Chúng ta

Nhường nhịn trong khuôn khổ

Chủ nhật, 9/11/2014 | 09:00 GMT+7

Tại sao họ phải nhường cho chị khi họ phải bỏ ra số tiền lớn hơn? Đừng lôi con trẻ vào vì tôi thấy các cháu vẫn leo được tầng 3. Đừng mong người khác phải nhường cho mình điều gì cả!

Tôi đến ga Hà Nội sau khi tan sở để mua vé đi Sapa. Lượng khách khá đông, chúng tôi đều phải lấy số và ngồi chờ. Tôi để ý, mặc dù nhà ga gọi lần lượt từng khách ra mua, nhưng quầy bán vé lúc nào cũng đông người xúm lại. Tôi tự nhủ, có thể họ chưa đọc kỹ quy trình bán vé ở bên ngoài nên đến hỏi rõ thông tin...

Cuối cùng cũng đến lượt tôi đến mua vé. Bỗng có một chị chạy ra sau lưng tôi:

- Em ơi, nhường chỗ cho chị mua được không?

Tôi nhìn chị - một phụ nữ tầm ngoài 30 tuổi, thân hình lành lặn, ăn vận đẹp đẽ

- Dạ không được chị ạ, em đã xếp hàng rất lâu mới đến lượt em để mua.

- Chị đứng ở đây mãi mà không ai nhường chỗ cho phụ nữ cả. Không hiểu mọi người sống với nhau kiểu gì - đi kèm là cái bĩu môi dài thườn thượt.

Tôi không nói gì với chị và lẳng lặng mua vé. Tôi hiểu vì sao quầy bán vé lại làm việc chậm và có rất nhiều người xúm lại thế. Họ, thay vì đứng chờ thì ngồi đợi người khác nhường sự ưu tiên cho mình. Mọi người sống với nhau rất công bằng. Vậy thôi!

Phải bỏ thêm chút tiền tôi mới có được vé giường nằm tầng 2 trên tàu. Có một chị và ba đứa bé nằm tầng 3 - tầng rẻ nhất. Dĩ nhiên là tôi cũng không phân biệt gì cả, vì tùy khả năng của mỗi người để có được chỗ ngồi khác nhau. Cho đến khi chị ấy đánh tiếng với nhân viên trên ga đủ lớn tiếng cho mọi người nằm trong phòng nghe thấy:

- Tầng 3 cao quá, mà không ai chịu nhường cho các cháu bé cả!

- Tại sao họ phải nhường cho chị khi họ phải bỏ ra số tiền lớn hơn? Đừng lôi con trẻ vào vì tôi thấy các cháu vẫn leo được tầng 3. Đừng mong người khác phải nhường cho mình điều gì cả!

Chị ấy có vẻ tẽn tò và quay người lại. Tôi ngẫm lời chị nhân viên trên tàu nói. Tại sao ta phải nhường cho người khác thứ ta có? Chỉ vì họ là phụ nữ, hay là trẻ con, trong khi như tôi - phải trả một số tiền lớn hơn để nằm vị trí tốt bởi vì bị say tàu xe nặng.

Những lần tôi đi viện, tôi để ý rất nhiều người lôi lý do: “Cô nhường cho cháu bé trước” hay “Con nhường cho người già trước đi, thanh niên cơ mà”, để chen chân đứng xếp hàng. Không chỉ đi viện - nơi mà chỉ cần tích tắc chậm là ảnh hưởng đến tính mạng, mà thậm chí xếp hàng mua vé xe cũng có lý do lôi đứa trẻ ra để chen hàng. Có đôi lần tôi từ chối, và cái nhận được là ánh mắt khinh miệt dành cho người không biết sẻ chia.

Tôi có những nguyên tắc nhất định khi quyết định nhường cho ai quyền lợi của chính mình. Nếu như người thụ hưởng đó khó khăn thực sự và tôi là người đủ khả năng trích quyền lợi mà sau khi sẻ chia xong mình vẫn ổn thì việc mình trích quyền lợi riêng của mình để chia sẻ là điều ấy đáng trân trọng. Nhưng nếu không phải nằm trong nguyên tắc ấy thì lòng tốt của chúng ta chỉ để họ lợi dụng. Chúng ta luôn mong người khác phải nhường điều tốt đẹp cho mình. Nhưng chúng ta có gì để họ phải nhường?

Hôm nay, tôi đỗ xe dừng đèn đỏ. Một chiếc xe máy đứng sau tôi đang bấm còi yêu cầu nhường đường cho bác ấy lên trước. Và bạn, trong cuộc sống, cũng gặp vài lần như thế...

Đào Mai Anh

Ý kiến

()