Chúng ta

Chủ tịch FPT Software đề xuất Nhật Bản chọn FPT làm Digital Transformation

Thứ ba, 17/1/2017 | 12:10 GMT+7

Kinh nghiệm làm việc với các khách hàng đối tác là doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản trong 15 năm qua cùng với hàng nghìn người sử dụng thành thạo ngôn ngữ bản địa là những cơ sở để anh Hoàng Nam Tiến tin tưởng, FPT sẽ giúp Nhật Bản trở nên khác biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Trong buổi tọa đàm với các doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản diễn ra sáng nay (ngày 17/1), Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến đã có phần giới thiệu ngắn gọn về tập đoàn với phía Chính phủ nước bạn.

Theo anh Tiến, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 vào những năm 60 đã giúp làm nên một đất nước Nhật hùng mạnh. Ngày nay, sự ảnh hưởng lớn mạnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà điển hình là Digital Transformation (chuyển đổi số), IoT (Internet of Things), Cloud, Big Data..., Nhật Bản đang cần hàng trăm nghĩn kỹ sư CNTT và nước Nhật đang thiếu thốn nguồn lực này.

Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến đưa ra ba đề xuất tới phía Nhật Bản, trong đó anh kỳ vọng Nhật Bản sẽ chọn Việt Nam, FPT cho nền công nghiệp số.

Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến đưa ra ba đề xuất tới phía Nhật Bản, trong đó anh kỳ vọng Nhật Bản sẽ chọn Việt Nam, FPT cho nền công nghiệp số.

Hiện, phần lớn hệ thống IT của các doanh nghiệp Nhật Bản đang cần nâng cấp, xây mới, chuyển đổi để đáp ứng cạnh tranh trong làn sóng số. Với bối cảnh như vậy, anh Tiến đã đưa ra ba đề xuất, gồm: Các doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam, chọn FPT cho nền công nghiệp số (Digital Industry); Nhật Bản tạo điều kiện cho các chuyên gia, kỹ sư CNTT Việt Nam sang Nhật Bản làm việc dễ dàng hơn, đặc biệt là cấp visa làm việc ngắn hạn, dài hạn; và Chính phủ Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ đào tạo các kỹ sư CNTT cho Việt Nam như trước đây tại Đại học Bách Khoa, có mở rộng ra nhiều trường đại học khác cũng như tạo điều kiện thực tập tại các doanh nghiệp lớn của Nhật.

"Với 15 năm kinh nghiệm làm việc tại xứ sở anh đào, FPT có hàng nghìn người sử dụng thành thạo ngôn ngữ Nhật. Tập đoàn đang làm việc với các doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản, chúng tôi tin tưởng sẽ đạt yêu cầu và chất lượng Nhật", anh Tiến khẳng định.

Cùng với FPT, các doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản tiêu biểu cũng có phần trình bày giới thiệu ngắn gọn nhằm kêu gọi đầu tư, hợp tác song phương. 

Sau phiên tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, quan hệ giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp. Nhật Bản hiện là nước viện trợ ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) lớn nhất cho Việt Nam, là nước có FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) đứng thứ hai trong các quốc gia đầu tư vào Việt Nam, là quốc gia có lượng khách du lịch đứng thứ ba, là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, quan hệ giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, quan hệ giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp.

Kể từ cuộc gặp giữa hai Thủ tướng hồi tháng 5/2016, Việt Nam đã thu hút hơn 2 tỷ USD từ các doanh nghiệp Nhật Bản, nâng tổng số vốn đầu của Nhật vào trong nước đạt 42 tỷ USD. Nhật Bản đứng thứ hai trong hơn 110 nước đầu tư tại Việt Nam.

Gửi lời cảm ơn tới đóng góp của các doanh nghiệp Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, Nhật Bản sẽ là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, dựa trên các yếu tố: "Việt Nam có một nền kinh tế mở hội nhập sâu rộng. Luật pháp Việt Nam tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Việt Nam ổn định vĩ mô và chính trị xã hội. Chính phủ tích cực quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Năm nay, chúng tôi phấn đấu nhóm đầu ASEAN về môi trường đầu tư".

Những lĩnh vực mà Thủ tướng mong muốn đầu tư là các dự án gắn với tăng trưởng xanh, các dự án công nghiệp hóa, phát triển hạ tầng chất lượng cao, dự án PPP; các dịch vụ chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, du lịch; Nông nghiệp chất lượng cao; Công nghiệp chế tạo; tham gia cổ phẩn hóa doanh nghiệp nhà nước... "Các doanh nghiệp Việt Nam rất tin tưởng vào sự chân thành, chân thực của các doanh nghiệp Nhật Bản", ông Phúc nói. 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cảm kích trước sự đón tiếp của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam. Trong các cuộc tọa đàm, hai bên đã nhất trí mở rộng quan hệ thương mại và cải thiện môi trường đầu tư. "Hiện nay, ASEAN là trung tâm tăng trưởng của thế giới, và Việt Nam nằm ở trung tâm đó. Có hơn 1.600 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại đây. Tôi đánh giá cao sự đóng góp của các doanh nghiệp này vào quá trình phát triển của Việt Nam thông qua đầu tư, tạo việc làm và chuyển giao công nghệ", ông Abe chia sẻ. 

Trong hội nghị lần này, Thủ tướng Nhật Bản cũng hy vọng, Thủ tướng Việt Nam, đại diện chính phủ, các doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ và động viên, lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Trước đó, chiều tối ngày 16/1, TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc và Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến đã có dịp gặp gỡ Thủ tướng Abe tại buổi tiệc chào mừng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội.

Buổi diện kiến Thủ tướng Nhật Bản vào chiều tối ngày 16/1 đã giúp FPT có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với gần 30 doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản.

Buổi diện kiến Thủ tướng Nhật Bản vào chiều tối ngày 16/1 đã giúp FPT có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với gần 30 doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản. Ảnh: Việt Vương.

Đây là hoạt động của ông Abe theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào hai ngày 16-17/1.

Trong cuộc họp báo chung tại Hà Nội vào chiều ngày 16/1, ông Shinzo Abe khẳng định sẽ hỗ trợ mạnh mẽ giúp nâng cao năng lực trên biển của Việt Nam thông qua việc đóng mới các tàu tuần tra cho Việt Nam. Bên cạnh đó là khoản viện trợ ODA trị giá 10 tỷ yen (gần 2.000 tỷ đồng) cho những chương trình lớn của quốc gia.

Thủ tướng hai nước đã dự lễ ký kết nhiều văn kiện giữa hai bên như: Công hàm trao đổi Chương trình ứng phó với biển đổi khí hậu chu kỳ 7, Hiệp định vay Dự án Quản lý kinh tế và Nâng cao năng lực cạnh tranh (EMCC), Hợp đồng đầu tư Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2.

FPT Japan thành lập ngày 13/11/2005 và là công ty CNTT 100% vốn Việt Nam đầu tiên được mở tại Nhật Bản. Sau hơn 11 năm phát triển, FPT Nhật Bản đã trở thành doanh nghiệp CNTT Việt Nam lớn nhất tại Nhật Bản, đồng thời tiệm cận Top 50 công ty cung cấp dịch vụ CNTT lớn nhất tại Nhật Bản, bao gồm các công ty tên tuổi như Fujitsoft, DTS, Systena... FPT Nhật Bản tạo công ăn việc làm cho 6.000 người Việt Nam và Nhật Bản, trong đó có 840 người đang làm việc trực tiếp tại Nhật Bản, hơn 1.500 người có trình độ Nhật Ngữ N1 và 2.

Hiện FPT Japan cung cấp dịch vụ cho gần 300 khách hàng, trong đó có 30 khách được xếp hạng trong Fortune Global 500. FPT đã và đang được các khách hàng Nhật Bản đánh giá cao về năng lực: Được Hitachi trao giải “Best Development Project Award” (Dự án phát triển tốt nhất) và “Platine partner” trong lĩnh vực tài chính; được Fujitsu Software công nhận là “Good Design Award”… 

Năm 2017, FPT Japan đặt mục tiêu đứng trong danh sách 50 công ty dịch vụ CNTT lớn tại Nhật Bản. Đồng thời dự kiến đóng góp 50% trong mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài vào năm 2020 của FPT. 

Thanh Nga

Ý kiến

()