Chúng ta

Những công trình nghìn tỷ

Thứ bảy, 28/11/2015 | 07:59 GMT+7

Ngày càng xuất hiện nhiều hơn kế hoạch xây dựng những quảng trường rồi tượng đài với mức kinh phí bèo bèo cũng vài trăm tỷ, hoành tráng hơn lên đến cả nghìn tỷ đồng. Số tiền bỏ ra quá lớn nhưng lợi ích và giá trị của nó còn rất mơ hồ. 

Dư luận hẳn chưa lắng dịu sau khi tỉnh Quảng Nam khánh thành tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng với kinh phí xây dựng lên đến 411 tỷ đồng. Không lâu sau đó, tỉnh Sơn La ra nghị quyết thông qua đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn cùng quảng trường với tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng. Mới đây, dư luận tiếp tục có dịp bàn ra tán vào với tượng đài Đinh Tiên Hoàng bỏ hoang và xuống cấp nghiêm trọng tại thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) vì... thiếu tiền. Dù chưa hoàn thiện nhưng công trình này có số vốn đầu tư dự kiến cũng ngót nghét hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.  

Trên đây là một vài công trình "tiêu biểu" cho hàng loạt công trình đã và đang chuẩn bị mọc lên tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Theo các số liệu thống kê, hiện Việt Nam có gần 400 tượng đài trải dọc theo chiều dài đất nước với mức kinh phí thấp nhất là vài chục tỷ đồng. Trong đó, chỉ có một số ít đáp ứng được tính mỹ thuật và chất lượng công trình. Phần nhiều còn lại nhanh chóng xuống cấp vì chất lượng xây dựng kém, không có phương án bảo trì - bảo tồn, bị "rút ruột", chạy theo tiến độ... Chưa thể đo lường được hiệu quả và giá trị mang lại của nó, nhưng trước mắt là nguồn ngân sách địa phương bị thâm hụt nghiêm trọng, trong khi cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển kinh tế lại bị bỏ ngỏ. 

Tôi đồng tình với quan điểm của họa sĩ Lý Trực Dũng - Công ty Buffalo Architects. Ông cho rằng phong trào xây tượng đài ở Việt Nam hiện nay như đang đi trên một con đường riêng biệt, không giống quốc gia nào trên thế giới. Không quốc gia nào có số lượng lớn tượng đài được xây dựng bằng tiền ngân sách như Việt Nam. 

Cũng có những nhân vật đã được dựng tượng đài ở một số nước để tôn vinh công lao của họ đối với đất nước họ như tượng đài George Washington ở Mỹ được xây từ năm 1848-1884, tượng đài Bismarck đầu tiên ở Đức năm 1868. Nhưng những tượng đài này không phải do chính phủ bỏ tiền ra xây, mà do những người yêu mến hai nhân vật này tự quyên góp tiền để xây.

Khi ông trao đổi vấn đề xây dựng tượng đài bằng tiền ngân sách ở Việt Nam với các đồng nghiệp nước ngoài thì họ đều rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao Việt Nam đang còn nhiều khó khăn như thế mà lại dùng tiền ngân sách xây tượng đài...

Về hình thức, các tượng đài đều na ná giống nhau: sáo mòn, rập khuôn và đơn điệu. Nhiều tượng đài hiện không có tác động tích cực như mong muốn. Nó không thu hút được sự quan tâm của người dân, thậm chí gây tác động xấu về thẩm mỹ và chất lượng yếu kém. Hẳn dư luận vẫn chưa khỏi xót xa với hàng loạt công trình phục vụ 1.000 năm Thăng Long đang bị hoang hóa và xuống cấp. 

Vậy ý nghĩa của việc xây dựng tượng đài là gì? Người ta thường hay nói về việc xây dựng tượng đài cho thật hoành tráng, quy mô, xứng tầm này nọ. Nhưng sự thật là chưa có một báo cáo cụ thể nào về ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước và giá trị nhân văn do các tượng đài ấy mang lại. Ngược lại, nếu các địa phương vẫn tiếp tục đua nhau xây dựng tượng đài hoành tráng "cho bằng người ta" thì đó có thể là mầm mống cho tham nhũng và lợi ích nhóm trục lợi. 

Đâu chỉ có tượng đài hoành tráng mới thể hiện được sự phát triển của địa phương hoặc cao xa hơn là giáo dục lịch sử dân tộc, ghi nhớ công ơn của các vĩ nhân. Và 2015 nên được coi là năm của những công trình và tượng đài nghìn tỷ ở Việt Nam. 

Hà Dương

Ý kiến

()