Chúng ta

Tôi là ai mà phán xét người?

Thứ tư, 8/2/2017 | 10:30 GMT+7

Đứng ngoài mà phán kiểu “làm bảo mẫu thì phải yêu trẻ” thì dễ, nhưng thực tế ai cũng có lúc mất kiểm soát, ngay cả với chính người thân của mình. 

Đang nóng chuyện hai cô giáo mầm non bạo hành trẻ, không phải lần đầu tiên. Mỗi lần như vậy, tôi lại cố tìm xem có báo nào tìm hiểu sự việc từ phía “thủ phạm” không, nhưng đều không thấy. Họa chăng chỉ là tường thuật những lời khai sợ sệt trước công an, tất cả đều ở về phía nạn nhân - một vị trí hoàn hảo để đứng.

Tôi cứ cố hình dung mình là các cô gái đó. Vì sao họ lại làm như vậy, có phải ngày nào họ cũng tức giận với trẻ, hay chỉ là một sự cố lẻ loi? Áp lực công việc thế nào? Có thể hôm trước thì họ đùa vui đầy yêu thương với chúng? Có thể sáng nay họ gặp chuyện gì ấm ức để rồi vô ý trút giận? Đứng ngoài mà phán kiểu “làm bảo mẫu thì phải yêu trẻ” thì dễ, nhưng thực tế ai cũng có lúc mất kiểm soát, ngay cả với chính người thân của mình. Bực ở cơ quan về trút ở nhà, giận dỗi ở nhà trút lên đồng nghiệp.

Tâm lý học đã xác định một khiếm khuyêt trong tư duy của con người: Lỗi quy kết về bản chất (fundamental attribution error). Chỉ qua một hành vi, ta đã nhanh chóng kết luận về nhân cách một con người. Lối suy nghĩ ấu trĩ này bị lợi dụng để tổng quát hóa thành niềm tin vào mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn sắc tộc với biết bao hậu quả đau thương. Kết luận một người là ác, là xấu xa, ta bỗng có quyền lực của chân lý, và khi ta tin chắc chính nghĩa thuộc về mình là lúc ta dễ làm điều ác nhất. Ta chẳng thể thấy “cây đà trong mắt mình”.

Cần phải phân biệt hai cô gái ấy với hành vi của họ. Thứ đáng lên án là hành vi kia, chứ không phải con người họ. Và khi lên án hành vi, ta bỗng nhận ra bóng dáng của chính mình trong đó: đó cũng từng là, đang là hành vi của mỗi chúng ta, chỉ biến tướng đi chút ít. Chẳng có ai vô tội để ném cục đá đầu tiên. Thay vì phán xét hai cô gái đã đủ hoảng sợ để tỏ ra cao đẹp, ta có thể chọn sửa chữa chính mình. 

Có lẽ như vậy ta sẽ tìm được cho riêng mình điều tốt đẹp ngay cả trong những hiện tượng xấu xa, để khỏi than trời rằng xã hội quá ít điều tốt đẹp.

Phan Phương Đạt

Ý kiến

()