Chúng ta

Làm giàu cho cá nhân thôi chưa đủ

Thứ ba, 27/12/2016 | 10:55 GMT+7

Khi anh lái xe vui mừng thông báo đã mua được căn nhà 3 tầng đầy đủ nội thất ở khu đô thị mới, còn chị tạp vụ thì háo hức dọn đến căn hộ chung cư 2 phòng ngủ, FPT đã phần nào thực hiện được ước vọng hưng thịnh quốc gia.

Năm 1989 có một sự kiện ở sân bay Sheremetyevo - Moscow đã hằn sâu một nỗi đau mà mãi mãi chúng tôi không bao giờ quên. Nó tác động rất lớn đến suy nghĩ, hành động của chúng tôi trong suốt hơn 27 năm qua.

Cuối năm 1989, trong một chuyến công tác châu Âu, chúng tôi rất khó khăn mới mua được vé máy bay từ Moscow về Hà Nội, nhưng có vé máy bay là một chuyện, xếp được hàng, lên được máy bay về Việt Nam lại là một việc hoàn toàn khác.

Ở sân bay quốc tế Sheremetyevo, cảnh người Việt xếp hàng, chen lấn, xô đẩy, bị cảnh sát Nga dùng dùi cui quất không thương tiếc và cảnh ông thầy tôi vừa giơ hai tay đỡ dùi cui vừa hét lớn: "доктор наука! доктор наука! доктор наука!" (Tiến sĩ Khoa học! Tiến sĩ Khoa học! Tiến sĩ Khoa học!) đối nghịch với cảnh người Nhật nhẹ nhàng, lịch thiệp, thong dong đi trên thảm đỏ lên máy bay đã làm cho chúng tôi thấu hiểu: "Muốn được bạn bè quốc tế nể trọng, muốn dân tộc Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu, nhất định đất nước Việt Nam phải giàu mạnh".

Chính vì vậy, đối với những người thuộc thế hệ sáng lập FPT chúng tôi, tâm nguyện "làm giàu cho cá nhân mình, cho gia đình mình, cho công ty FPT, đồng thời góp phần làm giàu cho đất nước, góp phần hưng thịnh quốc gia" không chỉ là câu nói sáo rỗng, không chỉ là lên gân lên cốt mà nó là mệnh lệnh từ sâu thẳm trái tim.

Đúng 5 năm sau, tháng 1/1995, tôi vô cùng súc động, cảm giác lâng lâng khi bước chân vào khách sạn 5 sao ở Orlando (Florida, Mỹ) tham dự hội nghị IBM toàn cầu. Khi anh bạn gốc Việt, nhân viên IBM Mỹ, ôm chầm lấy chúng tôi mà reo lên sung sướng: "Ôi người Việt Nam chúng ta đã sang Mỹ dự hội nghị IBM toàn cầu rồi, không chỉ một mà những 5 người". Thời khắc ấy, ký ức viên cảnh sát Nga vung dùi cui quất và ông thầy tôi vừa giơ tay đỡ vừa hét lớn: "доктор наука! Tiến sĩ khoa học!" lại hiện về.

Khi FPT toàn cầu hoá, mỗi lần nghe tin thắng thầu, mỗi khi lễ ký kết hợp đồng ở Singapore, Malina, Phnom Penh, Vientiane, Dhaka được ký kết, mỗi khi nhận được một đồng ngoại tệ từ nước ngoài, hình ảnh viên cảnh sát Nga vung dùi cui quất và ông thầy tôi vừa giơ tay đỡ vừa hét lớn: "доктор наука! Tiến sĩ khoa học!" lại hiện về.

Thời điểm cổ phiếu FPT lên sàn chứng khoán cuối năm 2006, cách đây tròn 10 năm, là quãng thời gian đặc biệt trong cuộc đời của rất nhiều người FPT, nhất là anh Trương Gia Bình, người được mệnh danh là "Người tạo ra nhiều triệu phú nhất Việt Nam". Đấy là quãng thời gian mà hàng ngày chúng tôi cảm nhận rõ nhất cái nguyện ước: "Làm giàu cho cá nhân thôi chưa đủ" đã được thực hiện một phần khi FPT đã có 117 người trở thành triệu phú USD, khi mà anh lái xe vui mừng thông báo đã mua được căn nhà 3 tầng đầy đủ nội thất ở khu đô thị mới, còn chị tạp vụ thì háo hức dọn đến căn hộ chung cư 2 phòng ngủ.

Chính vì tâm nguyện "Làm giàu cho cá nhân mình thôi chưa đủ" đã thôi thúc tôi viết loạt bài "Vì sao Việt Nam ta mãi nghèo", các bài về chủ đề "học thành công", về các nhân vật vượt qua nghèo khó, trở ngại vươn lên, làm giàu cho cá nhân, gia đình mình. Bởi lẽ đơn giản, tôi rất tâm đắc với phương châm: "Mỗi người hãy làm tốt nhất công việc của mình, làm giàu cho cá nhân mình thì xã hội sẽ ngày một tốt đẹp hơn, đất nước ngày càng giàu mạnh hơn" và khi ấy người Việt sẽ được bạn bè quốc tế nể trọng hơn.

>> FPT 10 năm lên sàn chứng khoán Việt

Đỗ Cao Bảo

Ý kiến

()