Chúng ta

Thủ phạm lũ lụt là chính chúng ta

Thứ hai, 17/10/2016 | 09:02 GMT+7

Suy cho cùng thủ phạm phá rừng, thủ phạm gây lũ lụt, ngoài trách nhiệm của chính quyền thì chính chúng ta cũng là thủ phạm. 

Các tinh miền Trung đang bị lũ lụt, nhiều vùng lụt nghiêm trọng, thiệt hại vô cùng to lớn cả về người và của. Cả ngày lẫn đêm, chính quyền các cấp và bà con miền Trung vẫn đang oằn mình chống lũ lụt. Trên mạng, Facebook tràn ngập những lời chia sẻ đau thương với bà con miền Trung, đặc biệt nhiều bạn đi tìm nguyên nhân gây ra lũ lụt. Thủy điện, nạn phá rừng phòng hộ là hai nguyên nhân được chỉ ra nhiều nhất.

Thuỷ điện xả lũ là nguyên nhân trực tiếp nhất, nhưng thuỷ điện có thể không xả không? Chắc chắn là không vì nếu không thì nước dâng đầy hồ chứa sẽ vỡ đập, mà vỡ đập thì lũ lụt không chỉ một vùng mà lũ lụt sẽ cả huyện, cả tỉnh. Vấn đề là việc xả lũ phải được phối hợp giữa nhà máy thuỷ điện, chính quyền địa phương và nhân dân, làm sao để dân biết sớm nhất có thể để chủ động phòng chống, sơ tán người và của cải.

Có bạn chỉ ra nguyên nhân thuỷ điện phá vỡ một diện tích lớn rừng để làm hồ chứa nước. Tôi thì cho rằng một hồ chứa nước thuỷ điện sẽ trữ được lượng nước lớn gấp hàng chục lần rừng phòng hộ phá đi làm hồ.

Bạn nào sống ở Hà Nội từ năm 1994 trở về trước đều biết rằng trước khi nhà máy thuỷ điện Hòa Bình đi vào vận hành (1994) thì cả mùa lũ, nước sông Hồng dâng cao làm ngập toàn bộ bãi trong đê. Ba tháng lũ, người dân trong đê phải sơ tán vào nhà người thân trong phố, thậm chí trên đê. Tôi có anh bạn nhà ở Phúc Xá, anh có nghề buộc dây thừng 4 góc giường, tủ treo vòng lên trần nhà, đến mùa lũ lụt thì kéo dây thừng treo giường, tủ lên sát trần nhà, còn 2 vợ chồng thì sơ tán vào nhà người quen ngoài đê. Từ năm 1994, nhà máy thuỷ điện Hoà Bình đi vào vận hành thì không còn cảnh lụt trong đê Sông Hồng và từ đấy các khu phố trong đê hình thành và sầm uất lên rất nhiều. Phải nói rằng các khu phố Bạch Đằng, Chương Dương, Phúc Tân, Phúc Xá, An Dương, Tứ Liên, Nhật Tân sầm uất như ngày nay là nhờ thuỷ điện Hoà Bình. Như vậy, thuỷ điện làm đúng như thuỷ điện Hoà Bình thì có tác dụng giúp chống lũ lụt chứ không phải gây ra lũ lụt.

Nguyên nhân rừng phòng hộ đầu nguồn bị tàn phá, thu hẹp trong suốt mấy chục năm qua là nguyên nhân chính nhất. Vậy ai phải chịu trách nhiệm về nạn phá rừng? Hiển nhiên chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm, trực tiếp hơn là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tổng Cục Lâm nghiệp, lực lượng kiểm lâm. Thế nhưng bao nhiêu kiểm lâm cho đủ khi mà lâm tặc thì nhiều vô kể và hung hãn nữa.

Nghĩ kỹ hơn thì tại sao lâm tặc phá rừng hung hãn và liều lĩnh? Tất nhiên vì nguồn lợi to lớn khi bán gỗ, gỗ càng thuộc nhóm quý hiếm, càng rừng già, càng to, càng nhiều tuổi càng có giá trị cao, càng bán được nhiều tiền.

Vậy ai mua gỗ của lâm tặc? Tất nhiên là các đầu lậu buôn gỗ. 

Vậy đầu lậu buôn gỗ bán cho ai? Tất nhiên là các xưởng gỗ, các nhà máy gỗ, các công ty xây dựng, nội thất, họ cần gỗ thịt để làm cột nhà, lát sàn nhà, làm cầu thang, làm cửa gỗ, đóng tủ gỗ, bàn, ghế gỗ, sập gỗ, thớt gỗ, bình gỗ, tượng gỗ...

Vậy là tất cả chúng ta bằng nhu cầu của mình đã gián tiếp tiếp tay, thúc giục các công ty nội thất, nhà máy, xưởng gỗ đặt hàng các đầu lậu, các đầu lậu lại đặt hàng các lâm tặc. Vì vậy suy cho cùng thủ phạm phá rừng, thủ phạm gây lũ lụt, ngoài trách nhiệm của chính quyền thì chính chúng ta cũng là thủ phạm.

Vậy thì để chữa tận gốc, phải loại bỏ nhu cầu dùng đồ gỗ thịt trong gia đình, cơ quan, trong toàn xã hội, nhất là những dòng gỗ quý hiếm, gỗ từ rừng nguyên sinh. Làm sao cả xã hội chỉ dùng gỗ công nghiệp. Làm sao cả xã hội coi rằng dùng gỗ thịt là không văn minh. Làm sao để không còn bài báo nào ca ngợi, không ai còn khoe bộ bàn ghế gỗ trị giá cả tỷ đồng, không còn ai khoe cầu thang nhà tôi, cửa nhà tôi, sàn nhà tôi là gỗ lim đấy. Làm sao khi mà chúng ta phải cảm thấy đau khi nhìn thấy những đồ gỗ được đóng từ gỗ quý rừng già, rừng nguyên sinh.

Có lẽ phải đưa vấn đề không dùng gỗ thịt vào chương trình giáo dục phổ thông, vào truyền thông, chứ không phải chỉ giáo dục, truyền thông về nạn phá rừng, bởi phá rừng vẫn là ngọn, chưa phải là gốc.

Đỗ Cao Bảo

Ý kiến

()