Chúng ta

Nghẹn lòng khi đến với Lai Châu

Thứ năm, 7/1/2016 | 09:42 GMT+7

Cuộc đời ai cũng có những chuyến đi và mỗi chuyến đi sẽ là hành trình trải nghiệm đặc biệt. Với tôi, hành trình về với vùng cao Nùng Nàng, Tam Đường, Lai Châu là một chuyến đi đặc biệt như thế.

Trước chuyến đi một tháng, chúng tôi đã rong ruổi trên khắp phố phường tập hợp đầu sách theo mong muốn của nhà trường. Cả nhóm gặp các nhà thầu, nhà cung cấp để kiểm tra từng mẫu áo, từng đường chỉ để có những chiếc áo ấm mùa đông nhằm chia sẻ phần nào những khó khăn vất vả với đồng bào nơi đây. Những món quà sẽ mang lại hơi ấm, niềm vui cho các em nhỏ, giúp các em chống chọi với mùa đông khắc nghiệt.

Ngày chiếc xe lăn bánh từ Hà Nội lên Lai Châu, trong lòng ai cũng có chút lo lắng. Thời tiết mưa rét không được thuận lợi lắm, đường núi lại cheo leo, khi đổ đèo tai chúng tôi ù lên và lãng đi vô cùng khó chịu. Nhiều lần, bác tài xế làm chúng tôi không khỏi thót tim vì những khúc cua tay áo. Nghĩ lại quãng đường đã đi, nhiều người không khỏi hoảng sợ.

Sau gần 9 tiếng trên xe với những đoạn đường mù sương, tầm nhìn hạn chế tới 3 m, chúng tôi cũng đến được Lai Châu khi nhiệt độ đã xuống 6 độ C. Đoàn đành phải nghỉ tại TP Lai Châu vì khung đường lên Nùng Nàng giờ rất nguy hiểm. Nằm trong chăn ấm của  một nhà nghỉ phường Trần Phú mà chúng tôi vẫn không khỏi xuýt xoa, nằm gần nhau để xua tan cái lạnh. Ấy thế mà trên đường đi vẫn thấy các em nhỏ phong phanh đi bộ trên con đường ngập sương mà không khỏi quặn thắt lòng.

Sáng sớm hôm sau, nhập với đoàn là các bạn trẻ của FPT Shop tại Lào Cai, đoàn chúng tôi tiếp tục di chuyển lên điểm trường. Hỏi về điểm trường, bác tài xế vô tư chỉ cho chúng tôi điểm đỉnh núi bao phủ toàn sương mù xa tít rồi hồ hởi nói: "Điểm trường cách thành phố không xa nhưng phải đi lâu vì đường đèo trắc trở". Tai chúng tôi lại bị ù và cảm giác nôn nao vì không quen địa hình. Thế nhưng khi tới trường, nhìn các phòng học, hình ảnh những em nhỏ háo hức, những cái bắt tay nồng nhiệt từ thầy cô đã khiến chúng tôi quên đi cảm giác khó chịu đó. Mỗi người một tay, chúng tôi nhanh chóng chuyển đồ, lắp ráp linh kiện máy tính, bộ tủ, sách vở, áo phao và hàng trăm phần bánh kẹo từ hai xe xuống.

Chúng tôi đã trao hơn 1.000 đầu sách, những bộ máy tính, hàng trăm chiếc áo ấm và những phần đồ chơi, bánh kẹo, em nào cũng háo hức. 

Đến thăm rồi được xem các em hát, múa những bài hát của dân tộc mình, thấy được sự chăm ngoan và nề nếp của các em, cảm nhận được sự cơ cực nơi đây, trong lòng chúng tôi xót xa. Các em nhỏ vùng cao thứ gì cũng thiếu, từ cái áo, cái chăn, đôi dép cho đến sách vở, đồ dùng học tập, thậm chí từng bữa cơm thịt cũng trở nên hiếm hoi. Mặt mũi đứa nào cũng lấm lem, nứt nẻ. Chúng tôi lại thấy rằng phần quà của chúng tôi còn quá ít ỏi, quá thiếu đối với nhu cầu tối thiểu của các em.

Nghe các thầy cô trong điểm trường ở Nùng Nàng nói, các em học sinh ở đây chỉ ăn mèn mén thay cơm. Khá hơn thì có em mang cơm trắng, ít muối trắng đi để ăn. Mỗi mùa đông đến hay mỗi mùa lên nương, điểm trường ở Nùng Nàng lại thêm một vài học sinh nghỉ học. Các em dù còn nhỏ tuổi, nhưng phải theo cha mẹ lên nương phụ giúp gia đình hoặc ở nhà chăm em nhỏ. Thương các em, nhưng các thầy cô cũng chẳng thể làm được gì hơn bởi ở giữa vùng núi hoang sơ này, ai cũng nghèo khó.

Khu ở nội trú của các em chỉ vòn vẹn trong 2 căn phòng chật hẹp, mỗi phòng khoảng 10 chiếc giường tầng được kê san sát nhau. Với những người học xa nhà không lạ lẫm gì với chiếc gường này, nhưng khi chúng tôi được nằm mỗi người một giường thì các em phải nằm 3-4 người một giường. Có khi phải kê sát giường để các em nằm ngang cho rộng. Ấy vậy mà đâu phải em nào cũng được ở nội trú, chỉ các em ở xa, cách trường khoảng gần chục cây mới được sắp xếp ở nội trú, nhà ở gần hơn các em chỉ được ở bán trú vì nhà trường không đủ chỗ. Nhìn thấy các em chỉ khoác trên mình một chiếc áo cộc tay, bên ngoài là chiếc áo gió đồng phục của trường, đôi chân ấy, đôi chân giữa mùa lạnh giá chỉ có đôi dép tổ ong không tất, thậm chí đi đất trên con đường từ nhà đến trường lầy lội và quanh co, trái tim chúng tôi như thắt lại.

Hai ngày tại Lai Châu, được sống cùng các em nhỏ với chúng tôi là những ký ức không thể nào quên. Tạm biệt Nùng Nàng, chúng tôi nhìn nhau trong những ánh mắt cay cay. Trong phút giây ấy, tôi tự dặn lòng mình và thầm mong một ngày sẽ trở lại. Mong rằng những hành động nhỏ này của chúng tôi sẽ chắp cánh ước mơ trí thức để trẻ em nghèo Lai Châu có tương lai tươi sáng hơn.

Vũ Thị Thu Huyền

Ý kiến

()