Chúng ta

Thời cơ vàng ở Myanmar

Thứ năm, 25/4/2013 | 09:25 GMT+7

Hàng loạt chính sách cải cách cả về chính trị lẫn kinh tế tại Myanmar đã thuyết phục được Mỹ và châu Âu nới bỏ hầu hết các cấm vận kinh tế. Sau cú lột xác này, Myanmar đang trở thành một "mỏ vàng" mới nổi, một hiện tượng kinh tế tương tự Việt Nam và Nga trong những năm 1990.

Gọi một thoáng có lẽ chính xác vì chuyến đi lần đầu đến Myanmar có tên cũ là Miến Điện, chúng tôi chỉ có 6 ngày ở Yangon, thủ đô cũ của đất nước này. Một thoáng có nghĩa là chỉ lướt qua, nhưng ở Myanmar thì khác. Đến nay, tôi vẫn chưa hết những cảm xúc ngạc nhiên, thú vị của lần gặp gỡ ban đầu này.

Yangon chỉ cách Hà Nội và Sài Gòn hơn 2 giờ bay, hai nước Myanmar và Việt Nam cùng có chung một dòng sông Mekong chảy ngang qua. Vì vậy Myanmar trong tôi, tuy không là “ bà con xa “nhưng vẫn là láng giềng gần, rất gần.

Tôi đến với Myanmar trước hết có lẽ là sự tò mò muốn khám phá về một đất nước có truyền thống đạo Phật, chiếm đến 85% dân số, nơi phát triển đặc sắc của nhánh Phật giáo Nguyên thủy (Therevada), có nơi gọi là Phật giáo Tiểu Thừa hay Nam Tông.

Myanmar với những thánh tích Phật giáo, chùa tháp nguy nga, tráng lệ, quê hương của nhiều vị thiền sư lỗi lạc đã hoằng pháp ở nhiều trường dạy thiền nổi tiếng trên thế giới, người dân mộ đạo, hiền lành vậy mà họ đã và có lẽ vẫn đang sống dưới một chế độ bị chỉ trích là “độc tài quân phiệt”, nhiều năm qua đóng cửa, cô lập với thế giới bên ngoài. Liệu có gì nghịch lý hơn không?

Chúng tôi xuống sân bay Yangong sau 2h15’ bay từ Hà Nội.

Trước khi khởi hành, đoàn chúng tôi gồm 5 người toàn những chiến tướng của FPT, đã có rất nhiều “cảnh báo” thiếu thiện cảm về Myanmar. Nào là đất nước không có an ninh, chính quyền quân đội và các lực lượng chống đối vẫn còn đụng độ. Rồi sự ăn ở, đi lại thiếu tiện nghi, thành phố cái gì cũng cũ cũng nghèo, Internet thì chập chờn…

Cả đoàn đoán già đoán non viễn cảnh phi trường Myanmar tệ lắm đây, không chừng là phiên bản 2.0 của “Tân Sơn Nhất International Airport” thời thập niên 80 thế kỷ trước. Chủ tịch Trương Gia Bình đã dặn dò chúng tôi về chiến lược “Xuyên thời” (Back to the Future) để chinh phục Myanmar. Riêng anh Khánh “Râu” (Bùi Ngọc Khánh) - tay "buôn" có hạng của FPT Trading - thì cười cười nháy mắt: "Sẽ có một cái “test” ngoạn mục cho hải quan Myanmar trong lần đầu nhập quan này".

Nhưng không, phi trường Yangon đón chúng tôi trong sự ngỡ ngàng, vì nó sạch sẽ, hiện đại đến bất ngờ, tuy không đến mức đẹp rực rỡ như Changi, Singapore, nhưng rõ ràng khác xa Nội Bài (Hà Nội). Trong lúc Khánh “Râu” buột miệng than: “Thế này thì ăn đứt Việt Nam rồi!”, tôi bắt đầu ngờ vực về chiến lược “Xuyên thời" bởi chưa biết xuyên thời theo chiều nào và ai sẽ xuyên ai đây.

Thủ tục hải quan nhanh và gọn gàng, lễ phép hết sức bất ngờ cho những ai từng đi du lịch các quốc gia lạc hậu châu Á. Nhưng ấn tượng nhất với đoàn là cách hành xử của một cán bộ hải quan trẻ, chừng 25 tuổi về lô hàng điện thoại anh Khánh mang vào.

Lô hàng dĩ nhiên bị giữ lại, Khánh “Râu” bị dẫn đi riêng qua khu vực hải quan kiểm tra hàng hóa. Cảm thấy hơi bất an, tôi quyết định dẫn cả 5 anh em của đoàn vào cùng với Khánh. Khi tôi chìa “Business Card” với chức vụ Giám đốc Chiến lược tập đoàn và một bản photocopy của lịch làm việc vào buổi tối cùng ngày tại Yangon, cậu nhân viên hải quan vẫn ôn tồn và lễ phép giải thích rằng chúng tôi đúng ra nên khai báo lô hàng là sản phẩm “demo” cho hoạt động thương mại.

Sau khi ghi chép cẩn thận vào sổ tay, cậu nhân viên hải quan trẻ đưa ra quyết định rất nhanh: “Thưa các ngài, vì đây là lần đầu tiên các ngài đến Myanmar và số lượng hàng không lớn nếu chia cho cả đoàn 5 người và dùng cho business, tuy nhiên đúng ra các ngài vẫn phải khai báo vào giấy nhập quan. Nếu không phải là lần đầu tiên, chúng tôi sẽ tiến hành phạt các ngài. Xin các ngài lưu ý cho những lần sau và chúc các ngài có một chuyến công tác vui vẻ”.

Không cần đôi co, nhũng nhiễu cũng không cần phải hỏi lại cấp trên, cậu nhân viên hải quan trẻ hết sức lịch thiệp đã dạy cho chúng tôi một bài học về đạo đức con người Myanmar. Chúng tôi thấy xấu hổ với chính mình khi đã đề phòng phương án xấu hơn hoặc thậm chí nếu căng quá sẽ “bỏ của chạy lấy người”.

Những ngày sau đó, trong nhiều giao dịch khác và đặc biệt khi nghe các đồng nghiệp Myanmar kể rằng ở đất nước Phật giáo này, nếu muốn cho tiền hay bố thí khi đi làm từ thiện, các bạn phải giải thích thật tường minh lý do giúp đỡ, nếu không người dân Myanmar sẽ không nhận. Và dù nghèo nhưng đức tin vào những điều tốt đẹp của Phật pháp không cho phép con người Myanmar chiếm lấy những giá trị họ cảm thấy không xứng đáng.

Không nghi ngờ gì nữa, Phật tính trong con người Myanmar là những giá trị tuyệt vời nhất của đất nước này, cho dù họ đang bị xếp trong những quốc gia nghèo khó nhất trên thế giới sau mấy chục năm đóng cửa bởi chính quyền quân sự. Nhưng với những con người như thế, tôi rất tin vào những quả ngọt mà họ sẽ nhận trong tương lai.

Hiện nay, 90% hàng công nghiệp và tiêu dùng của Myanmar phải nhập khẩu từ hơn 115 nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài mới đạt 15 tỷ USD, giá lao động thấp, nhiều lĩnh vực công nghiệp, sản xuất, dịch vụ, y tế... còn bỏ ngỏ. Đó là cơ hội “vàng” cho các doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ xúc tiến thương mại, đón đầu cơ hội đầu tư vào thị trường này.

Theo ông Chu Công Phùng, Cựu Đại sứ Việt Nam tại Myanmar, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều thuận lợi khi xâm nhập vào thị trường Myanmar do hai nước có mối quan hệ chính trị tốt đẹp và Myanmar đang chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế định hướng thị trường, có chính sách khuyến khích khu vực tư nhân phát triển ngoại thương và hỗ trợ trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu...

Ông Hlaing Myint, Phó Cục trưởng Bộ Du lịch và Khách sạn Myanmar, cho rằng, dù thu nhập bình quân đầu người của người dân Myanmar không cao, nhưng với dân số gần 65 triệu dân, sản xuất trong nước còn hạn chế nên nhu cầu tiêu dùng và sức mua rất lớn. Trong đó, có rất nhiều sản phẩm có nhu cầu lớn và có thể đầu tư hiệu quả như khai thác khoáng sản, lâm sản, chế biến nông, lâm, thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây ăn trái, đóng tàu, viễn thông, du lịch, nhiệt điện...

Hàng loạt chính sách cải cách cả về chính trị lẫn kinh tế mới đây tại Myanmar đã thuyết phục được Mỹ và châu Âu nới bỏ hầu hết cấm vận kinh tế. Sau cú lột xác này, Myanmar đang trở thành một "mỏ vàng" mới nổi, một hiện tượng kinh tế tương tự Việt Nam và Nga trong những năm 1990.

Trong chuyến đi này, FPT tập trung vào tìm kiếm các đối tác cấp cao trong chính phủ và địa phương ở các mãng hợp tác lớn về giáo dục CNTT, dịch vụ CNTT và Viễn thông, dịch vụ phân phối bằng công nghệ quản trị cao, công nghiệp phần mềm,…

Chiến lược “Cùng nhau đi đến thành công” (Suceed Together) của FPT từ thập niên 2000 sẽ được tái sử dụng vô cùng phù hợp với các đối tác Myanmar trong giai đoạn này khi bạn và ta đều trong tâm thế “vì ta cần nhau”.

Thái Hòa

Ý kiến

()