Chúng ta

‘Cần đánh giá thực chất tình trạng các doanh nghiệp tham gia thị trường vốn’

Thứ ba, 21/8/2018 | 19:11 GMT+7

Sáng nay (ngày 21/8), tại diễn đàn kinh tế Việt Nam chuyên đề “Thị trường vốn và Tài chính”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Các diễn giả cần đánh giá 'sức khỏe' thực chất các chủ thể tham gia thị trường vốn - tài chính bởi đây là điều đang khiến Chính phủ băn khoăn”.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 chuyên đề thị trường vốn - tài chính diễn ra lúc 8h sáng (ngày 21/8) tại khách sạn Marriott, Hà Nội, do Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân phối hợp với Báo Vnexpress tổ chức. Sự kiện thu hút sự quan tâm của các chuyên gia tài chính trong nước và quốc tế cùng sự có mặt của 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực liên quan. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tham gia chủ trì và điều phối diễn đàn.

Với mục tiêu đi sâu thảo luận, đánh giá các vấn đề tồn tại của thị trường vốn, tài chính, diễn đàn có 2 phiên bàn tròn về các chủ đề chính: “Tái cấu trúc thị trường vốn và tài chính Việt Nam - Từ thực tiễn tới chính sách”; “Giải pháp mở rộng thị trường vốn dài hạn cho Việt Nam”. Những giải pháp được đề xuất, đồng thuận tại diễn đàn sẽ được tổng hợp, báo cáo, trình lên Thủ tướng Chính phủ tại diễn đàn kinh tế Việt Nam phiên toàn thể diễn ra vào tháng 12 tới.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tới thời điểm hiện tại, quy mô hệ thống tài chính Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn so với các nước trong khu vực; đặc biệt là khả năng cung ứng vốn còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò là kênh dẫn vốn của nền kinh tế, tỷ lệ vốn hóa từ các thị trường như bất động sản, chứng khoán… còn hạn chế. Cấu trúc thị trường trái phiếu mất cân bằng.

2-1448-1534818450-600x0-9880-1534847577.

Diễn đàn Kinh tế thu hút hàng trăm doanh nghiệp quan tâm về thị trường vốn, tài chính tham dự.

Bên cạnh đó, tỷ trọng nguồn vốn ngắn hạn cao trong khi tỷ trọng nguồn vốn trung và dài hạn thấp khiến nền kinh tế không đủ nguồn lực bảo đảm phát triển bền vững. Thị trường vốn vẫn phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng ngân hàng, thị trường tín dụng phát triển thiếu tính ổn định. Hệ thống luân chuyển dòng vốn cũng chưa hiệu quả, thể hiện qua sự bất hợp lý trong việc phân bổ nguồn lực giữa các ngành kinh tế.

Theo Phó Thủ tướng, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cơ cấu tài chính nội địa còn nhiều hạn chế là do khung pháp lý vẫn còn nhiều bất cập và có độ trễ so với xu hướng cũng như tốc độ tăng trưởng của thị trường tài chính. Đây là vấn đề cần trao đổi, thảo luận để tìm kiếm giải pháp căn cơ, thấu đáo.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các diễn giả đánh giá thực trạng phát triển thị trường vốn hiện nay và điểm yếu là gì? Hiện có sự mất cân đối giữa thị trường tín dụng và thị trường vốn. Trong hoạt động tín dụng lại có sự mất cân đối. Nhiều ngân hàng thương mại hoạt động dựa trên nền tảng tín dụng, các dịch vụ gia tăng khác còn thấp. “Gánh nặng huy động vốn nền kinh tế, phải chăng ngân hàng đang gánh quá sức?”, ông Huệ nói.

9-3443-1534817275-600x0-8727-1534847577.

Phó Thủ tướng Vương Đình Nghệ tham gia chủ trì và điều phối thảo luận. 

Liên quan đến vấn đề trên, ông Fiachra MacCanna, Giám đốc điều hành, Giám đốc bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC), vốn dài hạn là một trong những giải pháp cho các ngân hàng cần nâng vốn, đồng thời giúp ngân hàng thương mại cung cấp các gói vay thế chấp kỳ dài hạn hơn. Việc thiếu vốn dài hạn trong nước là thách thức với tiến trình thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước, thể hiện qua việc phần lớn bán vốn tại các doanh nghiệp như Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) phụ thuộc vào nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó, ông Don Lam, Phó trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng cho rằng, một trong các vấn đề thị trường vốn cần lưu tâm là huy động vốn nội địa, sử dụng hiệu quả cho những dự án đầu tư. Để làm được điều này cần nỗ lực của các doanh nghiệp và Nhà nước.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà Nhà nước, cho biết: chiến lược của thị trường vốn tài chính Việt Nam là hướng đến sự cân bằng giữa thị trường ngân hàng, thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu. "Hiện Việt Nam có thị trường trái phiếu Chính phủ rất phát triển và tiến tới đẩy mạnh hơn thị trường trái phiếu doanh nghiệp", ông Dũng nói.

Về giải pháp mở rộng thị trường vốn dài hạn cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, theo ông Ketut Kusuma, chuyên gia cao cấp về thị trường vốn Ngân hàng Thế giới, là tăng cường tính minh bạch của dữ liệu, thông tin, hiện đại hóa khung pháp lý và cơ sở hạ tầng thị trường, nâng cao năng lực giám sát. Với thị trường chứng khoán, cần lồng ghép chiến lược cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vào phát triển thị trường, hướng tới tham gia vào các chỉ số của thị trường mới nổi nhằm minh bạch hóa hơn thông tin về phân khúc và hợp nhất thị trường. Với thị trường trái phiếu chính phủ thì cần tiếp tục công cuộc cải cách, hướng tới tham gia vào các chỉ số của thị trường mới nổi toàn cầu.

Về cơ sở nhà đầu tư trong nước, theo ông Ketut Kusuma cần thúc đẩy hệ thống hưu trí tư nhân, mở rộng phạm vi đầu tư quỹ hưu trí nhà nước (Quỹ Bảo hiểm xã hội), phát triển các quỹ tương hỗ.

Trước đó, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam cùng Báo điện tử Vnexpress cũng phối hợp tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế Việt Nam chuyên đề Nông nghiệp (ngày 5/6) thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham dự. Giữa tháng 10, hai đơn vị trên sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh tế về chuyên đề Du lịch.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - ViEF 2018 (Vietnam Economic Forum) là Diễn đàn kinh tế có quy mô quốc gia, quốc tế để thảo luận các vấn đề then chốt, chiến lược về kinh tế vĩ mô của Việt Nam đặt trong bối cảnh khu vực và thế giới, đồng thời duy trì thường xuyên, liên tục các hoạt động đối thoại chính sách công - tư giữa Chính phủ và khu vực tư nhân cùng các bên liên quan.

Các hoạt động thuộc khuôn khổ ViEF là tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp về các khó khăn, vướng mắc, rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đối thoại công tư giữa Chính phủ và khu vực tư nhân; bàn tròn thảo luận cấp quốc gia, quốc tế về xu hướng kinh tế mới và chiến lược kinh tế với Việt Nam và khu vực.

ViEF 2018 bao gồm chuỗi các Diễn đàn chuyên đề, bắt đầu từ tháng 6 đến hết tháng 10/2018, và Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - phiên toàn thể - diễn ra đầu tháng 12/2018.

ViEF được tổ chức bởi Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cùng sự phối hợp thực hiện của báo điện tử VnExpress.

Hà Trần

Ý kiến

()