Chúng ta

'Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình'

Thứ năm, 6/3/2014 | 12:02 GMT+7

Qua những chuyến đi thực tế, mỗi chúng ta sẽ càng thấu hiểu, cảm thông hơn để san sẻ khó khăn với đồng loại cũng như kêu gọi những tấm lòng hảo tâm khác chung tay vì cộng đồng.
> 'Góp một ngày lương giúp chính anh em chúng ta'

Mỗi người đều có quan niệm, cách sống riêng và điều đó làm nên sự phong phú, đa dạng của xã hội. Nhà thơ Tố Hữu đã từng nói: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Thật vậy, sống không chỉ đơn thuần là hít thở, ăn uống để tồn tại mà còn là giao hòa với cộng đồng, cùng góp phần công sức để đưa xã hội đi lên. Sống không phải chỉ biết hưởng thụ mà cần “cho” đi, tức là biết cống hiến, quan tâm đến người khác hay sống vì mọi người xung quanh.

Chính vì lẽ đó, đã có rất nhiều tổ chức, tập thể cá nhân với tinh thần thiện nguyện hướng đến cộng đồng được hình thành. Đã là người FPT thì chắc rằng đều biết đến ngày 13/3 - Ngày FPT vì cộng đồng, được tổ chức thường niên với nhiều chủ đề hoạt động khác nhau qua các năm. Đây cũng là ngày để người FPT cùng làm công tác thiện nguyện, cùng nhau hưởng ứng, tham gia và đóng góp cả về vật chất lẫn tinh thần cho những hoàn cảnh, mảnh đời khó khăn xung quanh chúng ta.

d

Cổng trường Trường Long 3.

Nhắc đến tinh thần và tấm lòng thiện nguyện, tôi xin mượn lời chị Hồng Hà (Phòng Chiến lược FPT) đã chia sẻ trên Chungta.vn: “Thiện nguyện chắc chắn là sự thiện tâm từ đáy lòng. Tấm lòng thơm thảo sẽ được nảy nở, lan tỏa nhiều hơn trong một môi trường thuận lợi hơn. Thay vì không biết bao nhiêu người FPT làm thiện nguyện, thông qua chương trình, chúng ta sẽ biết là toàn thể người FPT cùng tham gia; thay vì những hoạt động thiện nguyện riêng lẻ phân tán, nhiều hình thức, chúng ta sẽ có chuỗi chương trình lớn chủ đề tập trung. Từ đó mang lại lợi ích cho các đối tượng nhiều hơn và rộng hơn”.

Qua những chuyến đi thực tế, mỗi chúng ta sẽ càng thấu hiểu, cảm thông hơn để san sẻ khó khăn với đồng loại cũng như kêu gọi nhiều tấm lòng hảo tâm khác chung tay vì cộng đồng. Câu chuyện từ một chuyến đi thực tế của tôi dưới đây là ví dụ.

Chúng tôi lên đường ngay sau khi nhận thông tin chia sẻ về một điểm trường thuộc vùng ven xã Trường Long, Phong Điền, Cần Thơ, đang khó khăn và cần sự quan tâm hỗ trợ từ cộng đồng. Mất khoảng gần 30 phút di chuyển từ trung tâm thành phố Cần Thơ đến trung tâm huyện và hơn 15 phút len lỏi qua những con đường nông thôn về đến trường tiểu học Trường Long 3. Sau một vài phút chia sẻ cùng thầy Việt, Hiệu trưởng của trường, tôi được biết đây là điểm chính, còn hai điểm nữa cách xa bán kính gần 3 km. Tôi hỏi nguyên nhân vì sao nhà trường lại có nhiều điểm như thế, thầy Việt tâm sự: “Do các em còn nhỏ, khoảng cách di chuyển đến nơi học quá xa nên để các bé đi bộ đến trường sẽ thật sự khó khăn”. Thoạt nghe, tôi cũng không thể hình dung được sự khó khăn sẽ như thế nào, và tôi tiếp tục hành trình di chuyển đến những điểm trường còn lại để tìm hiểu thêm.

Cảm nhận đầu tiên khi tôi đến đây là sao khoảng cách địa lý từ trường về trung tâm TP Cần Thơ chỉ hơn 30 km, nhưng cuộc sống nơi đây thật sự khác biệt, thật sự khó khăn, thiếu cả về điều kiện sống, sinh hoạt, học tập, nói gì đến vui chơi, giải trí cho các em.

Tại điểm trường này chỉ duy nhất hai phòng học, buổi sáng thì dành cho các em lớp một và dành cho các bé mầm non học nhờ, buổi chiều là địa điểm cho các bé học lớp 2, lớp 3. Trao đổi cùng cô giáo đang phụ trách lớp 1, tôi được biết cô đã gắn bó với các bé từ rất lâu, thỉnh thoảng lắm mới nhận được một số sách cũ hoặc dụng cụ học tập cũ từ trên cơ sở chuyển xuống. Trong tổng số 19 em đang theo học lớp 1 đã có hơn 10 em hoàn cảnh khó khăn, thiếu tập vở, bảng học sinh, dụng cụ học tập, sách thì được mượn từ thư viện trường hoặc các cô cho mượn.

d

Trường Trường Long 3 với cơ sở vật chất chật chội, thiếu thốn.

Việc hỗ trợ chính sách từ trên đưa xuống, phân định rất rõ ràng: Một số em thuộc diện nghèo, một số khác thuộc diện cận nghèo, số còn lại là thuộc diện khó khăn. Địa phương phân ra như vậy, có một số em năm trước thuộc diện nghèo, có sổ nghèo, nhưng năm sau chính quyền xét lại thì chuyển qua diện “cận nghèo” hoặc “khó khăn”.

"Chính quyền địa phương hoặc khi có chương trình tài trợ từ trên xuống chỉ tập trung và phát riêng cho các em gia đình có 'sổ nghèo'. Đôi khi tôi cũng thấy buồn cho các em diện 'cận nghèo', 'khó khăn' bởi hoàn cảnh cũng có khác gì đâu mà lại có sự phân biệt như thế. Tôi nghĩ cái cần nhất là sách vở, dụng cụ học tập đầy đủ để các em được đến lớp, được học như những bạn khác một cách đầy đủ”, cô phụ trách chia sẻ. Nghe đến đây, tôi cảm thấy chạnh lòng cho các em cũng như rất hiểu và đồng cảm với suy nghĩ của cô.

Chợt nghĩ đến câu khẩu hiệu mà tôi gặp trên suốt tuyến đường di chuyển đến trường “Học là cách để thay đổi số phận”. Các em nơi đây được phụ huynh cho đến trường đã là may mắn bởi họ cũng mong muốn con em mình sau này có được cái chữ, tìm được nghề để nuôi sống bản thân, phụ giúp cho gia đình và hơn hết là để thoát khỏi cảnh nghèo khó như gia đình hiện tại. Ai cũng muốn thế, nhưng điều kiện kinh tế, vật chất của gia đình và nhà trường vẫn còn khó, và cần lắm những tấm lòng thiện nguyện để các em được chia sẻ, được tiếp cận tri thức để vào đời với tương lai tương sáng hơn.

Ngọc Cưng

Ý kiến

()