Chúng ta

Người Nhật đã đứng dậy sau chiến tranh như thế nào?

Thứ bảy, 12/3/2016 | 09:07 GMT+7

Chẳng có nhân tố siêu nhân nào giúp nước Nhật cả. Rất giản dị, họ đã đứng lên bằng những thói quen lâu đời của một dân tộc: Chăm chỉ, chỉn chu và luôn học hỏi.

Khi Nhật Hoàng buộc phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngày 15/8/1945, chấp nhận sự chiếm đóng của quân đội đồng minh, đưa đất nước này ra khỏi cuộc chiến tranh với hơn 3 triệu người chết, 20% nhà cửa bị tàn phá bởi chiến dịch ném bom của không quân Mỹ (trong đó có hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki); Riêng Tokyo và Osaka - hai trung tâm lớn nhất - bị tàn phá tới 60%. Mức sản xuất công nghiệp chỉ còn tương đương 10% so với trước chiến tranh. Và phải 6 năm sau, Nhật mới thu hồi được nền độc lập, chấm dứt ách chiếm đóng của quân đội Mỹ bằng Hiệp ước Hòa bình San Francisco 9/1951.

Vậy mà chỉ 17 năm sau, năm 1968, tổng thu nhập quốc dân của Nhật đã đứng hàng thứ hai thế giới, vượt cả những cường quốc kinh tế lâu đời như Anh, Pháp, Đức, Ý…

Cả thế giới bàng hoàng không hiểu người Nhật đã làm gì để đạt được sự phát triển thần kỳ này. Đối chiếu với những gì mà Việt Nam đã đạt được trong 41 năm qua, có lẽ chúng ta sẽ dễ hình dung hơn, kỳ tích của người Nhật vĩ đại biết chừng nào.

Những quan sát của thế giới, nhằm tìm kiếm các nhân tố đặc biệt tạo ra kỳ tích vĩ đại này, đã không đạt kết quả gì đáng kể. Trong 17 năm đó, người ta không nhìn thấy dòng tiền quốc tế hay dòng chất xám nào đổ về nước Nhật. Bản thân nước Nhật cũng không tạo ra công nghệ gì thần kỳ. Và nước Nhật cũng chẳng có tài nguyên thiên nhiên gì đáng kể. Đó cũng là thời gian, nước Mỹ vẫn tìm mọi cách để hạn chế sự phát triển của Nhật Bản. Mỹ vẫn lo sợ về một trận Trân Châu Cảng thứ hai, khi Người Nhật muốn trả thù cho hai quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima và Nagasaki.

Vậy mà người Nhật vẫn đứng lên, lặng lẽ, từ chết chóc, từ đói, từ rét, từ đống hoang tàn đổ nát... để rồi trở thành người khổng lồ trước sự ngạc nhiên của cả nhân loại.

Nhưng chẳng có nhân tố siêu nhân nào đã giúp nước Nhật cả. Rất giản dị, họ đã đứng lên bằng những thói quen lâu đời của một dân tộc: Chăm chỉ, chỉn chu và luôn học hỏi.

Người Nhật vốn rất chăm chỉ. Khi khó khăn, họ càng chăm chỉ hơn. Trong thời gian khó khăn sau chiến tranh, trung bình người Nhật làm việc 15 tiếng một ngày. Nếu bạn làm 8 tiếng vẫn chưa đủ ăn, thì 10 tiếng có thể đủ, 5 tiếng còn lại sẽ dành cho tích lũy phát triển. Không phải một người chăm chỉ, mà là cả dân tộc. Không phải chăm chỉ một tuần, mà dân tộc này đã chăm chỉ liên tục trong nhiều năm. Và sự chăm chỉ đó đã góp phần mang lại kỳ tích.

Người Nhật vốn rất chỉn chu. Theo bạn, thương hiệu nào có giá trị nhất thế giới? Coca Cola? Walmart? Hay Google? Đó đều là những thương hiêụ trị giá nhiều tỷ đô la. Nhưng thương hiêụ lớn nhất thế giới chính là "Made in Japan" - một cụm từ đồng nghĩa với chất lượng cao. Ngưới Nhật đã tạo ra thương hiệu này bằng thói quen chỉn chu, làm gì cũng cố gắng tới tận cùng, để đạt được sự hoàn mỹ. Không phải một người chỉn chu, mà cả dân tộc chỉn chu. Và sự chỉn chu đã mang lại uy tín cho bất cứ hàng hóa gì mà người Nhật làm ra.

Người Nhật luôn học hỏi. Đây là một chủ đề rất thú vị, tôi sẽ chia sẻ trong bài viết khác. Ở đây tôi chỉ muốn nói, họ học được tất cả những thứ hay ho nhất của phương Tây, nhưng vẫn giữ được các giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông. Họ không chỉ học từ bạn bè. Họ học hỏi rất nhiều từ kẻ thù. Dù người Nhật không tự mình phát minh ra nhiều công nghệ cao, nhưng nhờ thái độ liên tục học hỏi, trình độ khoa học kỹ thuật và công nghệ của người Nhật luôn ở trình độ rất cao. Điều này đã giúp cho nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu có một vị thế vững chắc và đáng nể trọng.

Nhìn lại Việt Nam, dù chiến tranh trôi qua đã 41 năm, nhưng nền kinh tế của chúng ta vẫn còn rất khó khăn. Và quan trọng là triển vọng vẫn tiếp tục khó khăn. Chúng ta đang loay hoay tìm lối ra.

Ước gì cụ Phan Bội Châu còn sống để lập lại Duy Tân Hội, để gây dựng lại phong trào Đông Du. Biết đâu lại thấy lối ra!

Hoàng Minh Châu

Ý kiến

()