Chúng ta

Mở đường vào thị trường Nhật, cách nào?

Chủ nhật, 22/1/2017 | 09:50 GMT+7

Chia sẻ tại buổi Tọa đàm "Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản" diễn ra mới đây, nhiều doanh nghiệp nhận định, cơ hội hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản là rất tiềm năng, đặc biệt trong các lĩnh vực chế tạo, giao thông, công nghệ thông tin (CNTT)… 

Doanh nghiệp Việt chưa thực sự tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật

Doanh nghiệp Việt chưa thực sự tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết để biến những tiềm năng này thành kết quả hợp tác cụ thể.

Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba), cho biết, các doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam đều rất quan tâm đến vấn đề phát triển công nghiệp phụ trợ. Hiện nay, có một thực trạng là mặc dù các doanh nghiệp Nhật có nhu cầu rất lớn đối với linh - phụ kiện trong nhiều ngành, từ sản xuất máy móc điện tử, công nghệ thông tin, điện thoại cho tới công nghiệp ô tô, xe máy, song các doanh nghiệp Việt vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu này. Nguyên nhân chủ yếu là sự hạn chế về năng lực sản xuất và chưa tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Nhật.

Để giải quyết được bài toán này, ông Hoàng cho hay, Hiệp hội đưa ra đề xuất nên sử dụng một phần nguồn vốn ưu đãi đặc biệt, có thể là từ nguồn ODA hay vốn ưu đãi tín dụng thương mại của Nhật Bản, để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa mua máy móc, thiết bị công nghệ Nhật phục vụ sản xuất các sản phẩm linh kiện cung cấp cho các tập đoàn Nhật tại Việt Nam.

“Các hỗ trợ này có thể thông qua chính sách tín dụng với lãi suất phù hợp, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được máy móc, thiết bị công nghệ cao của Nhật Bản. Có như vậy mới có thể tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu của Nhật”, ông Hoàng nói.

Cùng với công nghiệp hỗ trợ, hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng được các doanh nghiệp trong nước đặc biệt quan tâm. Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, cho biết, hiện nay, thị trường Nhật Bản đã trở thành thị trường số 1 trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của FPT, với doanh thu luôn chiếm khoảng 50% tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài của Tập đoàn.

Trong hơn 11 năm hoạt động tại Nhật, doanh thu của FPT Nhật Bản luôn đạt mức tăng trưởng 32%/năm. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của FPT Nhật Bản cao gấp 2,5 lần mức tăng trưởng bình quân của kim ngạch xuất khẩu Việt Nam – Nhật Bản (13,9%/năm) trong giai đoạn 2006-2015.

“Năm 2016, FPT Nhật Bản đạt doanh thu 2.847 tỷ đồng, tăng trưởng 51% so với năm 2015, chiếm 47% tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT. Năm 2017, chúng tôi đặt mục tiêu FPT Nhật Bản đóng góp 50% trong mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài vào năm 2020 của FPT”, ông Tiến chia sẻ, đồng thời bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hợp tác hơn nữa với các đối tác lớn của Nhật trong lĩnh vực này và nhanh chóng tiệm cận Top 50 công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất tại Nhật Bản, bao gồm các công ty tên tuổi như Fujitsoft, DTS, Systena...

Trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, Tổng công ty Viglacera bày tỏ mong muốn được tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp Nhật và chào đón các nhà đầu tư mới vào các khu công nghiệp của Viglacera trong thời gian tới.

Cũng là một đối tác lớn của các nhà đầu tư Nhật Bản, Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) hiện đang có 3 dự án hợp tác đầu tư được hỗ trợ từ Jica Nhật Bản, với hơn 300 km đường cao tốc.

Ông Nguyễn Thế Cường, Phó tổng giám đốc VEC, cho biết, với nhu cầu đầu tư lớn, VEC rất mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực đầu tư, hợp tác PPP, cũng như chuyển nhượng các dự án đường cao tốc, trong đó ưu tiên nghiên cứu đầu tư hợp tác theo hướng PPP và chuyển nhượng các dự án đường cao tốc mà VEC đã khai thác để tạo nguồn vốn đầu tư các tuyến đường cao tốc mới.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng đánh giá rất cao các cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, cũng như tiềm năng đầu tư vào thị trường Việt Nam. Ông Kobayashi Yoichi, Phó chủ tịch Công ty Itochu nhận định, thị trường Việt Nam vừa là thị trường tiêu thụ, vừa là thị trường sản xuất hết sức tiềm năng.

“Việt Nam là thị trường lớn với dân số trẻ, có tiềm năng phát triển lớn. Công ty Itochu chủ yếu xuất khẩu hàng may mặc, nông lâm sản, thủy sản và nhập khẩu hóa chất và ngũ cốc, ngoài ra còn đầu tư vào lĩnh vực dệt, dự án cơ sở hạ tầng và chuỗi cửa hàng tiện lợi. Chúng tôi mong muốn được hợp tác với nhiều doanh nghiệp Việt Nam có cùng thế mạnh và đóng góp hơn nữa vào nền kinh tế Việt Nam”, ông Kobayashi Yoichi nói.

Đầu tư chứng khoán

Ý kiến

()