Chúng ta

Người Việt tự kỳ thị chính mình

Thứ hai, 26/1/2015 | 07:58 GMT+7

Nếu người Việt không bỏ thói quen tự kỳ thị chính mình, việc chảy máu lực lượng lao động chất lượng cao sẽ càng diễn ra mạnh mẽ.

Việc kỳ thị ở các nước phát triển nói chung được coi là việc đáng lên án. Kỳ thị là thái độ coi thường, phân biệt ứng xử với người khác. Theo cách hiểu thông thường, việc kỳ thị xảy ra khi một sắc dân này coi một sắc dân khác nào đó kém cỏi hơn, và với định kiến như vậy, sắc dân tự coi mình hơn sẽ có cách ứng xử không phù hợp. Chẳng hạn việc kỳ thị người da màu và trả lương thấp hơn, không tuyển vào các vị trí cao cấp. Hay như việc kỳ thị người Do Thái đã dẫn tới nạn diệt chủng vào Thế chiến thứ 2.

Thế nhưng ở Việt Nam lại có một trạng thái ngược lại, đó là tự kỳ thị chính mình. Tôi thường chứng kiến chuyện các giáo sư Việt kiều dẫn sinh viên thực tiễn ở Việt Nam. Các đoàn Việt Nam đều hồ hởi đón tiếp các sinh viên, trong khi đó lại kém tôn trọng vị giáo sư Việt kiều đi cùng. Hay điển hình nhất là việc các phi công người Việt đang được nhận mức lương chỉ bằng 1/3 đến 1/2 so với các đồng nghiệp ngoại quốc cho cùng một nghiệp vụ. Thực tế, việc phân biệt đối xử trong trả lương nhân viên người nước ngoài tại Việt Nam là khá phổ biến. Mức chênh lệch thường lên tới mức gấp đôi hoặc gấp ba so với nhân viên bản xứ.

Việc tự kỳ thị này đã ăn sâu vào cuộc sống, đến mức gần như không ai cảm thấy đó là vấn đề nữa. Tuy nhiên, với những người quen với môi trường bình đẳng, việc này thật khó chấp nhận. Tôi vẫn nhớ một buổi hội thảo với nhiều thành phần quan trọng. Nhưng để buổi hội thảo thêm phần long trọng, một khách “Tây” được mời lên diễn thuyết. Thực tiễn của vị này là một nhân viên thông thường nhưng vẫn được trọng vọng không khác một diễn giả quan trọng. Điều này gây ra sự khó chịu cho nhiều người nhưng đa phần vẫn thấy vui vui vì có thành phần “Tây” tham gia.

Thực tế hiện nay cho thấy, thị trường lao động càng ngày càng mở và trình độ tiếng Anh của người Việt cũng tăng lên một cách nhanh chóng. Do vậy, ngày càng có nhiều người Việt đi làm việc ở nước ngoài và cạnh tranh một cách bình đẳng tại tất cả các thị trường nhân lực chất lượng cao trên thế giới. Và nếu người Việt không bỏ thói quen tự kỳ thị chính mình, việc chảy máu lực lượng lao động chất lượng cao sẽ càng diễn ra mạnh mẽ.

Đàm Quang Minh

Ý kiến

()