Chúng ta

OneFPT qua năm 'bản lề'

Thứ ba, 17/1/2012 | 09:00 GMT+7

Việc thực thi chiến lược OneFPT trong năm 2011 đã có những điểm nhấn quan trọng. Synergy (hợp lực) bắt đầu có những tín hiệu vui, sản phẩm "made by FPT" tung ra đã được thị trường đón nhận.

Mục tiêu của chiến lược dài hơi đến năm 2024 của FPT là lọt vào Top 500 Forbes Global 2000. Để đạt được mục tiêu này, ngay trong năm bản lề 2011, FPT đã quyết định thay đổi Ban điều hành. Tháng 3, anh Trương Đình Anh được bổ nhiệm làm TGĐ tập đoàn, với mong muốn vị thuyền trưởng mới sẽ mau chóng đưa con tàu FPT tăng tốc.

TGĐ Trương Đình Anh khẳng định, mục tiêu OneFPT phải được đưa lên hàng đầu trong việc kết nối 12.000 người, cùng chiếm lĩnh đỉnh cao mới trong những thế mạnh mũi nhọn của tập đoàn là Công nghệ - Thông tin - Viễn thông.

7.000 cán bộ FPT đã được đào tạo về OneFPT. Ảnh: C.T.

7.000 cán bộ FPT đã được đào tạo về OneFPT. Ảnh: C.T.

Ban điều hành mới đã có những hành động quyết liệt nhằm đẩy mạnh chiến lược OneFPT, hướng tới trở thành tập đoàn toàn cầu hàng đầu Việt Nam, gồm 1 mục tiêu, 3 định hướng và 10 chương trình hành động.

Những việc đã thực hiện trong năm 2011:

Hội đồng Chiến lược hoạt động theo đúng chức năng và quy trình. Phòng Chiến lược chuyên trách hỗ trợ Chủ tịch và Hội đồng Chiến lược, nghiên cứu, giám sát, hỗ trợ mọi hoạt động chiến lược OneFPT của từng công ty thành viên.

Đồng loạt triển khai cácchương trình chiến lược ở 3 cấp: Cấp tập đoàn, Chiến lược cấp các công ty thành viên và chiến lược cấp các Ban chức năng.

Năm 2011, FPT quyết định tái cấu trúc tập đoàn bằng công nghệ. Tập đoàn sẽ dành 5% lợi nhuận của năm liền trước cho nghiên cứu, phát triển. FPT cũng thành lập Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ, cung cấp các dịch vụ giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội.

Bên cạnh đó, FPT đã ban hành một loạt văn bản làm cơ sở để triển khai OneFPT, như chính sách thưởng tăng trưởng, chính sách thưởng cho các hướng doanh thu mới… nhằm tạo động lực cho các đơn vị.

Với chủ trương hợp lực để tạo nên sức mạnh, FPT đã chuyển mô hình hoạt động của ba công ty thành viên là FPT IS, FPT Software và FPT Trading từ cổ phần thành công ty TNHH, đồng thời tập trung hóa Truyền thông, “One e-mail”, tập trung hóa dòng tiền và nâng cấp toàn diện hệ thống quản trị ERP… trong toàn tập đoàn.

Để việc synergy được tốt hơn, FPT cũng đã chỉ đạo, đưa ra chính sách về lương thưởng khi hợp tác nội bộ, nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự liên minh trong các công ty thành viên.

Hội nghị Chiến lược FPT 2011 bàn về vấn đề synergy. Ảnh: C.T.

Hội nghị Chiến lược FPT 2011 bàn về vấn đề synergy. Ảnh: C.T.

Tháng 10/2011, câu chuyện hợp lực là chủ đề nóng của Hội nghị Chiến lược FPT, khi báo cáo của Phó TGĐ FPT Chu Thanh Hà cho biết “synergy” vẫn giậm chân tại chỗ.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2011, việc phối hợp giữa các đơn vị của FPT có nhiều tín hiệu lạc quan. Tháng 12, FPT IS và FPT Telecom đã hợp tác thành công khi đấu thầu hợp đồng cung cấp đường truyền cho Ngân hàng Techcombank. Trước đó, hai đơn vị này cũng phối hợp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây công cộng cho khách hàng sử dụng đường truyền của FPT Telecom.

Việc bán chéo sản phẩm và hỗ trợ lẫn nhau cũng được thể hiện trong việc kinh doanh giữa FPT Shop với FPT Telecom, FPT Telecom với TiênPhong Bank…

Chiến lược OneFPT ra đời sau Hội nghị Chiến lược FPT 2010. OneFPT là “name code” của chiến lược FPT hướng tới tập đoàn toàn cầu hàng đầu Việt Nam.

*Lộ trình mục tiêu OneFPT:

- Giai đoạn 1: Vị thế (2011-2014) - Xác lập vị trí trọng yếu trong phát triển hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam.

- Giai đoạn 2: Dẫn đầu (2015-2019) - Vươn lên vị trí hàng đầu doanh nghiệp Việt Nam (kể cả doanh nghiệp quốc doanh).

- Giai đoạn 3: Toàn cầu (2019-2024) - Đứng vào Top 500 trong Forbes Global 2.000.

Không dừng ở việc hợp lực “nhỏ lẻ”, FPT đã synergy toàn tập đoàn khi triển khai dự án tại Nigeria, mở rộng toàn cầu hóa sang châu Phi.

Giám đốc Chiến lược FPT Nguyễn Hữu Thái Hòa nhận định: “Sẽ rất khó nếu từng công ty thành viên đầu tư manh mún, trong khi hợp lực toàn tập đoàn cho những dự án ở một miền đất mới cần tất cả sự hỗ trợ tổng thể về chính trị, xã hội, tài chính, con người,… và quan trọng nhất là lòng quyết tâm, tình đồng đội. Càng nhiều dự án lớn như thế, người FPT sẽ càng synergy tốt hơn”.

Năm qua, sản phẩm “made by FPT” - một trong 10 cánh hoa của FPT - đã thu được một số thành công. Quý IV/2011, FPT gia nhập thị trường máy tính bảng bằng việc ra mắt “quân bài” chiến lược - FPT Tablet.

FPT Tablet có mức giá dưới 5 triệu đồng với các chức năng tương tự như một điện thoại di động thông thường. Ngoài ra, FPT Tablet còn được tích hợp kho ứng dụng miễn phí Việt F-Store, cho phép xem và tải hàng nghìn bản nhạc, các trò chơi và được cập nhật thường xuyên.

1.000 chiếc FPT Tablet đã được tiêu thụ hết chỉ sau hai tuần trình làng. Tháng 12, phiên bản nâng cấp FPT Tablet II đã được ra mắt, có tốc độ xử lý nhanh hơn 33% với giá bán giữ nguyên.

FPT Tablet là sản phẩm đầu tiên hướng tới phân khúc “high-end” của thương hiệu FPT. Sự thành công ban đầu của FPT Tablet giúp tập đoàn tự tin hơn khi tung thêm nhiều sản phẩm trong thời gian tới.

Năm 2011, FPT không chỉ khẳng định được vài trò dẫn đầu tại Vinasa, Asocio mà đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam khi được Diễn đàn kinh tế thế giới công nhận là thành viên sáng lập của tổ chức này.

Những kết quả đó sẽ là tiền đề tốt để FPT bước vào năm hành động OneFPT, để chinh phục mục tiêu lọt vào Top 500 Forbes Global 2000.n

Khải Minh

Ý kiến

()