Chúng ta

Cổ phiếu FPT lên đỉnh trước thềm SCIC chào hàng

Thứ tư, 15/11/2017 | 15:21 GMT+7

Mã FPT có phiên tăng mạnh (tăng 2.000 đồng) và thiết lập đỉnh cao nhất từ đầu năm.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 15/11, VN-Index tăng 0,51 điểm (0,06%) lên 881,41 điểm. Toàn sàn có 128 mã tăng, 120 mã giảm và 88 mã đứng giá.

Cuối phiên sáng, thị trường giao dịch có phần bất ngờ. Các cổ phiếu nằm trong diện thoái vốn của SCIC (Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước) như FPT, BMP, NTP, DMC… đều đồng loạt tăng giá. Trong đó, FPT tăng 2.000 đồng (3,71%) lên 55.900 đồng/cổ phiếu.

2017-11-15-124454-5675-1510725462.jpg

Mã FPT đang có giá cao nhất trong vòng 1 năm! Nguồn: Stockbiz.

Chỉ trong phiên sáng, FPT đã có gần 3,6 triệu cổ phiếu sang tay. Hai phiên gần nhất, mã chứng khoán nhà F đều có hơn 4 triệu cổ phiếu được giao dịch, trị giá hơn 500 tỷ đồng.

Động thái mới của thị trường được cho là có tác động từ thông báo của SCIC về việc tổng công ty này sẽ phải thoái vốn tại 80 doanh nghiệp với nhiều thương hiệu lớn như Tập đoàn FPT, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, Bảo hiểm Bảo Minh… trong 2 tháng cuối năm nay.

Theo thông báo mới nhất, để đảm bảo việc thực hiện bán phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp một cách công khai, minh bạch, thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm, ngày 17/11, SCIC sẽ phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE), các doanh nghiệp liên quan và các đơn vị tư vấn tổ chức buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần của SCIC (roadshow) tại 4 doanh nghiệp nói trên.

Cụ thể, SCIC sẽ bán cổ phần tại FPT: 5,96%, Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP): 37,1%; Nhựa Bình Minh (BMP): 29,51%; Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC): 34,71%.

Tại buổi roadshow, SCIC sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan giới thiệu thông tin về doanh nghiệp, kế hoạch chào bán cổ phần, trao đổi các nội dung liên quan đến quy trình thực hiện và các quy định pháp luật Việt Nam.

Theo kế hoạch về lộ trình bán cổ phần, SCIC sẽ công bố thông tin về đợt chào bán cổ phần và tổ chức bán cạnh tranh trong tháng 12. Ngày 10/11 vừa qua, SCIC cũng đã bán thành công 48,3 triệu cổ phiếu của Sữa Việt Nam (VNM).

Hiện SCIC là cổ đông lớn thứ hai tại FPT sau Chủ tịch Trương Gia Bình (7,14%). SCIC cũng có một đại diện trong HĐQT FPT là ông Lê Song Lai, PTGĐ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước.

Năm 2016, doanh thu FPT đạt 40.545 tỷ đồng, tăng 1,4% so với năm 2015. Lợi nhuận hợp nhất đạt 3.014 tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm trước. Năm nay, FPT đặt kế hoạch doanh thu 46.619 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016 và lợi nhuận trước thuế đạt 3.408 tỷ đồng, tăng 13%.

Kết thúc 9 tháng, các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của FPT đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt. Doanh thu hợp nhất đạt 31.131 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.308 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, tương đương 99% kế hoạch lũy kế. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.955 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng lợi nhuận của FPT được đóng góp chủ yếu từ hai lĩnh vực cốt lõi là Công nghệ và Viễn thông, chiếm 73% tổng lợi nhuận toàn Tập đoàn. Thị trường nước ngoài của FPT ghi nhận doanh thu đạt 4.879 tỷ đồng, tăng 17%; Lợi nhuận trước thuế đạt 741 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 1/3 lợi nhuận toàn tập đoàn.

>> CEO FPT Japan: ‘Cơ hội FPT ở Nhật 50 năm mới có một lần’

Nguyên Văn

Ý kiến

()