Chúng ta

Tại sao quỹ đầu tư của Mỹ chi 4 triệu USD mua cổ phiếu của FPT

Thứ năm, 28/5/2015 | 07:57 GMT+7

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết đã thực hiện chuyển quyền sở hữu 1,8 triệu cổ phiếu FPT từ 4 nhà đầu tư ngoại sang một nhà đầu tư ngoại khác.

Cụ thể, 4 nhà đầu tư của FPT là Vietnam Enterprise Investment Ltd chuyển nhượng 800.000 cổ phiếu; Amersham Industries Limited bán 550.000 cổ phiếu; Norges Bank bán 350.000 cổ phiếu và DC Developing Markets Strategies Public Limited Company bán 100.000 cổ phiếu.

DSC-1616-JPG_1432703899.jpg

Lâu nay, cổ phiếu FPT luôn trong trạng thái đầy room ngoại. Các nhà đầu tư nước ngoài như Kuroto Fund muốn mua cổ phiếu FPT chỉ có cách thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân trong khối ngoại khác.

Bên nhận chuyển quyền sở hữu là Kuroto Fund, L.P có trụ sở tại Mỹ. Hình thức của quỹ là quỹ tương hỗ - một hình thức đầu tư tập thể được quản lý chuyên nghiệp. Ngày hiệu lực chuyển quyền sở hữu là 11/5.

Nếu tính theo mức thị giá FPT đang giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM hiện tại khoảng 49.000 đồng/cổ phiếu thì Kuroto Fund chi hơn 88 tỷ đồng (khoảng 4 triệu USD) để sở hữu lượng cổ phiếu nói trên.

Tiếp tục phát hành 51 triệu cổ phiếu

Trong thông báo mới nhất của tập đoàn FPT, tổng số cổ phiếu phát hành là 51.842.031 cổ phiếu. Số cổ phiếu phát hành thêm để thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ được niêm yết ngay sau khi phát hành.

Đây chính là phần cổ tức FPT muốn chia thêm cho cổ đông năm 2014 với tỷ lệ 15%, sau khi thống nhất việc trả cổ tức 20% bằng tiền mặt. Theo đó, cứ 20 cổ phần hiện hữu, cổ đông được chia thêm 3 cổ phần mới. Số cổ phiếu mới được chia được làm tròn xuống đến hàng đơn vị, phần lẻ thập phân phát sinh (nếu có) sẽ bị hủy bỏ. Ngày chốt danh sách cổ đông là 1/6.

Cuối tháng 4, FPT cũng đã phát hành hơn 1,7 triệu cổ phiếu ESOP cho CBNV có thành tích đóng góp trong 2014. Tổng số cổ phần hiện tại của FPT là 345,7 triệu cổ phần. Ngoài ra, tập đoàn cũng mới quyết định tăng vốn điều lệ lên 3.457 tỷ đồng.

Tăng lãi, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo nước ngoài

Theo thông báo của doanh nghiệp này, doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn trong 3 tháng đầu năm đạt 9.564 tỷ đồng, tương đương tăng 30% so với cùng kỳ 2014, đạt 107% kế hoạch quý.

So với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 645 tỷ đồng, tăng 11%, đạt 108% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 425 tỷ đồng, tăng 17%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 1.235 đồng, tăng tương ứng 17%.

Vẫn theo báo cáo trên, 3 hướng chủ lực tăng trưởng của FPT là công nghệ, phân phối và bán lẻ. Trong đó, tại quý I, khối công nghệ ghi nhận doanh thu 1.468 tỷ đồng, tăng 37% và lợi nhuận trước thuế đạt 158 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Khối phân phối - bán lẻ có doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng lần lượt 35% và 60%, đạt tương ứng 6.720 tỷ đồng và 208 tỷ đồng trong quý 1.

Toàn cầu hóa của FPT tiếp tục thu được kết quả khả quan với doanh thu tăng 45% so với cùng kỳ, đạt 954 tỷ đồng (xấp xỉ 45 triệu USD). Năm 2015, FPT dự kiến doanh thu toàn tập đoàn tăng 13%, tương ứng lợi nhuận trước thuế tăng 16%.

Nhằm đẩy mạnh tăng trưởng từ thị trường toàn cầu, mới đây, FPT bổ nhiệm nhiều lãnh đạo người nước ngoài, gồm: Giám đốc phụ trách Mua bán sáp nhập FPT Uwe Schlager (nguyên Giám đốc FPT Đức); Phó Giám đốc FPT Japan Hatakeyama Tsutomu (nguyên Giám đốc CNTT của Unilever và DHL Nhật Bản); Giám đốc Kinh doanh FPT USA Malay Verma (nguyên Giám đốc toàn cầu phụ trách khối Thông tin truyền thông của Wipro).

Tin tức

Ý kiến

()