Chúng ta

Đề xuất chi 2% ngân sách mỗi năm cho CNTT

Thứ bảy, 24/8/2013 | 10:51 GMT+7

Theo Dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về CNTT, một trong những giải pháp để đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT và bằng CNTT vào năm 2020 là đảm bảo tỷ lệ chi ngân sách cho CNTT không thấp hơn 2% tổng chi ngân sách hằng năm.
> Ngày 30/8 công bố dự thảo mới của Bộ Chính trị về CNTT-TT

Dự thảo Nghị quyết về CNTT của Bộ Chính trị vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) công bố tại Hội thảo vào ngày 23/8 tại Hà Nội nhằm lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia và đại diện Bộ, ngành, địa phương.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết, dự thảo Nghị quyết sẽ thể hiện rõ tinh thần CNTT là phương thức phát triển mới, đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn Vietnam ICT Summit năm 2013 diễn ra mới đây.

Nội dung chính của dự thảo Nghị quyết đề xuất một số quan điểm mới về CNTT như: CNTT là một trong những nền tảng quan trọng của phương thức phát triển mới, một trong những động lực quan trọng nhất của sự phát triển; hoặc CNTT là một nhân tố quan trọng để nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia, năng suất lao động và chủ động hội nhập quốc tế; hoặc CNTT là con đường ngắn nhất để Việt Nam có thể đi tắt đón đầu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để Việt Nam có thể rút ngắn thời gian vượt bẫy thu nhập trung bình...

Dự thảo Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát là đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT và bằng CNTT; nâng cao năng lực quốc gia về CNTT và ứng dụng CNTT để tăng khả năng cạnh tranh của quốc gia.

CNTT là một nhân tố quan trọng để nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia, năng suất lao động và chủ động hội nhập quốc t

Theo dự thảo CNTT là một nhân tố quan trọng để nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia, năng suất lao động và chủ động hội nhập quốc tế. Ảnh: Internet.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, CNTT sẽ đạt trình độ phát triển tương đương các nước tiên tiến trong khu vực: hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, xây dựng một số trục, mạng chính hạ tầng thông minh như giao thông thông minh, lưới điện thông minh, đô thị thông minh,...; Phát triển nguồn nhân lực CNTT đạt chuẩn quốc tế, tiến tới cung cấp nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao cho khu vực và thế giới; Xây dựng năng lực nghiên cứu và khả năng làm chủ về CNTT, bảo đảm an ninh thông tin quốc gia, giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, sẵn sàng chủ động đối phó với chiến tranh thông tin;

Ứng dụng CNTT rộng rãi, hiệu quả, đến năm 2016 hoàn thành tin học hóa các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, nâng cao chất lượng sống của nhân dân thông qua việc triển khai y tế thông minh, thẻ công dân điện tử; phát triển công nghiệp CNTT, sản xuất được các thiết bị, cấu phần thiết yếu của các công trình CNTT quan trọng của quốc gia; Phát triển hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia trên cơ sở chuẩn hóa, đồng bộ, liên thông, phát triển nhanh hạ tầng CNTT, đưa kết nối băng rộng, chất lượng cao đến 100% xã...

Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, Dự thảo đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đáng chú ý là sẽ quy định phải có hạng mục CNTT trong tất cả các công trình, dự án đầu tư; Bảo đảm tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước cho CNTT không ít hơn 2% chi ngân sách hàng năm; Xây dựng hạ tầng "siêu xa lộ" thông tin giúp đẩy nhanh phát triển và ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực; Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài...

Bộ TT&TT sẽ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng CNTT-TT tại hội thảo Hợp tác - Phát triển CNTT-TT Việt Nam tổ chức sáng ngày 30/8 ở thành phố Huế. Sau đó, đầu tháng 9 sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến tại TP HCM.

(Theo ICT News)

Ý kiến

()