Chúng ta

‘Phải thay đổi hình ảnh công nghệ của FPT’

Thứ năm, 24/5/2012 | 11:31 GMT+7

Dễ tạo ấn tượng cho người đối diện bởi sự thân thiện với nụ cười thường trực trên môi, CTO đầu tiên của tập đoàn Nguyễn Lâm Phương chia sẻ với Chúng ta về kế hoạch của anh khi nhận nhiệm vụ mới.

-Cảm xúc của anh thế nào khi được bổ nhiệm làm CTO đầu tiên của Tập đoàn FPT?

-Tôi thấy trách nhiệm đè nặng lên vai! (Cười)

- Công việc của anh ở cương vị mới là gì?

-Tôi chịu trách nhiệm tập hợp lực lượng công nghệ trong tập đoàn, đề xuất và thực hiện chiến lược công nghệ phục vụ cho chiến lược kinh doanh chung của FPT.

CTO đầu tiên của FPT anh Nguyễn Lâm Phương. Ảnh: Minh Trung.

CTO đầu tiên của FPT anh Nguyễn Lâm Phương. Ảnh: Minh Trung.

 -Là CTO đầu tiên của FPT, trong bối cảnh tập đoàn đang hướng tới mục tiêu lấy Công nghệ là then chốt, anh thấy mình có những thuận lợi và thách thức nào khi đảm nhận vị trí này?

-Theo tôi, thách thức đến từ việc đây là công việc hoàn toàn mới ở FPT, chưa có tiền lệ để mình rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, đó cũng là thuận lợi vì tôi có điều kiện xác lập không gian vận hành công việc.

-Hiện nay, trên các diễn đàn, khi nhắc đến FPT, người ta nghĩ đến là công ty phân phối chứ không phải công ty công nghệ. Anh bình luận ra sao về việc này?

-Một trong các nhiệm vụ của chiến lược công nghệ là phải thay đổi hình ảnh đó thông qua các chương trình, sản phẩm cụ thể.

-Là chuyên gia công nghệ có tiếng ở FPT trong hơn 20 năm qua, theo anh, FPT có những sản phẩm công nghệ nào là điểm nhấn?

-FPT đã và đang có nhiều sản phẩm công nghệ tiêu biểu, nhưng thường là đặc trưng cho hoạt động của một công ty thành viên cụ thể. Chúng ta chưa có sản phẩm, dịch vụ nào là đại diện như một tích hợp sức mạnh của cả tập đoàn.

-Vậy chiến lược phát triển công nghệ của FPT trong 5 năm tới là gì, thưa anh?

-Trước hết, chiến lược phát triển công nghệ cần bám sát các chương trình kinh doanh chính của FPT. Tiếp theo đó, sẽ xây dựng năng lực và phát triển đội ngũ cán bộ công nghệ thông qua ranking (cấp bậc), đào tạo và thực hiện các dự án tiêu biểu.

-Với tư cách là CTO của tập đoàn, cá nhân anh sẽ làm gì để phát triển công nghệ tại FPT?

-Điều này trong mô tả công việc của CTO đã ghi rất cụ thể rồi! (Cười)

Tân CTO là người thích đọc sách khi rảnh rỗi và hay chia sẻ quan điểm với mọi người. Ảnh: FPT Software.

Tân CTO là người thích đọc sách khi rảnh rỗi và hay chia sẻ quan điểm với mọi người. Ảnh: FPT Software.

-Hiện nay, mỗi công ty thành viên đều có sản phẩm công nghệ mang thương hiệu của riêng mình. Vậy đâu sẽ là sản phẩm “đinh” của FPT trong thời gian tới?

-Hiện tại, Hội đồng công nghệ đang cân nhắc các phương án khả thi để chọn ra sản phẩm, mà khi nhắc tới người ta sẽ nghĩ đó là FPT.

-Các tập đoàn lớn trong nước có xu hướng đầu tư mạnh cho việc nghiên cứu và phát triển (R&D), trong khi FPT mới chi ở mức 5% lợi nhuận trước thuế của năm liền trước cho R&D. Anh đánh giá thế nào về mức đầu tư này?

-Việc ban hành chính sách quy định mức đầu tư cho R&D là một tiến bộ lớn so với các năm trước. Mức đầu tư như thế nào còn phụ thuộc vào mô hình kinh doanh chung của tập đoàn. 5% lợi nhuận trước thuế tương đương với khoảng 0,5% doanh số. Khoản này sẽ đủ cho việc bắt đầu các hoạt động R&D trong năm 2012, nhưng để thúc đẩy phát triển sản phẩm sâu hơn nhằm tạo ra khác biệt thực sự, theo tôi, chắc chắn tập đoàn cần đầu tư thêm. Các công ty công nghệ cao thường có mức đầu tư cho R&D vào khoảng 3-8% doanh số.

-Xin anh cho biết đến nay, ở FPT có bao nhiêu dự án R&D và bao nhiêu người làm về công nghệ?

-Hiện tại chưa có số thống kê cụ thể, nhưng tôi dự đoán khoảng 3-4% số nhân sự FPT đang tham gia các dự án tạo ra sản phẩm công nghệ.

-Anh có đề xuất gì trong việc xây dựng chính sách đãi ngộ cho những người làm công nghệ ở FPT?

-Đây là một trong các công việc của Hội đồng công nghệ sẽ thực hiện.

-Hiện tại, anh vừa là Phó TGĐ FPT Software kiêm Trưởng Ban Giải pháp và Công nghệ FPT Software (FSB), giờ lại đảm nhiệm thêm vị trí CTO của Tập đoàn FPT. Vậy anh phân chia quỹ thời gian làm việc hằng ngày của mình ra sao?

-Tôi sẽ bàn giao dần công việc tại FPT Software để có thể tập trung vào công việc mới.

-Một cách ngắn gọn, anh tự đánh giá về bản thân thế nào?

-Cái này để mọi người đánh giá thôi! (Cười)

-Những lúc rảnh rỗi, anh thường làm gì?

-Tôi thích đọc sách và chia sẻ quan điểm với mọi người.

Ngày 22/5, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình đã ký quyết định bổ nhiệm anh Nguyễn Lâm Phương vào vị trí Giám đốc Công nghệ (CTO) của FPT, trong thời hạn 3 năm. CTO đầu tiên của tập đoàn sẽ chính thức đảm nhận vị trí mới từ ngày 1/6.

Anh Nguyễn Lâm Phương sinh năm 1967, tốt nghiệp Đại học Năng lượng Moscow (Nga), sau đó lấy bằng Executive MBA của Đại học Hawaii (Mỹ).

Trước khi được bổ nhiệm CTO, anh Phương là Phó TGĐ Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software), kiêm nhiệm Trưởng Ban Giải pháp và Công nghệ FPT Software (FSB).

Trong suốt thời gian vào FPT từ năm 1991 đến nay, anh Phương đã đảm nhận nhiều vị trí quan trọng như Phó TGĐ FPT Software phụ trách công nghệ; Giám đốc của Công ty TNHH Phần mềm FPT toàn cầu, Phó TGĐ Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS), kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại toàn cầu thuộc FPT IS HCM.

Anh Phương từng được trao tặng nhiều giải thưởng của tập đoàn về thành tích trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2010, anh đã có đóng góp trong việc thúc đẩy FPT Software kết hợp với FPT IS toàn cầu hóa tại các nước Nhật Bản, Mỹ, Singapore.

Lâm Thao thực hiện

Ý kiến

()