Chúng ta

Công nghiệp 4.0 - đừng để chỉ là lời nói suông

Chủ nhật, 16/4/2017 | 11:33 GMT+7

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần có những hành động cụ thể để tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới.

Phát biểu tại Lễ công bố và trao Danh hiệu Sao Khuê năm 2017, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta đang đứng trước thách thức, một mặt phải phát triển bền vững, một mặt phải đi nhanh hơn mới có thể thoát bẫy thu nhập trung bình. Để làm được điều ấy buộc phải khai thác bằng được những gì ta tự thấy có lợi thế. Một trong số đó là trí lực người Việt Nam, liên quan trực tiếp đến CNTT. Chính phủ đã và đang bàn những việc cần phải làm để phát huy và tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư".

Ông Vũ Đức Đam cho biết, song song với việc tuyên truyền để xã hội biết về thời cơ và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiệm vụ quan trọng hơn là bằng những hành động cụ thể để tận dụng thời cơ, không nên chỉ nói như một chủ đề khoa học hay như một xu hướng quốc tế. Để làm được điều đó cần có những bước đột phá mạnh mẽ hơn rất nhiều 20 năm trước đây về CNTT.

PTT-Vu-Duc-Dam-phat-bieu-tai-S-9670-7169

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng chúng ta phải khai thác được những gì ta tự thấy có lợi. Ảnh: Đức Anh.

Thế giới đã trải qua ba cuộc cách mạng lớn là cách mạng công nghiệp cơ khí chạy bằng hơi nước từ năm 1784, cuộc cách mạng sử dụng điện năng để sản xuất quy mô lớn từ năm 1870 và cuộc cách mạng tự động hóa sản xuất nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và điện tử từ năm 1969. Giờ đây, cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đang được tiếp nối với sự tham gia của công nghệ vật lý, kỹ thuật số, sinh học. Ở thế hệ công nghiệp 4.0 này, vạn vật sẽ được kết nối (Internet of Things) và giao thoa thực ảo.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), cho hay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tốc độ và quy mô vô cùng lớn, có khả năng làm thay đổi tất cả các lĩnh vực của đời sống con người, đem đến những cơ hội và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc.

Lễ công bố và trao Danh hiệu Sao Khuê năm 2017 được tổ chức ngày 15/4 tại Hà Nội. Chương trình bắt đầu được phát động từ tháng 1/2017 và qua 3 vòng đánh giá, thẩm định, Ban tổ chức đã quyết định trao danh hiệu cho 44 sản phẩm và 20 dịch vụ xuất sắc. Trong đó, FPT có 2 đơn vị lọt vào Top 10 Sao Khuê là FPT Software và FPT IS. Tổ chức Giáo dục FPT giành danh hiệu Sao Khuê với 2 hạng mục: Dịch vụ Đào tạo chính quy về CNTT (ĐH FPT, FPT Polytechnic) và Dịch vụ Đào tạo CNTT hệ phi chính quy (FPT Aptech, FPT Arena, FPT Jetking).

"Năm nay, Hội đồng ghi nhận nhiều sản phẩm, dịch vụ ứng dụng trong các lĩnh vực quan trọng như ngân hàng, giao thông vận tải và quản trị doanh nghiệp có chất lượng cao, ứng dụng rộng rãi, đem lại hiệu quả lớn. Các doanh nghiệp cũng đang chuyển dịch dần từ cung cấp sản phẩm, giải pháp sang cung cấp và cho thuê các dịch vụ CNTT. Đây là xu hướng rất tốt, tối ưu hóa được nguồn lực của cả doanh nghiệp phát triển và doanh nghiệp ứng dụng".

Untitled-1-1492234336-660x0-1849-1492316

FPT Software đang tập trung nghiên cứu phát triển dịch vụ CNTT dựa trên những nền tảng công nghệ mới như IoT, SMAC, AI... Ảnh: Đức Anh.

Danh hiệu ToP 10 Sao Khuê 2017 đã được trao cho 7 sản phẩm, 3 dịch vụ xuất sắc. Các sản phẩm, dịch vụ Top 10 Sao Khuê năm nay có quy mô lớn về doanh thu, số lượng người sử dụng, hiệu quả vượt trội trong giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội trong các lĩnh vực giáo dục, giao thông, thương mại điện tử.

Tổng doanh thu của Top 10 Sao Khuê 2017 là 12.129 tỷ VND, tương đương 539 triệu USD, cao hơn tổng doanh thu của toàn ngành năm 2008, chiếm trên 30% tổng doanh thu của toàn ngành phần mềm, nội dung số năm 2016; sử dụng nguồn nhân lực lên đến trên 16.700 người.

Trong số này, FPT Software gây ấn tượng khi là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất: trên 10.000 người. Cột mốc này giúp FPT Software tiến gần hơn tới danh sách các công ty có quy mô nhân lực lớn trong khu vực châu Á cùng mục tiêu 30.000 người và một tỷ USD doanh thu năm 2020. Các sản phẩm và dịch vụ của công ty cũng không nằm ngoài xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khi đang tập trung nghiên cứu phát triển dịch vụ CNTT dựa trên những nền tảng công nghệ mới như IoT, SMAC, cho các lĩnh vực sản xuất máy bay, ôtô, ngân hàng, truyền hình vệ tinh, viễn thông trên toàn cầu.

Ví dụ, FPT Software đang ứng dụng Cognitive Computing/AI vào bài toán tìm chỗ đỗ xe tự động cho một doanh nghiệp trong lĩnh vực logistic tại Mỹ và bài toán tự động đếm số lượng người đi vào cửa hàng từ camera an ninh với độ chính xác cao cho một doanh nghiệp bán lẻ lớn tại Việt Nam.

FPT Software cũng đang hợp tác Softbank và Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ (IAE) để đưa robot mang tên NAO vào trong lĩnh vực dạy tiếng Anh tại Việt Nam. Các robot NAO hỗ trợ giáo viên tại Học viện Anh ngữ EQuest và Anh ngữ Việt Mỹ VATC trong các hoạt động lớp học như tương tác với học viên, kiểm tra nghe nói và thực hành các tình huống giao tiếp, hướng dẫn các em nhỏ học tiếng Anh, phát âm chuẩn như người bản ngữ. Ngoài ra, công ty cũng đang phát triển các ứng dụng trên robot Pepper của Softbank để sử dụng robot này như một lễ tân tại văn phòng của công ty ở Nhật Bản.

Trong sự kiện Hội thảo "Tương lai công nghệ ô tô và robot" diễn ra sáng ngày 15/4, ông Hoàng Nam Tiến cũng khẳng định công nghệ xe tự hành của FPT Software sẽ sẵn sàng vào tháng 10/2017.

Châu An

Ý kiến

()