Chúng ta

Mạng sống ở đâu cũng như nhau

Thứ năm, 19/11/2015 | 11:11 GMT+7

Việc dư luận để tâm đến ai hơn không có nghĩa là mạng sống của người đó quý giá hơn. Vấn đề chỉ là khía cạnh truyền thông, là xúc cảm tác động vào dư luận thế nào mà thôi.

Sau cuộc thảm sát ở Paris tuần trước, cư dân mạng sôi sục: Facebook bật chế độ "Báo cáo tình trạng an toàn"; hàng triệu triệu avatar Facebook phủ màu xanh trắng đỏ, tiếc thương cho nước Pháp...

Đó là lý do xuất hiện những ý kiến phản ứng cho rằng Facebook và dư luận đang thiên vị cho Paris, rằng những tai họa, những cuộc thảm sát như thế (thậm chí khủng khiếp hơn thế) diễn ra như cơm bữa ở Li-băng, ở Beirut, nhưng tại sao chỉ có Paris là được xót thương? Chẳng lẽ sinh mạng những người ở Paris đáng giá hơn?

Đã có quá nhiều ý kiến về vấn đề này, nhưng hôm nay, tôi muốn nhìn vấn đề theo một góc khác...

Trước tiên, tôi nghĩ, và chắc rằng Facebook cũng như hầu hết dư luận đều nghĩ, rằng sinh mạng của con người ở mọi nơi đều đáng quý như nhau. Cái khác nhau ở đây chỉ là sự thu hút của dư luận, sự chú ý của truyền thông.

Theo bạn, một người chết trong rừng sâu và một người chết giữa Hồ Gươm, dư luận sẽ chú ý đến ai hơn? Một cụ già chết vì tuổi cao sức yếu và một hotgirl chết vì bị hiếp dâm cắt cổ, dư luận sẽ để tâm đến ai hơn?

Bạn thử đứng trên tầng thượng nhà bạn rồi hét lên: "Tôi nhảy xuống đây!" Cùng lắm có vài người thân, đôi ba hàng xóm, láng giềng chạy ra nghiêng ngó, khuyên ngăn. Nhưng nếu bạn đứng trên cầu vượt Nguyễn Chí Thanh, giữa giờ cao điểm, và bạn hét lên câu tương tự, chắc chắn sẽ có ngàn ngàn người nghiêng ngó, khuyên ngăn. Chẳng lẽ mạng sống của bạn khi đứng trên cầu vượt đáng giá hơn khi đứng trên tầng thượng? Chắc chắn là không!

Thế nên, việc dư luận để tâm đến ai hơn không có nghĩa là mạng sống của người đó quý giá hơn. Vấn đề chỉ là khía cạnh truyền thông, là xúc cảm tác động vào dư luận thế nào mà thôi!

Facebook là sân chơi của dư luận, và việc họ phải chiều theo mong muốn, xu thế của dư luận cũng là điều dễ hiểu.

Đinh Long

Ý kiến

()