Chúng ta

Người đồng tính cần được kết hôn

Thứ bảy, 7/7/2012 | 10:54 GMT+7

Trong tuần qua, thông tin về việc xem xét sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình để cho phép người đồng tính kết hôn đã nhận được sự đồng thuận của dư luận.

Cách đây ít lâu, thông tin về đám cưới của hai chàng đồng tính ở Kiên Giang cũng khiến cộng đồng ồn ào. Sự ồn ào chủ yếu là tò mò, vì ở Việt Nam, trừ “đám cưới” của hai bạn nữ ở Hà Nội trước đó, mới có cặp đôi này công khai “cưới nhau”.

Sự phản ứng của chính quyền địa phương thị xã Hà Tiên, Kiên Giang sau đám cưới Văn Hên – Bảo Quốc đó cũng được quan tâm rất sát. Nhiều người dự đoán, cặp đôi này sẽ bị phạt vì “vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình”, nhưng hóa ra không phải. Với giải thích, cặp đôi này chưa đăng ký kết hôn, nên họ không bị phạt vì “lấy nhau”, mà gia đình họ chỉ phải đóng phạt 200 nghìn đồng vì lỗi “gây mất trật tự công cộng”, do lễ cưới “độc” này khiến cả nghìn người kéo đến xem, gây…tắc đường!

Đ

Đám cưới của hai chàng trai đồng tính gây xôn xao dư luận ở Kiên Giang vừa qua. Ảnh: TP.

Cách xử lý của chính quyền như vậy là nhẹ nhàng, không ai mảy may phản đối. Tất nhiên chính quyền cũng không thể xử lý khác, vì rõ ràng, nếu cặp đôi nói trên đưa đơn ra ủy ban xin đăng ký kết hôn cũng sẽ bị trả đơn ngay, do luật chưa cho phép.

Chưa cho phép, nhưng thực tế, người đồng tính vẫn ở với nhau như "vợ chồng".

Tôi không quen nhiều người đồng tình, nhưng tôi biết có nhiều cặp đồng tính ở với nhau không khác gì các cặp vợ chồng khác. Họ chăm sóc nhau, có lúc ghen tuông, có khi giận dỗi, có khi họ bỏ nhau để đến với người khác, nhưng cũng có những cặp sống với nhau đến già, có cặp nhận con nuôi để cùng chăm sóc.

Trong những ý kiến ủng hộ việc sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình theo hướng mở cho hôn nhân đồng giới, đa số cho rằng điều này thể hiện quyền bình đẳng giới của mọi người trong xã hội.

Rõ ràng, với xã hội đang ngày một cởi mở, văn minh, những ràng buộc, kỳ thị cách đây chỉ mới trên chục năm vẫn còn rất nặng nề, đến giờ đã bị xóa nhòa.

Một khảo sát trên VnEpxress cho thấy, trong 3.002 người tham gia, có tới gần 80% ý kiến ủng hộ cho phép người đồng tính kết hôn, chưa đầy 10% ý kiến phản đối.

Phản hồi trên VnExpress, một độc giả có nick name Occaubuou viết: “Tình yêu đồng giới luôn tồn tại từ khi có loài người. Tuy nhiên sự nhìn nhận luôn không phù hợp ở nhiều hoàn cảnh lich sử phát triển của loài người làm cho tình yêu đồng giới luôn bị kỳ thị và với nhiều người đó là thứ bệnh hoạn. Ngày nay với sự hội nhập toàn cầu, thông tin nhiều nguồn và luôn cập nhật thì cách nhìn nhận về tình yêu đồng giới dần cũng có sự thông cảm. Việt Nam đang hội nhập, và người Việt Nam luôn suy nghĩ có tình có lý về nhiều sự việc. Tôi nghĩ chúng ta nên sửa luật cho phép người đồng tính kết hôn. Điều đó không sớm thì muộn cũng sẽ phải đến, vậy nó đến sớm sẽ tốt hơn nhiều”.

Trên các mạng xã hội, rất nhiều người cũng có ý kiến ủng hộ tương tự. Chắc rằng, các cặp đôi đồng tính sẽ rất mát lòng khi nhận được sự ủng hộ này của mọi người.

Các báo cáo dự đoán, ở Việt Nam hiện có khoảng 100.000 người đồng tính, nhưng thường con số thật sự lớn hơn nhiều ở các báo cáo. Hiện nay, ở thế hệ trẻ, khi phát hiện ra mình là người đồng tính, nhiều bạn trẻ đã công khai và sống với đúng với bản năng của mình, nhiều người được bạn bè và gia đình chấp nhận (tất nhiên cũng nhiều người còn bị ngăn cấm, phản đối). Nhưng ở các lớp trung tuổi, rất nhiều người đã phải giấu diếm, nhiều người vẫn kết hôn, có con, để rồi khi bất ngờ bị phát giác, đã dẫn đến sự đổ vỡ của cả tình cảm vợ chồng và hạnh phúc gia đình.

Tuy nhiên, dù đã có ý kiến của Bộ Tư pháp, thì việc sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình, nếu được Quốc hội chấp thuận, cũng phải đến năm 2013 mới được tiến hành. Để đi đến việc sửa luật, còn có nhiều rào cản, như truyền thống, kinh nghiệm tư pháp, khi mà hiện chưa có nước châu Á nào chính thức cho phép hôn nhân đồng giới, còn trên thế giới cũng chỉ mới có một số nước công nhận điều này.

Ngoài ra, trong số các ý kiến trái chiều về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, cho phép người đồng tính kết hôn, thì tòa án sẽ phải vất vả xử cho họ ly hôn nhiều hơn, vì các cặp đôi đồng tính thường rất nhanh chóng thay đổi bạn tình. Nhưng rõ ràng, được xã hội và pháp luật công nhận, thì dứt khoát phải hơn việc lấy – bỏ tự do. Có ràng buộc của pháp luật, thì những vấn đề về quyền lợi, nghĩa vụ, tài sản, con cái… của họ sẽ được bảo hộ như tất cả mọi người trong xã hội.

Hy vọng rằng, từ việc cho phép người đồng tính kết hôn, sẽ giảm bớt hoặc chấm dứt những vụ án từ những mối tính đồng tính – đa phần của những người đồng tính “kín”, mà tần suất xuất hiện trên báo chí đang ngày một nhiều – hiện nay.

Tiên Long

Ý kiến

()