Chúng ta

Đà Nẵng 'khát' nhân lực CNTT biết tiếng Nhật

Thứ sáu, 6/3/2015 | 15:04 GMT+7

UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các cơ sở đào tạo tại Đà Nẵng tăng cường dạy tiếng Nhật ở các bậc học phổ thông, đại học, đồng thời cam kết bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ học sinh, sinh viên vay vốn học tập ở cơ sở đào tạo tiếng Nhật, nhằm tạo ra đội ngũ lao động thích nghi với môi trường làm việc Nhật.

Khan hiếm nguồn nhân lực CNTT biết tiếng Nhật

Trong vài năm gần đây, Đà Nẵng là địa điểm thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp Nhật Bản. Nhiều công ty mới của Nhật trong ngành CNTT đến Đà Nẵng tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, FPT Software Đà Nẵng là trung tâm xuất khẩu phần mềm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của FPT, đạt mức 50-60%/năm. Năm 2014, giá trị xuất khẩu phần mềm của Đà Nẵng đạt trên 33 triệu USD, trong đó FPT chiếm tỷ trọng gần 80%. Với 1.400 lập trình viên, FPT góp phần đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn về xuất khẩu phần mềm. Trên 30 công ty lớn trên thế giới đã chọn FPT Software Đà Nẵng để uỷ thác dịch vụ phần mềm, trong đó phần lớn là các đối tác Nhật Bản.

ANH-1-JPG-7690-1425056983-5119-142561663

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ (Thứ 4 từ trái qua) đến thăm FPT Đà Nẵng. Ảnh: Internet.

Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, cho biết: “Để tiếp tục mở rộng hợp tác với các đối tác Nhật, góp phần đưa Việt Nam trở thành đối tác chiến lược của Nhật trong lĩnh vực CNTT, FPT đang thực hiện Chương trình đào tạo 10.000 kỹ sư cầu nối và Đà Nẵng được xem là 1 trong 3 địa bàn trọng điểm của chương trình này.

Trao đổi với ICTnews, ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc FPT Software Đà Nẵng cho biết: “Với vai trò là cầu nối giữa khách hàng Nhật Bản và đội dự án ở Việt Nam, do đó yêu cầu đối với một kỹ sư cầu nối khá cao. Trước tiên, đó phải là kỹ sư phần mềm cộng với khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật trình độ N2. Họ vừa trực tiếp tham gia phát triển các ứng dụng/phần mềm và tham gia các hội nghị qua Skype và các cuộc họp với khách hàng. Họ cũng là người trực tiếp làm việc với khách hàng Nhật (giao tiếp, thương lượng, đàm phán, phân tích các yêu cầu của dự án và truyền đạt cho đội dự án ở Việt Nam)”.

Phân tích vai trò của kỹ sư cầu nối, ông Phương ví von, nếu xem hoạt động của doanh nghiệp phần mềm là một binh đoàn thì lực lượng kỹ sư cầu nối được xem là binh chủng đặc công, vì nó quyết định sự thành công của một dự án. Theo tính toán của ông Phương: nếu doanh nghiệp sở hữu được 1 kỹ sư cầu nối thì sẽ có khả năng mang đến cơ hội làm việc cho 10 người khác.

Hiện nay, FPT Software Đà Nẵng đang mở rộng thị trường Nhật Bản, vì vậy nhu cầu kỹ sư cầu nối của Công ty là vô hạn. Nếu chúng tôi có được 1.000 kỹ sư cầu nối thì có khả năng mang công việc đến cho 10.000 người. Tuy nhiên để tìm kiếm được số lượng 1.000 kỹ sư cầu nối hiện nay thì khó “như hái sao trên trời”. Đơn cử, FPT Sofware Đà Nẵng hiện có 1.400 lao động, trong đó kỹ sư cầu nối chỉ có hơn 100 người.

Sẽ đẩy mạnh các chương trình đào tạo tiếng Nhật

Ông Mai Đăng Hiếu, Phó trưởng Văn phòng đại diện Việt Nam tại Nhật Bản cho biết: “Rất nhiều doanh nghiệp CNTT Nhật Bản muốn đến Đà Nẵng để hợp tác làm ăn. Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao thị trường Đà Nẵng vì có lực lượng sinh viên chuyên ngành CNTT và ngành tiếng Nhật tương đối dồi dào. Hiện Đà Nẵng có 365 sinh viên đang theo học ngành tiếng Nhật và 7.000 sinh viên CNTT. Tuy nhiên, một nghịch lý là người biết tiếng Nhật thì không có kiến thức về CNTT trong khi đó người có kiến thức CNTT lại không biết nói tiếng Nhật. Vì vậy, ông Hiếu đề nghị nên gia tăng lực lượng kỹ sư CNTT biết tiếng Nhật để lôi kéo doanh nghiệp Nhật Bản đến Đà Nẵng”.

Một số doanh nghiệp CNTT Đà Nẵng kiến nghị TP Đà Nẵng nên có chế độ hỗ trợ học tiếng Nhật cho sinh viên CNTT, nhằm chuẩn bị lực lượng làm nền móng cho sự phát triển công nghiệp CNTT.

Tại buổi thăm và làm việc của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Huỳnh Đức Thơ với Tập đoàn FPT vào ngày 27/2 vừa qua, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT đã kiến nghị TP Đà Nẵng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực CNTT biết tiếng Nhật. FPT cam kết đặt hàng, ký hợp đồng tuyển dụng nhân sự kỹ sư CNTT biết tiếng Nhật về làm việc lâu dài, mức lương và chính sách đãi ngộ đặc biệt. Với nền tảng 10.000 kỹ sư CNTT thông thạo ngoại ngữ, từ nay đến năm 2020, FPT sẽ là cầu nối đưa ngành công nghệ sản xuất phần mềm Việt Nam cất cánh.

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, kiến nghị của Tập đoàn FPT phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng, trong đó công nghiệp sản xuất phần mềm và nội dung số là các sản phẩm mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao; sử dụng được nguồn lao động cho Đà Nẵng và miền Trung với số lượng lớn.

Vì vậy, ông Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cần sớm quy hoạch, mở rộng, phát triển việc đào tạo tiếng Nhật ở các bậc học phổ thông; xây dựng lớp chọn, ươm mầm và có định suất tuyển chọn đào tạo tiếng Nhật ở trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho các em học sinh lớp chuyên Tin.

Đối với Chương trình đào tạo kỹ sư cầu nối, ông Thơ yêu cầu Sở Giáo dục & Đào tạo Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan chức năng và Đại học Đà Nẵng, Đại học Duy Tân dự thảo các cơ chế, chính sách, lộ trình phù hợp. UBND TP Đà Nẵng cam kết bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ học sinh, sinh viên vay vốn học tập ở cơ sở đào tạo tiếng Nhật, đào tạo kỹ sư CNTT ngôn ngữ Nhật, phấn đấu mỗi năm, đào tạo được từ 40 đến 50 kỹ sư cầu nối. Nếu mỗi kỹ sư cầu nối - như phân tích của lãnh đạo FPT, có thể hỗ trợ 10 kỹ sư khác làm việc trong môi trường giao tiếp tiếng Nhật, thì kiên trì với mục tiêu trên, nhất định TP Đà Nẵng chúng ta sẽ thỏa mãn được nguồn lực CNTT đáp ứng yêu cầu của thị trường Nhật Bản, ông  Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.

ICTNews

Ý kiến

()