Chúng ta

Thiệp đến tay, đâu phải lúc nào cũng vui

Thứ ba, 1/12/2015 | 09:18 GMT+7

Một tấm thiệp mời mang ý nghĩa rất đặc biệt. Một ngày vui, một dịp kỷ niệm hay một sự kiện đặc biệt nào đó với chủ nhân của tấm thiệp. Thế nhưng, nhận được thiệp đôi khi không hẳn là niềm vui với tất cả mọi người. 

Đôi khi những cánh thiệp đến tay lại trở thành một thứ áp lực với không ít người nhận. Cầm tấm thiệp trong tay đồng nghĩa với việc túi tiền sẽ bị vơi đi đôi chút, và nói không chừng cũng khá nhiều. Nói theo ngôn ngữ của giới trẻ là: “Có một sự buồn nhẹ!”.

Nhưng cái sự buồn nhẹ đó chẳng là gì so với niềm vui chia sẻ hạnh phúc với chủ nhân của tấm thiệp mời. Người nhận sẽ hoan hỉ đón nhận nó bởi mối thân tình. Tuy nhiên, nỗi buồn sẽ không hề nhẹ nữa khi mà mối quan hệ giữa người gửi và người nhận chỉ hơn có số 0 một chút, tức một mối quan hệ xã giao, một mối quan hệ không có nhiều điều để bàn đến, một mối quan hệ thường đến mức không thể thường hơn. Áp lực đối với người nhận lúc này có lẽ còn nặng hơn. Đi hay không đi? Gửi thiệp hay im lặng luôn? Quả là nan giải!

Người xưa vẫn thường nói “Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”. Đối với chủ nhân của những cánh thiệp, khi trao chúng cho khách mời, có lẽ cần phải uốn 7 lần nhân hai và hơn thế nữa. Những câu chuyện hài hước xung quanh “những cánh thiệp biết nói” là vô số kể. Thực tế là làm gì một chiếc thiệp biết nói được. Nhưng cái cung cách trao - nhận đã tự động tạo nên một tính cách, một con người và một giọng nói cho những cánh thiệp. Trao một cách chiếu lệ, hình thức, không nói rõ ràng, trao theo kiểu “phát chẩn”, vui cả làng... như thế tự dưng lại giết chết những cánh thiệp xinh đẹp, khiến nó vỏng lên những thứ âm thanh lệch lạc và khó chịu làm sao.

Khi mở thiệp ra, lại có một điều tế nhị khác nữa mà đâu phải ai cũng chia sẻ được. Chi tiết thì nhỏ bé lắm nhưng tiếng nói thì mạnh mẽ vô cùng. Đó là tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ báo giờ khai tiệc. Những cái giờ tréo ngoe lỡ cỡ khiến người nhận chỉ biết chậc lưỡi, thôi thì “Ăn trước lót dạ cái đã!”.

Đấy là muôn vàn éo le trong nỗi niềm của những người nhận thiệp. Biết rằng một tấm thiệp đến tay là thành ý hay một niềm vui muốn được chia sẻ cùng mọi người. Biết rằng chủ nhân của những cánh thiệp có rất nhiều thứ phải lo liệu. Song những cánh thiệp còn là sự trân trọng mối quan hệ giữa đôi bên. Hãy để người nhận thiệp đon đả cầm nó trong tay với “một sự vui không hề nhẹ”!

Trương Yến Nhi

Ý kiến

()