Chúng ta

Bán lẻ công nghệ - lĩnh vực "nóng" trên sân chứng khoán

Thứ tư, 15/4/2015 | 12:01 GMT+7

Lĩnh vực bán lẻ hàng công nghệ với sự tham gia của những tên tuổi lớn đang niêm yết trên sàn chứng khoán dường như đang có nhiều biến động.

Hiện tại, dòng vốn đang dịch chuyển ra khỏi lĩnh vực này.

Tại đại hội cổ đông thường niên, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình gây bất ngờ khi đề cập đến khả năng bán bớt FPT Trading và FPT Retail. Nguyên nhân là tỷ suất lợi nhuận 0,8% tại mảng này quá thấp so với các mảng khác của FPT.

1-1427253640401-6795-142750938-4570-1264

FPT Shop, chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng công nghệ cao, đã tăng trưởng rất nhanh trong vài năm trở lại đây. 

Còn tại Thế giới di động, hai nhà đầu tư lớn là CDH Electric Bee Ltd và Mekong Enterprise Fund II cũng gây chú ý khi liên tục đăng ký thoái vốn trong 2 tháng qua. Tuy nhiên, việc thoái vốn không liên quan đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mà chỉ đơn giản là hiện thực hóa lợi nhuận.

Một ví dụ điển hình là CDH Electric Bee, sau 2 năm nắm giữ cổ phần Thế giới di động và qua nhiều lần chia tách, nhận thưởng, số cổ phiếu của họ từ giá trị ban đầu 20 tỷ đồng giờ đã lên 1.300 tỷ đồng.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, dòng vốn cũng đang đổ vào lĩnh vực này như Công ty Nojima Corporation vừa đăng ký mua thêm 20% cổ phần của Trần Anh để sở hữu tổng cộng 30% DN này.

Còn tại các trung tâm thương mai của Tập đoàn Vingroup, không ít người ngạc nhiên thấy toàn bộ các cửa hàng bán lẻ điện máy của nhiều DN khác nhau giờ đồng loạt chưng biển hiệu mới mang tên Vinpro.

Tham vọng của Vingroup là thành lập chuỗi 100 cửa hàng và 25 trung tâm điện máy trên toàn quốc ngay trong năm 2015. Dường như với các ông chủ Vingroup hay Nojima, doanh số bán lẻ công nghệ tại Việt Nam là 5.5 tỷ USD với mức tăng trưởng trên 20% trong 2 năm liên tiếp có sức hấp dẫn khó cưỡng.

Các chuyên gia dự đoán, trong thời gian tới thị trường chứng khoán sẽ còn chứng kiến những cuộc đổi chủ ngoạn mục trong ngành này.

VTV.vn

Ý kiến

()