanh”, báo cáo nêu.

Tuy nhiên, ngay cả ở những doanh nghiệp lớn, việc số hóa vẫn đặt ra nhiều bài toán khó khăn và nhiều công ty vẫn bó hẹp phạm vi ứng công nghệ trong phòng ban IT – kỹ thuật và chưa thực sự triển khai trong hoạt động của doanh nghiệp. Trả lời khảo sát của Vietnam Report, nhiều doanh nghiệp nhận định nguyên nhân dè dặt trong việc áp dụng công nghệ trong tiến trình số hóa là do yêu cầu nguồn vốn đầu tư lớn (40,6% phản hồi); thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao (35,9%) và những lo ngại về vấn đề an ninh mạng và bảo mật dữ liệu (32,8%).

Mới đây, tháng 11, FPT được vinh danh ở Top 5 Quản trị Công ty tốt nhất và Top 5 Báo cáo thường niên tốt nhất, nhóm các doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn do Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) tổ chức. Hồi tháng 8, Forbes Việt Nam lần đầu vinh danh FPT trong Top thương hiệu giá trị nhất

Trước đó, FPT là một trong 5 công ty Việt Nam có mặt tại bảng xếp hạng 300 doanh nghiệp uy tín và có giá trị nhất châu Á do Nikkei - Tập đoàn truyền thông hàng đầu Nhật Bản bình chọn.

Kết thúc 10 tháng, doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) của FPT lần lượt đạt 18.367 tỷ đồng và 3.156 tỷ đồng, tương đương 105% và 115% kế hoạch lũy kế, tăng 22% và 34% so với cùng kỳ trong điều kiện so sánh tương đương (năm 2017 hợp nhất kết quả kinh doanh của FPT Retail và Synnex FPT theo phương pháp vốn chủ sở hữu đối với công ty liên kết).

Trong điều kiện so sánh với số liệu thực tế cùng kỳ năm 2017 (năm 2017 hợp nhất toàn bộ kết quả kinh doanh của FPT Retail và Synnex FPT), doanh thu giảm 47% và LNTT tăng 19%. 

Lợi nhuận sau thuế đạt 2.659 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 2.128 tỷ đồng, tăng 23% và lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 3.474 đồng, tăng 23%. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận đạt 17,2%, bằng 2,3 lần so với cùng kỳ. Doanh thu khối Công nghệ và Viễn thông đóng góp 94% tổng doanh thu của toàn tập đoàn. 

>> Cổ phiếu FPT Online lên sàn UPCoM với giá tham chiếu 110.000 đồng

Tân Phong

Ý kiến

()