Chúng ta

'BrSE là khóa học ưu việt nhất cho người muốn làm ở Nhật'

Thứ năm, 2/4/2015 | 10:41 GMT+7

Trong lúc đang loay hoay cân nhắc lựa chọn giữa việc nghỉ làm để luyện tiếng Nhật hay vay tiền sang xứ mặt trời mọc để trải nghiệm, anhNguyễn Đức Cang "như vớt được cọc" khi biết chương trình 10.000 BrSE của FPT Software. Và ngày 2/4, anh đã có mặt tại Tokyo để ngắm hoa anh đào.

Chia sẻ của anh Nguyễn Đức Cang, học viên sẽ tham gia du học tại Nhật Bản để trở thành kỹ sư cầu nối tương lai, đã tiếp thêm sức mạnh, quyết tâm cho các sinh viên tham gia talk show “Go Japan - Khởi nghiệp kỹ sư cầu nối” được FPT Software tổ chức tại ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM ngày 29/3.

Vào làm ở FPT Software được 6 tháng, anh nhận ra ở Việt Nam số lượng lập trình viên giỏi cả tiếng Anh và tiếng Nhật rất ít. “Tôi tìm trên mạng và thấy Việt Nam đang cần rất nhiều kỹ sư cầu nối tiếng Nhật. Cạnh đó, mức lương cho vị trí này cũng khá hấp dẫn”, anh Cang kể về duyên cớ đưa anh đến với chương trình du học kỹ sư cầu nối tại Nhật Bản. Anh cho biết, trong thời gian đó có hai sự lựa chọn: Hoặc ở nhà luyện tiếng Nhật một năm, hoặc qua Nhật để trải nghiệm.

Ở lựa chọn đầu tiên, anh nghĩ rằng mình sẽ quên lãng kiến thức công nghệ khi chỉ chăm chăm luyện tiếng Nhật. “Còn ở lựa chọn sau, vấn đề tài chính chưa cho phép. Trong lúc đang loay hoay chưa biết đi hướng nào thì chương trình 10.000 BrSE của FPT Software đã giải quyết được bài toán khó của mình”. Anh Cang là một trong 43 người sang Nhật trong ngày 1/4.

3-JPG.jpg

Hơn 120 sinh viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM đã tham gia Career Talk “Go Japan - Khởi nghiệp kỹ sư cầu nối”.

“Go Japan - Khởi nghiệp kỹ sư cầu nối” là talk show nằm chuỗi Career Talk do FPT Software tổ chức. Chương trình có sự tham gia của chị Nguyễn Thị Mai Anh, Chủ nhiệm chương trình BrSE FPT Software; chị Đặng Trần Khánh Chi, phụ trách Tuyển sinh; anh Nguyễn Hữu Xuân, quản trị dự án FPT Software HCM và anh Nguyễn Đức Cang, học viên BrSE du học Nhật Bản khóa tháng 4. 

“Thị trường Nhật Bản luôn chiếm trên 50% doanh thu của FPT Software. Chúng tôi muốn là cầu nối đưa sinh viên Việt Nam sang Nhật học BrSE, để các bạn tiếp tục là chiếc cầu nối giữa Việt Nam và Nhật Bản, giữa khách hàng và FPT Software”, chị Mai Anh chia sẻ về mục đích của chương trình. Theo đó, tham gia khóa học, học viên sẽ được hỗ trợ vay vốn ngân hàng với mức ưu đãi, được tham gia khóa học tiếng Nhật tại viện Ngôn ngữ Meros, một trong những trường đào tạo tiếng Nhật uy tín hàng đầu Nhật Bản, và được hỗ trợ công việc bán thời gian trong quá trình học tập tại đất nước hoa anh đào.

Điều kiện tham gia chương trình là sinh viên đã hoặc sẽ tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính hoặc điện tử viễn thông. Sinh viên cần có khả năng học ngoại ngữ tốt, có khả năng lập trình và tư duy logic tốt. Các ứng viên muốn tham gia chương trình đăng ký qua e-mail 10kbrse@fsoft.com.vn. Sau khi qua chọn lọc hồ sơ, ứng viên phù hợp sẽ tham gia thi tuyển và phỏng vấn. Khi đạt yêu cầu, ứng viên được gửi sang Nhật để du học BrSE.

2-JPG.jpg

Các khách mời tham gia chương trình.

“FPT Software lo từ A đến Z khiến tôi đặt niềm tin vào chương trình. 10.000 BrSE là khóa học ưu việt nhất, tạo điều kiện cho những ai luôn cố gắng và quyết tâm”, anh Cang cho biết. Tự nhận là người cần cù, siêng năng và chăm chỉ, anh bảo mình tự tin cho chuyến đi sắp tới vì bản thân rất thích nước Nhật, có thể “nhập gia tùy tục” nhanh.

Khác biệt văn hóa được các bạn sinh viên đặt khá nhiều câu hỏi. Chị Mai Anh, người từng có thời gian 4 năm du học tại Nhật, cho biết, người Nhật và người Việt cơ bản là người châu Á nên có phần giống nhau. Thông qua những từ ngữ, cách dạy, cách chào hỏi của các giáo viên bản xứ, chị Mai Anh đã không gặp trở ngại gì với vấn đề “sốc văn hóa”. Ngược lại, chị nhấn mạnh, người Nhật dễ hòa đồng. “Đừng nghĩ đó là cơ hội để kiếm tiền. Hãy xem đây là những trải nghiệm về chuyên môn, công việc, văn hóa và con người Nhật Bản”, anh Nguyễn Hữu Xuân, người cũng từng có thời gian du học tại Nhật, trải lòng. Anh Xuân tiết lộ, trước đây anh cũng sang Nhật vừa học vừa làm.

Là người đã qua chặng đường dùi mài kinh sử để trở thành BrSE, anh Xuân cho rằng học tiếng Nhật đạt trình độ N2 trong một năm là một thử thách.“Quyết tâm rất quan trọng. Học ngoại ngữ không phải là học toán, giải được là được, không được thì thôi. Ngoại ngữ phải kiên trì và bền bỉ. Đầu tiên phải chiến thắng bản thân”, anh Xuân đúc rút. “Tôi cũng thế, học không được phải tự úp mặt vào tường”.

Trước đây, anh Xuân đi học tiếng Nhật là sự ngẫu nhiên. Nhưng hôm nay, “so sánh với các bạn của mình sau 5 năm, tôi thấy mình có lợi thế cạnh tranh hơn. Bạn tôi chỉ làm được cho thị trường Âu Mỹ, còn tôi có thể làm cho cả Âu Mỹ và Nhật với lợi thế hai ngoại ngữ”, anh Xuân nói về ưu thế của kỹ sư cầu nối.  

11-JPG.jpg

Những câu hỏi, thắc mắc của sinh viên được đặt ra và giải đáp ngay tại chương trình.

Chương trình và môi trường mới mẻ khiến các sinh viên rất hăng hái đặt câu hỏi giao lưu với khách mời. “Ở Mỹ hay châu Âu có cần BrSE không? Em có khả năng học ngoại ngữ tốt, em muốn học nhiều ngôn ngữ và làm việc tại nhiều nước khác nhau”, một câu hỏi được đặt ra. Theo chị Khánh Chi, khái niệm “kỹ sư cầu nối” là đặc trưng cho thị trường Nhật. Người Nhật có nền tảng công nghệ tự lực nên họ tự dùng ngôn ngữ của mình cho các tài liệu chuyên môn. Vì vậy, thị trường Nhật cần ứng viên biết tiếng Nhật. Bên cạnh đó, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ gần như phổ biến, trong khi tiếng Nhật chưa có nhiều người giỏi.

Chuyên gia tuyển dụng của FPT Software tư vấn: “Có rất nhiều người bị căng thẳng và thất bại vì muốn quá nhiều. Bạn cần khoanh vùng những thứ mình muốn. Phải biết định hướng và biết mình cần gì. Tất cả để phục vụ một mục tiêu, một cái bạn “muốn” nhất”, cả khán phòng vỗ tay tán thưởng câu trả lời của chị Khánh Chi.

Trước khi kết thúc chương trình, đại diện FPT Software nhấn mạnh mục tiêu lớn nhất của FPT Software là “Góp tên CNTT Việt Nam trên bản đồ thế giới”. Có 15% người dự giơ tay khi chị Khánh Chi hỏi bạn nào muốn tham gia chương trình. Đó là những ứng viên tiềm năng trong kế hoạch đào tạo 10.000 kỹ sư cầu nối trong chương trình dài hơi mà FPT đề ra.

"Go Japan - Đào tạo 10K BrSE" của FPT Software là hoạt động nhằm khởi động cho chương trình "Du học Nhật Bản cùng FPT Software" trong thời gian từ 6 tháng đến một năm nhằm chuẩn bị nguồn lực kỹ sư cầu nối cho đơn vị nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây là chương trình nằm trong dự án đào tạo 10.000 BrSE được FPT Software triển khai trong vòng 5 năm (2014-2018). Trong đó, 5.000 kỹ sư sẽ được đào tạo tại Việt Nam, số còn lại đào tạo tại Nhật Bản.

Trong năm 2015, FPT Software sẽ triển khai 3 đợt chiêu sinh cho chương trình "Du học Nhật Bản cùng FPT Software" vào tháng 4, 7 và 10. Trong đợt 1, chương trình chọn được 43/450 hồ sơ đăng ký tham gia. Kết thúc đợt 2, đã có 131/1272 hồ sơ được chọn. Hạn đăng ký cuối cùng cho đợt 3 là ngày 30/4 tới.

Chương trình đào tạo 10.000 BrSE được FPT Software công bố tại Nhật Bản vào tháng 11/2014. Mục tiêu nhằm giúp FPT nói riêng và các công ty CNTT của Việt Nam nói chung có đủ khả năng tiếp nhận lượng công việc ủy thác dịch vụ CNTT (IT Outsourcing) từ Nhật Bản, đồng thời giúp các công ty Nhật Bản có thêm nguồn kỹ sư CNTT trẻ.

Yến Nhi

Ảnh: Lý Cường

Ý kiến

()