Chúng ta

‘ĐH FPT hướng đến đào tạo công dân toàn cầu’

Thứ hai, 30/9/2013 | 14:58 GMT+7

“Sự khác biệt của ĐH FPT là ở mô hình hoạt động cũng như triết lý giáo dục của nhà trường ngay từ đầu. Quá trình toàn cầu hóa được thực hiện bài bản với các bước hành động cụ thể: Sử dụng chương trình, giáo trình và các chuẩn quốc tế về đào tạo; Trao đổi sinh viên, giảng viên quốc tế…”, TS. Nguyễn Xuân Phong, Hiệu phó ĐH FPT, cho biết.
> Sinh viên quốc tế theo học tại ĐH FPT

Dưới tác động của Internet, kỹ năng toàn cầu hóa gồm: Ngoại ngữ, giao tiếp đa văn hóa, làm việc xuyên quốc gia… đã và đang trở thành kỹ năng bắt buộc với mỗi công dân.

“Chúng tôi sẽ tăng cường số lượng môn học dạy bằng ngoại ngữ. Đồng thời ĐH FPT có kế hoạch mở cơ sở đào tạo (campus) tại nước ngoài trong tương lai gần. Nhà trường cũng hướng đến việc tuyển sinh ở một số nước khu vực lân cận trong năm 2013”, TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trường ĐH FPT, khẳng định.

d

TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trường ĐH FPT, trao học bổng cho sinh viên khóa 8 tại ĐH FPT cơ sở TP HCM trong lễ khai giảng năm 2012.

Từ năm 2013, nằm trong chiến lược phát triển, ĐH FPT sẽ tăng cường tỷ lệ giảng viên, sinh viên nước ngoài. Từ giữa năm nay, sinh viên nước ngoài cùng học với sinh viên Việt Nam và sẽ được cấp bằng của ĐH FPT.

Chia sẻ về sứ mệnh của trường đại học, lãnh đạo ĐH FPT cũng đưa ra quan niệm khá mới mẻ: Trong thời đại Internet, trường đại học không chỉ có hai sứ mệnh cơ bản là đào tạo và nghiên cứu như 10 năm trước mà còn có thêm hai sứ mệnh quan trọng không kém là việc làm cho người học và vấn đề quốc tế hóa, toàn cầu hóa. “Một trường đại học tốt, có đẳng cấp là trường đào tạo tốt, nghiên cứu tốt, có việc làm cho sinh viên và tính toàn cầu hóa cao”, TS. Lê Trường Tùng nhấn mạnh.

Hòa mình vào dòng chảy toàn cầu hóa, tháng 11/2012, ĐH FPT trở thành đại học đầu tiên ở Việt Nam được công nhận xếp hạng quốc tế 3 sao theo chuẩn QS Stars - một trong các chuẩn xếp hạng hàng đầu dành cho các trường đại học trên toàn thế giới, do tổ chức QS (Quacquarelli Symonds) có trụ sở chính đặt tại London, Anh, đánh giá. Đặc biệt, phần đánh giá về đào tạo và đóng góp xã hội của ĐH FPT đạt tiêu chuẩn 5 sao. Các tiêu chí như cơ sở vật chất, tình trạng việc làm sau tốt nghiệp, học bổng và các loại hình hỗ trợ sinh viên nhận được 4 sao.

d

TS. Nguyễn Xuân Phong đánh trống khia giảng khóa đầu tiên của THPT FPT. Ảnh: An Khang

Anh Nguyễn Xuân Phong, Hiệu phó nhà trường, cho biết, việc tham gia đánh giá và gắn sao theo chuẩn QS Star của ĐH FPT có mục đích chính là để xem mình đang ở đâu khi so với chuẩn quốc tế. Nhờ đó sẽ biết được mình còn hạn chế nào để hoàn thiện hơn cũng như biết chất lượng giáo dục đại học theo chuẩn quốc tế có những tiêu chí, tiến triển theo xu thế nào.

Còn sự khác biệt của ĐH FPT, anh Phong lý giải, đó là do mô hình hoạt động cũng như triết lý giáo dục của trường ngay từ ban đầu chứ không phải do việc gắn sao mang lại. “Quá trình toàn cầu hóa của ĐH FPT có kế hoạch bài bản và các bước hành động cụ thể: Sử dụng chương trình, giáo trình và các chuẩn quốc tế về đào tạo đại học; Trao đổi sinh viên, giảng viên quốc tế; Hợp tác với đại học nước ngoài để triển khai chương trình đào tạo; Tuyển sinh viên quốc tế đến Việt Nam học; Cử sinh viên FPT ra nước ngoài học theo chương trình semester abroad (học kỳ ở nước ngoài) và Mở cơ sở đào tạo tại nước ngoài”, anh Phong cho biết.

Với mong muốn có nhiều sản phẩm, dịch vụ tốt phục vụ cho xã hội, bắt đầu từ năm 2013, Hệ thống Giáo dục FPT đã mở thêm hệ THPT tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội.

THPT FPT được xây dựng theo mô hình nội trú. Trong đó học sinh học tập, sinh hoạt từ thứ Hai đến hết thứ Sáu hằng tuần ở một môi trường học tập và rèn luyện tập trung, khép kín. Đây cũng là một trong các mô hình của các trường THPT hàng đầu ở Mỹ và nhiều nước tiên tiến khác.

Hệ thống quản lý bằng CNTT tích hợp các trang thiết bị hiện đại giúp giám sát học sinh toàn diện, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Dù ở xa, phụ huynh vẫn có thể theo sát hoạt động của con em mình nhờ tương tác với nhà trường qua Internet, SMS.

d

Quang cảnh lễ khai giảng THPT FPT. Ảnh: An Khang.

Học sinh có ý định đi du học sẽ rút ngắn được thời gian chuẩn bị thông qua các chương trình được chuẩn bị riêng cho kỳ thi tiếng Anh, SAT, hay A-Level để sẵn sàng cho các chương trình giáo dục đại học theo chuẩn giáo dục của Anh và Mỹ. Với khả năng tiếng Anh được trang bị tốt trong quá trình học tại trường, học sinh tốt nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với yêu cầu đầu vào ở các trường đại học nước ngoài.

“Việc mở các cấp học khác nằm trong kế hoạch phát triển của trường. Chúng tôi sẽ tập trung làm thật tốt một cấp học và có thời gian để khẳng định chất lượng của mình trước khi tiếp tục mở rộng trong tương lai”, TS. Nguyễn Xuân Phong nói. Anh Phong cho hay, sau khi hoàn thành cơ bản cơ sở vật chất tại Hà Nội, ĐH FPT đang rất tích cực trong việc chuẩn bị cho phát triển hạ tầng tại Đà Nẵng và TP HCM.

Trong mặt bằng chung của các trường đại học tại Việt Nam, yêu cầu toàn cầu hóa, quốc tế hóa giáo dục đến nay chỉ làm được việc liên kết đào tạo quốc tế. Cụ thể, với nhận thức “ngoại” tốt hơn “nội”, nhiều trường đại học đã và đang triển khai các chương trình tiên tiến, chương trình chuyển giao từ trường đại học nước ngoài để thêm cơ hội học tập, cơ hội thụ hưởng điều kiện, chất lượng giáo dục của nước ngoài cho sinh viên trong nước.

Từ thực tế trên, lãnh đạo ĐH FPT khẳng định: “Quốc tế hóa, toàn cầu hóa đang là xu thế phát triển của các trường đại học. Do đó, dù muốn hay không các trường đều phải đặt mục tiêu quốc tế hóa để làm sao người học sau khi ra trường có được những tố chất cần thiết trong thời đại Internet”.

d

Các sinh viên quốc tế đầu tiên tham gia khóa học chính quy tại ĐH FPT. Ảnh: An Khang.

TS. Lê Trường Tùng chia sẻ, về định hướng đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT, các yếu tố được QS Stars nhắm đến để “chấm điểm - gắn sao” như: Đào tạo - việc làm - nghiên cứu - toàn cầu hoá đều cần cho sinh viên Việt Nam. Nếu Việt Nam muốn có được đội ngũ nhân lực chất lượng cao thì cần hướng đến mục tiêu toàn cầu hoá và sinh viên Việt Nam phải hướng đến mục tiêu trở thành “công dân toàn cầu”.

“Có thể trong tương lai sẽ có thêm nhiều trường ở Việt Nam tham gia vào cuộc chơi này (đánh giá theo chuẩn quốc tế). ĐH FPT dự kiến đăng ký với QS Stars tổ chức hội thảo quốc tế với sự tham gia của nhiều trường đại học vào năm 2016. Đây sẽ là cơ hội để các trường đại học Việt Nam giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cùng với các trường đại học quốc tế.

41 sinh viên đến từ Hàn Quốc, Nigeria, Cameron và Lào đã là lứa sinh viên đầu tiên theo học chương trình đại học chính quy do ĐH FPT cấp bằng. Các tân sinh viên quốc tế mới dự lễ khai giảng đầu tiên vào ngày 21/9, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Đây là những sinh viên quốc tế đầu tiên theo học chương trình đại học chính quy tại ĐH FPT.

41 sinh viên quốc tế thuộc hai ngành CNTT và Quản trị Kinh doanh của Đại học FPT sẽ được đào tạo theo giáo trình và nội dung đào tạo đồng nhất với chương trình hiện tại dành cho sinh viên Việt Nam của trường. Bên cạnh đó, các sinh viên quốc tế sẽ được học thêm các nội dung về văn hóa Việt Nam, cũng như tham gia các hoạt động ngoại khóa, chương trình phát triển cá nhân.

Đại học FPT được thành lập vào ngày 8/9/2006 với trụ sở ban đầu tại số 8 đường Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình, Hà Nội. Trường cũng quản lý hệ thống đào tạo Lập trình viên Aptech và Mỹ thuật Đa phương tiện Arena - đây là các chương trình đào tạo hai năm nhận bằng Diploma do Aptech Ấn Độ cấp. Kể từ năm 2009, trường đào tạo thêm ngành cử nhân quản trị kinh doanh (BBA).

Tháng 7/2010, FPT Polytechnic triển khai mô hình cao đẳng thực hành.

Từ tháng 9/2010, Đại học FPT tổ chức đào tạo tại ba cơ sở: Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.

Năm 2013, Khối Giáo dục FPT có thêm THPT FPT, nâng tổng số học sinh - sinh viên đang theo học tại trường hiện nay lên 15.000.

CBNV: gần 1.000 người.

Các hệ đào tạo bao gồm:

- Đào tạo đại học chính quy.

- Đào tạo sau đại học.

- Đào tạo đại học theo chương trình liên kết quốc tế với ĐH Greenwich (Anh).

- Đào tạo cao đẳng nghề Polytechnic.

- Đào tạo các chương trình diploma quốc tế (Aptech, Arena, Jetking).

- Đào tạo THPT nội trú.

Lan Chi

Ý kiến

()